Tăng trưởng kinh tế của năm 2019 được đánh đạt khá cao, năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Bên cạnh đó, huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư tư nhân, cơ cấu đầu tư tiếp tục dịch chuyển tích cực.
Bên lề Quốc hội, đại biều Trần Hoàng Ngân-đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.
GDP tiếp tục tăng
- Tình hình kinh tế Việt Nam năm nay có vẻ rất khả quan, ông nhận định từ nay đến cuối năm GDP có đạt mục tiêu đề ra hay không?
Ông Trần Hoàng Ngân: Thường theo thông lệ GDP quý 4 sẽ có đột phá cao hơn những quý trước. Tăng trưởng 9 tháng đạt 6,98%, trong khi đó giải ngân đầu tư công mới có 49%. Như vậy, quý 4 này sẽ giải ngân ào ạt và nguồn vốn quyết định vấn đề tăng trưởng. Năm nay Chính phủ khiêm tốn đặt mục tiêu đạt 6,8%, nhưng tôi cho rằng sẽ đạt trên 7%.
Đây là năm thứ 4 liên tiếp Việt Nam tăng trưởng cao từ 6,21%, 6,81%, 7,08% tương ứng với các năm 2016, 2017 và 2018. Vấn đề còn làm sao đạt được sự bứt phá mạnh hơn để thu hẹp dần khoảng cách giữa Việt Nam và và các nước trong khu vực như với Thái Lan, Indonesia và vượt qua được Philippines về vấn đề thu nhập bình quân trên đầu người.
Như vậy, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phải tăng trưởng nhanh hơn trên nền tảng phải giữ được tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Muốn làm được việc đó thì những gì chúng ta đang đi đúng hướng phải tiếp tục củng cố thêm. Tuy nhiên, điểm nghẽn nhiều nhất là vấn đề thể chế, làm sao để hệ thống pháp luật đồng bộ để đem lại sự an tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài.
- Hiện đầu tư công mới giải ngân được 49%, trong khi chỉ còn một quý nữa là hết năm, vậy theo ông có giải ngân kịp hay không?
Ông Trần Hoàng Ngân: Thường ngân sách cho phép lấn sang năm sau từ 1-2 tháng nên tốc độ giải ngân có thể đạt trên 90%. Nguồn vốn trên sẽ được ưu tiên cho giao thông, an sinh xã hội và bệnh viện.
Giao thông hiện là điểm nghẽn lớn nhất, khách du lịch đến Việt Nam mà gặp phải cảnh tắc đường nhiều thì họ cũng sẽ cảm thấy khó chịu và khó có cơ hội quay lại lần thứ hai. Tương tự, các nhà đầu tư nước ngoài cũng vậy, vấn đề thời gian di chuyển đối với họ cũng rất quan trọng nên trước mắt sẽ phải vửa mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, song song đó là thúc đẩy xây dựng sân bay Long Thành.
Đối với đường bộ cao tốc Bắc-Nam, doanh nghiệp trong nước đã có năng lực thực hiện nhiều dự án đường bộ lớn nhưng lại chưa đủ mạnh về vốn. Trong khi đó, một số ngân hàng không dám cho vay vì sợ rủi ro do có một số trạm BOT không thu được phí.
Chính vì vậy, để tạo nguồn vốn làm đường cao tốc Bắc Nam thì các cơ quan chức năng cần phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu, với sự bảo lãnh của Chính phủ.
Nợ nước ngoài có xu hướng giảm
- Chính phủ dự định vay thêm gần 500.000 tỷ đồng trong năm 2020, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Trần Hoàng Ngân: Con số 500.000 tỷ đồng hay một con số khác là chuyện bình thường, nhưng vấn đề là vay để làm gì? Đặc biệt, phải chú ý đến chuyển dịch cơ cấu ngân sách nhà nước trong thời gian vừa qua theo hướng tích cực, trong đó chi đầu tư phát triển trước đây chỉ chiếm 22% trong tổng chi giờ đã lên tới 26-27% trong tổng chi.
Còn với chi tiêu dùng từ trên 65% trong tổng chi thì nay đã xuống còn 60-61%.
Theo tôi, vay nợ để bù đắp cho bội chi và trả nợ gốc hiện nay là mức bình thường bởi nó chiếm tỷ lệ thấp trong tổng mức nợ phải trả trên tổng chi ngân sách, mặc dù số tuyệt đối cao.
- Hiện tại có hai nguồn vay là nước ngoài và trong nước, nhưng vay trong nước kéo theo lãi suất cao. Vậy theo ông nên vay từ nguồn nào?
Ông Trần Hoàng Ngân: Rõ ràng khi đi vay cần phải thận trọng, vay nước ngoài là ngoại tệ thì có độ rủi ro về mặt tỷ giá, còn vay trong nước lãi suất cao hơn nhưng ổn định vì thanh toán bằng VND.
Hiện nay, Chính phủ đang nâng dần vay nội địa nhiều hơn vay nước ngoài. Chính vì vậy, nợ nước ngoài đang theo xu hướng giảm.
Tôi nghĩ chúng ta nên tiếp tục giữ cơ cấu tăng vay trong nước hơn là vay nước ngoài, trừ trường hợp có những khoản phải vay đảo nợ (đối với các khoản vay nợ nước ngoài).
- Thưa ông, vay trong nước có thể kéo theo lãi suất tăng cao, liệu có ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong nước hay không?
Ông Trần Hoàng Ngân: Đây là điều mà Chính phủ nên tiếp tục kiểm soát, làm sao giảm các khoản chi một cách chặt chẽ để tiếp tục giảm bội chi ngân sách. Hiện Chính phủ đang thực hiện và Quốc hội cũng giám sát vấn đề này.
Khi nhu cầu vay của Chính phủ ít đi tức là tổng cầu vốn ít đi thì lãi suất sẽ theo xu hướng giảm. Vì lẽ đó mà lãi suất thời gian vừa qua không có đột biến, trừ những tháng do cung cầu vốn, nhu cầu vốn lớn.
Về vấn đề này, tôi cho rằng vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã làm khá tốt, việc tiếp theo là phải làm sao giữ được lãi suất theo hướng giảm chứ không tăng.
Người Việt nên quan tâm đến hàng Việt
- Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, theo ông tình hình kinh tế thế giới, trong nước năm 2020 sẽ có những thuận lợi khó khăn gì tác động đến kinh tế Việt Nam?
Ông Trần Hoàng Ngân: Mặc dù Việt Nam đang ở thế cân bằng song tình hình kinh tế thế giới vẫn có những khó khăn thách thức như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung dù đã đạt được thỏa thuận những vấn diễn biến khó lường, nên Việt Nam cần phải tiếp tục theo dõi vấn đề này.
Bên cạnh đó, vấn đề Brexit cũng tác động trực tiếp tới châu Âu trong khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Điều này cho thấy trước tình hình diễn biến thế giới không thuận lợi như trên thì việc phát huy nội lực là rất quan trọng.
Chính vì thế, tôi cho rằng 97 triệu người dân Việt Nam cần phải quan tâm tới thị trường trong nước của mình. Hya nói cashc khác thì để cung ứng hàng hóa ra thế giới, trước hết người Việt Nam phải tin hàng Việt Nam và nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt để đáp ứng thị trường.
- Vậy theo ông để có thể về đích thành công mục tiêu trong 5 năm, Việt Nam có thể dựa trên những trụ cột nào và cần có giải pháp gì để phát triển tăng trưởng kinh tế?
Ông Trần Hoàng Ngân: Cần khẳng định rằng kinh tế tư nhân vẫn là động lực cho phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tụ đẩy mạnh tiến hành tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thuộc các lĩnh vực mà kinh tế tư nhân có thể phát triển được.
Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng cần được chú trọng, song vấn đề môi trường cần hết sức chú ý. Bởi yếu tố môi trường đang là vấn đề bức xúc trong dân như ô nhiễm nguồn nước, không khí, tiếng ồn và phải tránh sự cố như trước đây từ Fomusa.
Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó các dự án cần phải đảm bảo vấn đề an ninh quốc phòng và môi trường, đặc biệt là chú ý các ngành công nghiệp, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ưu tiên phát triển công nghệ cao.
Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị ban hành tiếp Nghị quyết 52 liên quan đến kinh tế số và đưa kinh tế số chiếm trong tổng số GDP từ 20-30% trong nhiều năm tới. Đây là bước đi phù hợp với phát triển cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn ông!