Chẳng hạn, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng chiếm 40-60% trong giá bán mỗi chiếc xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Để tăng quy mô sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cần có chính sách ưu đãi thuế, phí giúp doanh nghiệp giảm giá xe.
Từ năm 2017, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ ngành sản xuất ô tô trong nước, trong đó Nghị định số 125/2017/NĐ-CP đã bổ sung chương trình ưu đãi thuế đối với linh kiện ô tô nhập khẩu để khuyến khích sản xuất, lắp ráp xe trong nước; tăng quy mô và dung lượng thị trường cho xe lắp ráp trong nước, góp phần giảm giá thành sản xuất, lắp ráp xe trong nước.
Từ năm 2017, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ ngành sản xuất ô tô trong nước, trong đó Nghị định số 125/2017/NĐ-CP đã bổ sung chương trình ưu đãi thuế đối với linh kiện ô tô nhập khẩu để khuyến khích sản xuất, lắp ráp xe trong nước; tăng quy mô và dung lượng thị trường cho xe lắp ráp trong nước, góp phần giảm giá thành sản xuất, lắp ráp xe trong nước.
Thế nhưng, Nghị định 125 lại tạo “chướng ngại vật”, đó là để được hưởng ưu đãi thuế suất đối với linh kiện ô tô nhập khẩu, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam phải đáp ứng điều kiện về sản lượng theo lộ trình quy định cho giai đoạn 2018-2022, nên không phải doanh nghiệp ô tô nào cũng được hưởng “đặc ân” này. Trên thực tế, đến năm 2019 mới chỉ có 4 doanh nghiệp tại Việt Nam (với 11 thương hiệu xe lắp ráp trong nước) được hưởng mức thuế nhập khẩu linh kiện bằng 0% theo Nghị định 125, gồm: Toyota Việt Nam, Trường Hải, Honda Việt Nam và Hyundai Thành Công.
Rõ ràng, việc ra điều kiện phải có “quy mô” sản xuất mới được hưởng ưu đãi thuế vô hình trung đẩy công nghiệp ô tô Việt Nam sa vào cái vòng lẩn quẩn “quy mô nhỏ - giá thành cao”, thậm chí còn tạo môi trường cạnh tranh thiếu bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước. Đáng lo là trong khi các doanh nghiệp nội đang loay hoay với các đề xuất, kiến nghị về điều kiện hưởng thuế suất ưu đãi thì ô tô nguyên chiếc từ ASEAN tiếp tục đổ vào thị trường Việt Nam. So với năm 2018, năm 2019 kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đạt 3,1 tỷ USD, tăng 82%, xe sản xuất lắp ráp trong nước giảm 12%, trong khi thị trường ô tô Việt Nam vẫn tăng trưởng 12%.
Ngày 25-5, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122 và Nghị định số 125. Nghị định mới này không những đưa thuế nhập khẩu linh kiện ô tô thuộc loại trong nước chưa sản xuất được về 0%, mà quan trọng hơn là đã hạ thấp điều kiện về quy mô, sản lượng sản xuất, lắp ráp ô tô. Nhờ vậy, sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất, lắp ráp xe trong nước để cạnh tranh với các xe nhập từ ASEAN.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn sau dịch Covid-19, trong đó có chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô trong nước đến hết năm 2020. Chính phủ còn cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3-2020, thời gian gia hạn không muộn hơn thời điểm ngày 31-12-2020.
Hiện tại, người tiêu dùng đang mong đợi các ưu đãi về thuế, phí của nhà nước cho doanh nghiệp ô tô được triển khai ngay, phù hợp trong mức giảm giá bán ô tô, góp phần tích cực để giải bài toán mở rộng thị trường thông qua giảm giá, thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn “giá cao - quy mô nhỏ”.