Ai đã kinh doanh, đầu tư đều tham vọng được sở hữu và tạo ảnh hưởng tại một công ty hàng đầu như Vinamilk (VNM). Nhưng khi tham vọng có nhiều trong khi lợi ích chỉ có một thì nguy cơ xảy ra cuộc chiến giành ảnh hưởng là điều có thể. Nhân viên chưa được hưởng lợi ĐHCĐ của Vinamilk (VNM) luôn là một trong những đại hội vui nhất, tích cực nhất trong nhiều năm qua, bởi công ty vẫn liên tục làm ăn hiệu quả, chia cổ tức cao, minh bạch với cổ đông. ĐHCĐ năm 2013 của VNM cũng như vậy, không thiếu niềm vui, nhưng lại xuất hiện một sự kiện buộc nhiều người phải suy nghĩ. Đó là chương trình phát hành cổ phiếu cho nhân viên (ESOP) của Vinamilk không được thông qua. Trước ĐHCĐ, HĐQT của công ty họp bàn, mà trong HĐQT có cổ đông lớn, nói nôm na là một kiểu "hiệp thương". Nếu cổ đông lớn không "ưng bụng" với phương án hay vấn đề nào, nhiều khả năng trình tại ĐHCĐ cũng sẽ khó lòng thông qua, bởi bỏ phiếu biểu quyết cổ đông lớn tất nhiên chiếm ảnh hưởng lớn. Theo yêu cầu của nhóm cổ đông nắm giữ 11,25% cổ phần VNM, ông Pascal De Petrini đã trình đại hội chương trình ESOP. Khó có thể tin rằng, nhóm cổ đông lớn kia đợi đến ngày tổ chức ĐHCĐ mới đột ngột đưa ra chương trình ESOP để đại hội xem xét và phê duyệt. Nhưng nếu quay lại phương án đã bàn bạc với nhau từ trước, câu hỏi đặt ra ở đây là nếu biết trước kết quả tại sao HĐQT vẫn đệ trình? Trong khá nhiều giả thiết được đưa ra, có thể chú ý đến một giả thiết: Phải chăng, động thái này của HĐQT VNM hướng đến việc công khai để tất cả cổ đông nắm vấn đề, từ đó bàn bạc, nói gọn là mang tính chất "đánh động" ra bên ngoài. Nhìn ở góc độ tích cực, dù cổ đông lớn có "hiệp thương" và kết quả đã ngã ngũ từ trước, công ty vẫn còn có các cổ đông nhỏ lẻ khác, và họ cũng có quyền góp tiếng nói, quan điểm của mình. Điều này phù hợp với đặc điểm của công ty đại chúng. Nhưng bên cạnh đó cũng có mặt trái. Bởi việc đưa vấn đề này ra bên ngoài cũng cho thấy những mâu thuẫn nhất định trong đội ngũ HĐQT cũng như giữa các cổ đông lớn của VNM. Trong khi đó từ trước đến nay ban lãnh đạo VNM được xem là tận tâm với công việc, xuất sắc trong chuyên môn. Cuộc chiến giành ảnh hưởng Phát hành ESOP có nghĩa là số lượng CP của những người làm việc tại VNM sẽ tăng lên, trong khi những cổ đông khác giảm đi. Nhưng tỷ lệ cổ phần giảm không đồng nghĩa với cổ tức, hay giá cổ phiếu giảm. Bởi nếu VNM vẫn tiếp tục tăng trưởng như hiện nay, việc cổ đông sở hữu vài chục % cổ phần bị pha loãng vài % cũng không phải là điều gì quá ghê gớm. Nhìn qua chương trình ESOP của VNM như sau: từ năm 2012-2016, mỗi năm phát hành cổ phần tương đương 0,4% vốn điều lệ nếu tốc độ tăng trưởng kép bình quân của lợi nhuận trước thuế là 21%; trường hợp tỷ lệ tăng trưởng kép bình quân từ 16% đến dưới 21%, tỷ lệ phát hành chỉ 0,2% vốn điều lệ cho mỗi năm; dưới 16% không phát hành ESOP. Tính toán một cách cơ bản, phát hành ESOP với tỷ lệ 0,4%/năm trong vòng 5 năm tổng số CP sẽ tương đương 2%, trong khi tỷ lệ tăng trưởng kép mỗi năm 21% thì 5 năm tăng hơn 100%, tức tăng gấp đôi. Sự chênh lệch giữa 100% tăng trưởng và 2% cổ phần phát hành thêm liệu có đáng để lo ngại pha loãng? Pha loãng về tỷ lệ (số tương đối) nhưng cổ tức tăng, giá cổ phiếu tăng thì số tuyệt đối vẫn tăng. Các cổ đông tham dự ĐHCĐ thường niên 2013 Vinamilk. Khi đầu tư vào một doanh nghiệp, ai cũng kỳ vọng doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, minh bạch, chia cổ tức cao, ổn định, phát triển tốt… VNM gần như thỏa mãn tất cả tiêu chí trên. Vậy SCIC trong vai một nhà đầu tư, một cổ đông, đương nhiên phải hài lòng. Nhưng việc phủ quyết chương trình ESOP lại đặt ra câu hỏi rằng: SCIC còn muốn gì ở VNM nữa? Dẫn chứng: SCIC cho dù là cổ đông sở hữu cổ phần với tỷ lệ lớn nhất tại VNM (45%) nhưng dấu ấn về mặt quản trị, chiến lược của SCIC tại đây là không rõ rệt. Vài năm gần đây, SCIC đã tích cực thể hiện vai trò cổ đông lớn của mình tại các doanh nghiệp. Thế nên, việc sở hữu lượng cổ phần lớn tại VNM, nhưng vai trò lại cứ "nhàn nhạt" là điều khó chấp nhận của bất cứ cổ đông nào khác. Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VNM, có thể xem là nhân vật quan trọng bậc nhất dẫn đến sự thành công của công ty, thì cá nhân lại sở hữu chưa đến… nửa phần trăm (0,271%) của VNM. Cổ đông lớn nhất nhưng lại không tham gia điều hành trực tiếp, trong khi người điều hành quan trọng nhất lại không phải là cổ đông lớn0 Với số cổ phần khá ít ỏi của mình, bà Mai Kiều Liên có thể gặp bất lợi trước những vấn đề cần phải biểu quyết hoặc phủ quyết. Trong kinh doanh có những vấn đề cần phải quyết rất nhanh, nếu họp bàn, thảo luận kéo dài có thể cơ hội sẽ mất đi. Những trường hợp này, cần sự đồng lòng của ban lãnh đạo hoặc ảnh hưởng tuyệt đối của một nhà quản trị. Có thể xem VNM là một mỏ vàng cho những ai sở hữu, đặc biệt là các cổ đông lớn. Vậy nên, sở hữu mỏ vàng có ai muốn mất đi, dù chỉ là một ít? Câu trả lời chắc chắn là không, thậm chí còn có thể nói rằng có mỏ vàng thì phải tìm cách… đào vàng.