Tận dụng lợi thế đất đai để phát triển GTCC

(ĐTTCO) - Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) đã phát huy hiệu quả khai thác các phương tiện giao thông công cộng (GTCC), cũng như tạo nền tảng để các đô thị kết nối phát triển. Mới đây các chuyên gia trong và ngoài nước tiếp tục mổ xẻ vấn đề này cho TPHCM trong những năm tới.
Đoàn tàu đầu tiên của tuyến Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) ở TPHCM đã hoàn thành chạy thử nghiệm và dừng ở nhà ga Suối Tiên vào 21-12-2022.
Đoàn tàu đầu tiên của tuyến Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) ở TPHCM đã hoàn thành chạy thử nghiệm và dừng ở nhà ga Suối Tiên vào 21-12-2022.

TOD: Mũi tên trúng nhiều đích

Tại hội thảo “TOD và Quan hệ đối tác công - tư (PPP) trong vận tải hành khách khối lượng lớn”, do UBND TPHCM phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) đồng tổ chức vừa diễn ra tại TPHCM, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, cho biết TP đã quy hoạch 8 tuyến metro với tổng chiều dài hơn 220km cùng các tuyến BRT.

Và để thực hiện nguồn lực dành cho hệ thống GTCC, đặc biệt đường sắt đô thị rất lớn với tổng chi phí ước tính 15 tỷ USD, hiện nay mới giải quyết được hơn 25%. TPHCM đang hưởng tỷ lệ điều tiết từ ngân sách trung ương khoảng 21%/năm, đã ưu tiên nguồn lực này cho hạ tầng giao thông, chiếm trên 70% ngân sách được điều tiết hàng năm, tập trung vào các dự án đường vành đai và tuyến cao tốc kết nối địa phương xung quanh.

Do vậy, theo ông Trần Quang Lâm, ngân sách địa phương rất khó đáp ứng nhu cầu đầu tư các tuyến metro. TPHCM có thuận lợi là nguồn lực từ đất đai hấp dẫn các nhà đầu tư, miễn là có quy hoạch tốt, có cơ chế khai thác và đầu tư, hoạch định quy hoạch gắn với giao thông, đặc biệt gắn với GTCC xung quanh nhà ga tàu điện ngầm, tuyến metro. Khi giao thông phát triển, đô thị cũng phát triển theo và nguồn lực đất đai tự thân sẽ tăng lên tương ứng, tạo nguồn lực để tái đầu tư.

Ông Shige Sakaki (chuyên gia giao thông vận tải của WB), nhận định TOD như “mũi tên” trúng nhiều đích, bởi TOD tạo nền tảng cho phát triển đô thị, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…; cho phép cộng đồng thu hồi và tái đầu tư, giá trị đất tăng lên nhờ đầu tư công và các giải pháp của chính phủ. Đồng thời, TOD sẽ tạo ra cộng đồng đô thị sôi động xung quanh các nhà ga để thúc đẩy sử dụng GTCC. Thu hút người dân đi qua và sinh sống tại khu vực gần các ga.

Chuyên gia của WB cũng chỉ ra thực tế hiện tỷ lệ vận tải hành khách công cộng tại TPHCM mới đạt khoảng 9%, mức rất thấp so với nhu cầu. Hiện WB chưa có tính toán về chi phí thất thoát của kinh tế TPHCM do vấn đề tắc nghẽn giao thông, song chi phí này của Hà Nội khoảng 1,2 tỷ USD/năm, TPHCM nhiều khả năng cao hơn.

WB cho biết các quốc gia đã thành công trong việc phát triển TOD theo hướng tận dụng quy hoạch hành lang giao thông quan trọng để gia tăng giá trị từ nguồn đất. Các cơ quan quản lý đã có chiến lược thiết kế để tăng số lượng người sử dụng phương tiện GTCC, tạo nguồn thu từ bán vé và cả không phải từ vé.

Lợi thế cho TPHCM

Dọc 2 bên tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), nhiều khu đất trong diện quy hoạch của TPHCM rộng từ hàng ngàn mét vuông đến hàng trăm hécta. Đơn cử, Nhà máy Xi măng Hà Tiên cũ, Cảng Trường Thọ cũ, khu vực ga Thảo Điền, An Phú... (TP Thủ Đức) được xem là những khu đất “vàng” để TPHCM quy hoạch, chỉnh trang, xây dựng đô thị.

Tương tự, quỹ đất dọc theo tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), nút giao thông đường Mai Chí Thọ - cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, ven sông Sài Gòn… cũng được TP chấp thuận danh mục, ghi vốn và đưa ra đồ án quy hoạch.

TP đã xây dựng và thông qua đề án "Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả" để tạo thêm quỹ đất, từ đó tạo nguồn thu để phát triển các đô thị dọc các trục giao thông theo mô hình TOD.

Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG,
Giám đốc Sở TN-MT TPHCM

Theo Sở QH-KT TPHCM, hiện có 34 khu vực được đề xuất lập đồ án thiết kế đô thị riêng, tỷ lệ 1/500. Trong đó, 9 đồ án đã được chấp thuận danh mục, ghi vốn và đang thực hiện; 10 đồ án đã được chấp thuận danh mục nhưng chưa được ghi vốn để triển khai thực hiện; 15 đồ án mới được UBND TP chấp thuận chủ trương.

Trưởng phòng Quản lý quy hoạch khu trung tâm (Sở QH-KT) Lương Thu Anh cho hay, TP sẽ quy hoạch các khu đất trong bán kính 500-800m quanh các nhà ga dọc tuyến Metro số 1, số 2, các tuyến cao tốc, vành đai, dọc sông Sài Gòn... để đấu giá công khai, tạo nguồn thu bổ sung ngân sách TP và tái đầu tư cho các dự án khác.

Về phía người dân, ông Nguyễn Hiếu An (phường Trường Thọ, TP Thủ Đức), bày tỏ niềm vui khi di dời hoàn toàn các nhà máy, cụm cảng cũ, TP sẽ có thêm những khu đất rộng. Nếu được quy hoạch tốt, sử dụng hiệu quả, TP sẽ có hạ tầng đồng bộ, chất lượng cuộc sống của người dân cũng được nâng lên.

Nhằm khai thác quỹ đất dọc các trục giao thông, Phó Giám đốc Sở QH-KT Trương Trung Kiên, cho biết đã có báo cáo gửi UBND TP, trong đó khu vực dọc tuyến Metro số 1 có 11 đồ án quy hoạch riêng; khu vực xung quanh nhà ga dọc tuyến Metro số 2 có 4 đồ án thiết kế đô thị riêng đã được chấp thuận danh mục, ghi vốn thực hiện; 1 đồ án thiết kế đô thị riêng khu vực quanh nhà ga Phạm Văn Hai đang triển khai thực hiện; 3 đồ án thiết kế đô thị riêng khu vực các ga Lê Thị Riêng, Dân Chủ, Hòa Hưng đang đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn...

Ngoài ra, các khu vực liên quan đến tuyến metro như 3a, 3b, số 5 (giai đoạn 1) có 6 đồ án đã được UBND TP chấp thuận danh mục. Các khu vực dự án khác gồm có 7 đồ án, trong đó có 5 đồ án thiết kế đô thị, riêng khu vực nút giao thông dọc cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây - Quốc lộ 1 đã được chấp thuận danh mục, ghi vốn triển khai thực hiện; 1 đồ án khu vực trung tâm TP đã được chấp thuận danh mục, chưa ghi vốn thực hiện và 1 đồ án khu vực bờ sông Sài Gòn (Bến Nhà Rồng - Ba Son) đã được chấp thuận chủ trương.

Theo ông Kiên, kiến nghị của Sở QH-KT về công tác lập đồ án thiết kế đô thị riêng khu vực các nhà ga tuyến metro, sẽ được xem xét sau khi hoàn tất điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000. Sở cũng đề xuất giao UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức có dự án đi qua rà soát, nghiên cứu, đưa nội dung nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất xung quanh tuyến metro vào thiết kế đô thị.

Sở kiến nghị UBND TP bổ sung các nội dung liên quan đến quy hoạch, không gian kiến trúc, cảnh quan xung quanh nhà ga các tuyến metro, khu vực trung tâm, dọc sông Sài Gòn vào quy chế quản lý kiến trúc đô thị.

Các tin khác