Giờ đây mô hình này không xa lạ ở nhiều nước trên thế giới. Song có ít nhất 2 khía cạnh tranh luận xoay quanh quyết định phong tỏa (một địa phương, thành phố, quốc gia).
Trước hết, những người chủ trương ủng hộ quyết định phong tỏa cho rằng, đây là điều hiển nhiên, bởi mạng sống từng con người là vô giá. Không ai có thể dùng bất kỳ phép đo lường thiệt hơn nào để so sánh với sinh mạng và sức khỏe con người.
Các nghiên cứu tâm lý hành vi cho thấy, nhận thức rủi ro của con người rất sợ hãi trước một kết cục đặc biệt tồi tệ. Trước những nỗi đau kéo dài do bệnh tật như ung thư chẳng hạn, đối với họ còn khủng khiếp hơn cả một tai nạn giao thông bất ngờ. Con người sẵn sàng trả bất kỳ giá nào để tránh khỏi kết cục đau lòng này.
Còn những nỗi đau do Covid-19 mang lại không chỉ cho bản thân mà còn những người thân trong gia đình, ắt hẳn cũng nằm trong nỗi lo sợ cao độ mà con người thầm mong đừng bao giờ gặp phải.
“Nhiều người bây giờ ca ngợi về tự do, nhưng sự an toàn của người dân vẫn phải là luật tối cao của chính trị, bây giờ và mãi mãi”- đây là một luận điểm trên tờ Financial Times về cách tiếp cận sức khỏe và tính mạng người dân phải được đặt ở mức cao nhất, thậm chí ngay tại các nước phương Tây vốn chuộng quyền tự do cá nhân trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Cụ thể hơn, lời khẳng định “Bảo vệ tính mạng con người là giá trị cao nhất của quyền con người; và Việt Nam đã và đang nỗ lực hết mình để thực thi điều thiêng liêng đó” của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào năm rồi, là một quyết định chính trị hợp lòng dân và vẫn còn giá trị đến “bây giờ và mãi mãi”.
Cách đặt vấn đề thứ hai, đó là thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa sản xuất của Việt Nam. Tuy không hẳn bác bỏ hoàn toàn luận điểm trên, nhưng cũng cần phải đánh giá các thiệt hại và lợi ích của một quyết định phong tỏa, để thiết kế các chiến lược thoát phong tỏa và chính sách kinh tế-xã hội thích hợp.
Nhiều người cho rằng phong tỏa lấy gì sống. Thà chết vì Covid-19 để còn nuôi sống bản thân và gia đình hơn ngồi đó chờ “chết đói”. Đó là những tiếng vọng từ thực tế, chân thật đến đau lòng của những người dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thời gian giãn cách xã hội. Và để nhận được sự đồng tình của người dân, chính quyền cần phải đưa ra các chính sách hỗ trợ đủ lớn để họ trang trải các chi phí tối thiểu.
Nhưng ngay cả khi chính quyền có một chính sách an sinh xã hội và hỗ trợ người dân thật tốt, thì vẫn có nhiều hệ lụy quá lớn cũng không thể nào lượng giá hết được cho quyết định giãn cách xã hội thời gian dài.
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) về hậu quả phong tỏa tại các nước nghèo, nơi có dân số tương đối trẻ, có thể dẫn đến thiệt hại của 1,76 sinh mạng trẻ em (tăng trưởng kinh tế sụt giảm làm giảm đáng kể phúc lợi xã hội) cho mỗi ca Covid-19 được ngăn chặn bằng biện pháp phong tỏa. Đối với một quốc gia đang độ dân số vàng như Việt Nam, thiệt hại này còn kéo lùi tốc độ tăng trưởng tiềm năng xuống mức thấp hơn nữa so với mức thấp ở hiện tại.
Đối với người Việt, vốn tôn trọng truyền thống lễ nghĩa, các thiệt hại do không thể gặp mặt người thân trong thời gian dài; tình trạng trầm cảm, bạo lực gia đình… còn là cái giá phải trả không thể tính hết.
Nhiều người thiệt mạng do các bệnh lý khác nhưng không thể đến bệnh viện để điều trị có khi còn cao hơn cả tỷ lệ tử vong do chính Covid-19 gây ra. Ngoài ra, đó còn là những thiệt hại nguồn vốn con người đến từ việc hàng triệu trẻ em quá lâu không được đến trường.
Còn nếu tính đến các thiệt hại kinh tế vĩ mô do đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế, các thiệt hại của quyết định phong tỏa là không thể tính hết và cũng không chỉ gói gọn trong các cân nhắc về kinh tế-xã hội, trong bối cảnh mà các thế lực “sát sườn” đang tận dụng mọi sự suy yếu về kinh tế của chúng ta.
Đứng trước giao điểm của ngã ba đường, các quyết định giãn cách xã hội hay phong tỏa và ở mức độ nào, cùng với việc sản xuất sao cho an toàn là một quyết định vô cùng khó khăn của chính quyền trong điều kiện Việt Nam còn sống chung với dịch Covid-19 lâu dài.
Đối với đầu tàu kinh tế như TPHCM, Hà Nội, quyết định phong tỏa một khu vực hoặc giãn cách xã hội diện rộng lại càng tạo ra thách thức cực đại cho Chính phủ và chính quyền thành phố.
TPHCM ngày đầu áp dụng Chỉ thị 16, các đường phố vắng lặng.
Một vài đề xuất
Những nhân tố cuối cùng dẫn đến các quyết định phong tỏa hay không và ở mức độ nào ít phụ thuộc vào các tranh luận khó định lượng, với các ngôn từ kinh tế cao siêu như tăng trưởng kinh tế vẫn tích cực, nguồn thu thuế vẫn tăng vượt mức, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất trong nhiều năm… để rồi chần chừ, chậm trễ trong việc ra các quyết định.
Vấn đề là làm thế nào để tất cả người dân đồng tình với quyết định của chính quyền là rất quan trọng.
Làm sao cho người dân thấy rằng quyết định phong tỏa là có lợi cho tất cả mọi người, cho dù bằng các phép tính hoặc lập luận nào. Chính quyền cần phải đưa ra những con số thật cụ thể, dễ hiểu để thuyết phục người dân và cấp trên về chủ trương phong tỏa hay giãn cách xã hội.
Chẳng hạn, đối với một địa phương nào đó, nếu như tỷ lệ lây nhiễm lên đến bao nhiêu ngàn người, hay bao nhiêu phần trăm bệnh viện phải ngừng hoạt động tạm thời do các làn sóng đại dịch mới… thì phải phong tỏa hoặc giãn cách xã hội diện rộng.
Hình ảnh các chính khách ở các thành phố trên thế giới xuất hiện trên truyền thông với các biểu đồ, dữ liệu dễ hiểu, dễ thuyết phục về mức độ thảm họa của đại dịch đến cơ sở hạ tầng y tế, để người dân thông cảm cho các quyết định của chính quyền đã được truyền đi trên toàn thế giới, thiết nghĩ cần phải được chú ý nhiều hơn nữa ở Việt Nam.
Ưu tiên hàng đầu vào lúc này là Chính phủ phải bằng mọi giá tiêm chủng vaccine cho người dân. Và cũng bằng mọi giá chúng ta phải cho ra đời ngành công nghiệp sản xuất vaccine của riêng người Việt Nam, thậm chí xuất khẩu ra thế giới.
Đây là biến số mang tính quyết định cho toàn bộ thành bại sau này của bất kỳ chiến lược kinh tế xã hội nào trong điều kiện người dân còn phải sống chung lâu dài với Covid-19.