Ảnh minh họa
Tính đến hết quý 3-2021, nguồn vốn tín dụng BĐS tăng khoảng 6% so với cuối năm 2020. Tổng dư nợ tín dụng BĐS là khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ của nền kinh tế. Về nguồn vốn FDI, tính đến hết tháng 11-2021, tổng vốn đăng ký mới vào BĐS cũng đạt gần 2 tỷ USD (chiếm khoảng 11%), đứng thứ 3 trong các lĩnh vực thu hút FDI. Về phát hành trái phiếu, doanh nghiệp BĐS cũng đứng đầu bảng.
Theo dự báo của các chuyên gia, dự kiến năm 2022, thị trường BĐS vẫn tiếp tục tăng trưởng với nhiều động lực mới. Trước hết, nguồn cung thị trường căn hộ dự kiến đón nhận số lượng tăng gấp đôi so với 2021. Nguồn cung thị trường nhà ở gắn liền với đất cũng sẽ tăng 20-30%. Trong năm 2022, thị trường sẽ có những tín hiệu tốt nhờ những thông tin tích cực từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2 năm tới.
Cụ thể, Chính phủ và Quốc hội đang họp bàn để thống nhất có một gói khoảng 60.000 - 65.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở. Đây được dự báo là một cú hích rất tốt với mức lãi suất tương đối ưu đãi, có thể thấp hơn thị trường hiện nay khoảng 3 - 4%.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đang làm đầu mối chủ trì để trình Chính phủ thông qua Chiến lược Phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030. Việc xây dựng quỹ tín thác BĐS, quỹ tiết kiệm nhà ở và quỹ phát triển nhà ở cũng được quan tâm hơn...
Tuy nhiên, việc phát triển mạnh của thị trường BĐS vừa qua cũng mang lại nhiều lo ngại khi giá nhà ở tiếp tục tăng cao, nhất là nhà chung cư, vượt quá sức mua của người có nhu cầu. Tại Hà Nội và TPHCM, giá nhà chung cư đều tăng 10 - 30%. Ở nhiều địa phương, tình trạng đầu cơ trục lợi, thao túng thị trường đang khiến giá đất nền tiếp tục tăng mạnh, gấp nhiều lần so với giá trị thực, thậm chí có nơi có mức giá phi lý, lên đến hàng tỷ đồng/m², làm thị trường trở nên bất ổn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Để thị trường BĐS phát triển lành mạnh, phản ánh đúng giá trị thật của hàng hóa cũng như quan hệ cung cầu, Bộ Xây dựng và các địa phương, cơ quan hữu quan cần bám sát hơn nữa diễn biến thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý ngay những vấn đề tiêu cực từ khi mới phát sinh.
Việc rà soát lại quỹ đất, quỹ nhà ở, kiềm chế thị trường vật liệu xây dựng, cung cấp thông tin chính xác về quy hoạch và tiến độ thực hiện các dự án cũng có thể giúp cho thị trường phát triển bình ổn. Các bộ ngành liên quan cần tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, trong đó tập trung cho việc sửa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS…
Thị trường tăng trưởng là điều đáng mừng nhưng giá cả phải được kiểm soát chặt, nhất là khi các mục tiêu về nhà ở cho người dân vẫn còn chưa thực hiện được.