Sau vụ F88, doanh nghiệp 'ngóng' hành lang pháp lý cho fintech

(ĐTTCO) - Dù chưa được NHNN cấp phép, các công ty công nghệ tài chính (fintech) đang hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) tại Việt Nam vẫn hoạt động cấp tín dụng rầm rộ. Trong khi đó, sanbox (cơ chế thử nghiệm có kiểm soát) tạo hành lang pháp lý cho fintech nói chung và P2P Lending nói riêng, đến nay vẫn chưa có.
Cho vay công nghệ ngày càng núp bóng dưới nhiều hình thức. Ảnh minh họa
Cho vay công nghệ ngày càng núp bóng dưới nhiều hình thức. Ảnh minh họa

Tranh tối tranh sáng cho vay tiêu dùng

Trước đây, thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam chỉ có 2 nhóm chính góp mặt là NH và công ty tài chính (CTTC) tiêu dùng. Và ở giai đoạn các CTTC trực thuộc NH phải tái cơ cấu, các tổ chức tài chính từ nước ngoài rầm rộ góp mặt vào thị trường.

Sau đó, hoạt động cho vay tiêu dùng được tiếp sức khi các công ty công nghệ tài chính (fintech) nở rộ tại Việt Nam, và phần lớn công ty đó tham gia hình thức cho vay ngang hàng (P2P Lending).

Gần đây, nhiều hình thức cho vay tiêu dùng cũng âm thầm nở rộ thông qua hoạt động cầm đồ, cho vay qua ví điện tử với hình thức ví trả sau, mô hình bán hàng trả chậm, mua ngay trả sau cho thanh toán thương mại điện tử…

Cho vay tiêu dùng đã từng được kỳ vọng sẽ đẩy lùi tín dụng đen trong nền kinh tế. Quy mô dư nợ ngày càng tăng là tín hiệu lạc quan cho kỳ vọng này. Lần công bố gần nhất của NHNN cho biết tại thời điểm 30-9-2022, dư nợ cho vay tiêu dùng 2,42 triệu tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 21% trong tổng dư nợ, với 84 TCTD tham gia cho vay.

Trong đó, riêng dư nợ cho vay tiêu dùng của các CTTC đạt khoảng 145.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.

Thế nhưng, đi cùng sự phát triển trên, ngày càng xuất hiện nhiều hạt sạn lớn, khiến kỳ vọng đẩy lùi tín dụng đen đến nay vẫn chỉ là kỳ vọng. Gần đây đã có những CTTC cho vay vô tội vạ không truy xét đến khả năng trả nợ, sau đó thuê dịch vụ thu hồi nợ kiểu xã hội đen.

Một thí dụ điển hình là trường hợp CTCP Kinh doanh F88. Công ty này đã từng công bố được xếp hạng tín nhiệm ổn định và thị trường cũng đánh giá cao về tiềm năng, uy tín. Thế nhưng, F88 bị công an khám xét hàng loạt chi nhánh tại các tỉnh, thành để điều tra hoạt động cho vay và nghi ngờ có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản.

Tương tự, P2P Lending đang hoạt động với quy mô lớn, có tốc độ giải ngân quá nhanh mà cách thức và thủ tục vay lại đơn giản, giải quyết được nhiều món vay nhỏ cho người dân. Tuy nhiên, cơ quan công an thường xuyên cảnh báo vay tiền qua ứng dụng P2P cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, dẫn đến người vay gánh mức lãi suất tín dụng đen.

Hậu quả là bị đòi nợ kiểu khủng bố, ảnh hưởng đến cuộc sống, như gọi điện thoại đe dọa người thân, đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân lên mạng xã hội… gây áp lực để đòi nợ người vay.

Cũng có trường hợp, các đơn vị quản lý ứng dụng cho vay đánh cắp thông tin cá nhân sau khi khách hàng hoàn tất hồ sơ online với mục đích lừa đảo, tống tiền hoặc sẽ bán thông tin khách hàng cho bên thứ 3 nhằm lừa đảo người thân chuyển tiền…

Điều đáng lo ngại, hiện nay có hằng hà sa số công ty đang tham gia cho vay với hình thức trực tiếp, ngang hàng hoặc mua hàng trả chậm trên các nền tảng trực tuyến như ứng dụng cho vay, sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Thị trường tín dụng tiêu dùng vì thế càng trở nên bát nháo hơn.

Sanbox quản lý P2P Lending: Chờ và chờ

Sự việc của F88 đang được điều tra và nhiều vụ việc tiêu cực lâu nay từ các ứng dụng cho vay trực tuyến, đã đặt ra vấn đề quản lý hoạt động cho vay dưới chuẩn của các công ty fintech. Tính đến nay, thị trường Việt Nam đã có 16 CTTC được NHNN cấp phép hoạt động, với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.000 điểm giới thiệu dịch vụ, phục vụ khoảng 30 triệu khách hàng trên toàn quốc.

2 nhóm này vẫn chưa phủ sóng hết nhu cầu của người dân và phần còn lại của miếng bánh thị trường chính là “mảnh đất” để các đơn vị chưa được cấp phép cho vay “cày xới”. Cụ thể, sanbox cho các công ty P2P Lending chưa có, nhưng các quy định của luật pháp hiện nay không cấm người dân cho vay lẫn nhau, cũng không có luật nào cấm công ty đứng ra làm môi giới giữa 2 người cho vay lẫn nhau.

Vì thế, P2P Lending hình thành và phát triển nhanh chóng, dẫn đến sự nở rộ của hoạt động cho vay công nghệ. Không phủ nhận có những công ty kinh doanh chân chính trong vùng xám chưa được quản lý này, nhưng cũng có nhiều công ty lợi dụng việc pháp luật chưa quản lý để kinh doanh bất chính.

Thế nên xây dựng hành lang pháp lý cho nhóm này được các chuyên gia đánh giá là cấp thiết. Song nhà quản lý vẫn đi những bước rất chậm.

Thực tế, năm 2017 đã có những đề xuất về việc cần có sandbox cho fintech, trong đó có cả P2P Lending, để tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực này hoạt động. Đến đầu năm 2020, NHNN thông báo đang xây dựng nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động fintech trong lĩnh vực NH, bao gồm cả P2P Lending, trình Thủ tướng phê duyệt và dự kiến năm 2021 sẽ chạy thử nghiệm. Nhưng đến nay, cơ chế vẫn nằm trên dự thảo.

Gần đây, một vài DN P2P Lending cho rằng chờ đã lâu vẫn chưa có định hướng, họ cũng chia sẻ việc xây dựng sandbox cần có quy trình mang tính thử nghiệm, không nhất thiết phải tuân thủ đúng thủ tục xây dựng pháp luật như thông thường.

Tư duy xây dựng, thiết kế sandbox cũng cần được tạo không gian mang tính thử nghiệm cao, không cứng nhắc như các luật quản lý truyền thống, vì công nghệ mỗi ngày mỗi thay đổi. Thế nhưng, nhà quản lý vẫn rất thận trọng, cân lên đặt xuống suốt nhiều năm liền.

Trong khi đó, thị trường rơi vào cảnh hỗn loạn, kinh doanh cho vay rất dễ dàng và biến tướng tiêu cực ngày càng được khui ra nhiều hơn. Câu hỏi “Bao giờ Việt Nam có sandbox đúng nghĩa vẫn chưa có ai có thể trả lời được”.

Trong cáo bạch gửi HNX, hoạt động cấp tín dụng được F88 giải thích là “dịch vụ cầm đồ”, được cấp phép bởi Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội, không phải của NHNN. Tức F88 không hề có chức năng cho vay. Tương tự, nhiều công ty fintech thực hiện hoạt động P2P Lending cũng đang hoạt động bằng giấy phép của Sở Kế hoạch - Đầu tư nhưng vẫn thực hiện chức năng cho vay.

Các tin khác