GDP của Thái Lan trong quý I đã co lại với tốc độ mạnh nhất trong 8 năm, đẩy nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á vào suy thoái sớm hơn dự kiến, khi đại dịch Covid-19 tấn công ngành du lịch và các hoạt động trong nước.
GDP giảm mạnh nhất 8 năm
GDP giảm mạnh nhất 8 năm
Trong báo cáo dữ liệu quý I, cơ quan kế hoạch nhà nước đã cắt giảm dự báo GDP xuống mức âm 5-6% cho năm 2020, từ mức tăng 1,5-2,5% trong dự báo hồi tháng 2. Đây sẽ là sự suy giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1998 khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á gây thiệt hại cho nền kinh tế này. Báo cáo cho biết GDP của Thái Lan đã giảm 1,8% trong quý đầu tiên so với 1 năm trước đó, mức giảm sâu nhất kể từ quý IV-2011, khi nước này phải đối mặt với tình trạng lũ lụt tồi tệ.
Mức giảm này ít hơn so với mức âm 4% được dự báo trong một cuộc khảo sát của Reuters. Dù vậy, Phacharaphot Nugtramas, nhà kinh tế tại Ngân hàng Krung Thai, cho biết: "Tác động bùng phát trong quý II sẽ lớn hơn nhiều so với quý I. Đặc biệt, việc đóng cửa, dù đã giảm bớt phần nào, nhưng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến chi tiêu hộ gia đình và đầu tư tư nhân trong phần còn lại của năm”.
Trên cơ sở hàng quý, nền kinh tế đã giảm 2,2% theo mùa, cũng là mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2011, nhưng thấp hơn mức giảm 4,5% trong dự báo của cuộc khảo sát. Cơ quan kế hoạch đã điều chỉnh GDP hàng quý từ tháng 10 đến tháng 12-2019 xuống mức -0,2% so với mức tăng trưởng 0,2%, nghĩa là nền kinh tế rơi vào suy thoái kỹ thuật.
Du lịch và thương mại giảm mạnh
Du lịch và thương mại giảm mạnh
Nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong quý II bởi các biện pháp đóng cửa, Thosaporn Sirisumphand, người đứng đầu Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC), nói trong một bản tin ngắn. "Cần có sự phục hồi hình chữ U và khách du lịch nước ngoài có thể được phép quay lại trong quý III hoặc IV” - ông nói thêm.
Thái Lan vào ngày 17-5 đã mở trung tâm thương mại và cửa hàng bách hóa lần đầu tiên kể từ tháng 3, trong giai đoạn thứ 2 của các biện pháp nới lỏng khi số ca mắc Covid-19 mới chậm lại. Chính phủ đã gia hạn lệnh cấm các chuyến bay chở khách cho đến cuối tháng 6 để cố gắng kiềm chế sự lây lan. Cho đến nay, Thái Lan ghi nhận hơn 3.000 ca nhiễm.
BoT quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ 3 trong năm nay.
Nền kinh tế Thái Lan phụ thuộc rất nhiều vào du lịch và thương mại, cả 2 đều bị ảnh hưởng nặng nề khi các nước trên thế giới áp đặt các hạn chế để ngăn chặn đại dịch. Dữ liệu chính thức cho thấy lượng khách du lịch nước ngoài sụt giảm 74,6% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm trước. Trong quý đầu tiên, đầu tư tư nhân giảm 5,5% và đầu tư công giảm 9,3%. Tiêu dùng tư nhân tăng với tốc độ chậm hơn 3%.
Cơ quan Kế hoạch đã cắt giảm dự báo cho xuất khẩu năm nay và số lượng khách du lịch nước ngoài. Hiện tại dự kiến xuất khẩu sẽ giảm 8% trong năm nay, thay vì tăng 1,4% và giảm dự báo số lượng khách du lịch nước ngoài trong năm nay xuống còn 12,7 triệu, giảm mạnh so với mức kỷ lục năm ngoái 39,8 triệu. Tuy nhiên, khoản vay 1.000 tỷ baht (31,22 tỷ USD) của chính phủ sẽ giúp ích, Thosaporn nói khi đề cập đến bước mới nhất để giảm thiểu tác động bùng phát.
Nợ quốc gia tăng cao
Nợ quốc gia tăng cao
Với dự báo nền kinh tế suy giảm 5-6% trong 2020, Thái Lan không được kỳ vọng hồi phục như một số nước láng giềng. Có thể khách du lịch quay trở lại vào năm tới, nhưng lĩnh vực đóng góp khoảng 1/4 GDP của đất nước sẽ tiếp tục tổn thất trong vài năm. Trong khi đó, công việc ngành sản xuất sẽ trở nên hiếm hơn.
Gã khổng lồ xe hơi Mỹ General Motors bắt đầu rút khỏi Thái Lan vào tháng 2; Công ty Nhật Bản Mazda đã di chuyển sản xuất SUV trở về nhà vào tháng 12; và Panasonic đã chuyển sản xuất sang Việt Nam sau khi đóng 1 nhà máy lớn ở Thái Lan. Dù nhìn theo cách nào, nền kinh tế Thái Lan đã thất bại rất lâu trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.
Chịu trách nhiệm phục hồi kinh tế Thái Lan là Thủ tướng quân đội kiêm dân sự Prayut Chan-o-cha. Trong ngắn hạn, chính phủ đã cung cấp gói cứu trợ và kích thích xa hoa, có thể ngăn chặn sự đổ vỡ kinh tế và thậm chí có thể thúc đẩy nền kinh tế trong vài tháng. Nhưng khoản cứu trợ trị giá 1.900 tỷ baht (58 tỷ USD) được cam kết có giá trị bằng 1/10 GDP của Thái Lan, xấp xỉ bằng khoản nợ 1.800 tỷ baht chế độ Prayut phải gánh chịu giữa năm 2014-2019.
Theo ước tính, nợ công hiện nay sẽ tăng từ 40% lên 57% GDP, gần với mức trần pháp lý 60%. Hiện nay, không có gì ngăn cản chính quyền Prayut vượt quá giới hạn nợ quốc gia 60% GDP. Trên thực tế, có vẻ như gần như chắc chắn, vì chính phủ sẽ cần phải vay nhiều hơn nữa nếu cố gắng thúc đẩy sự phục hồi vào năm tới. Nếu vậy, nợ quốc gia sẽ tăng cao hơn bao giờ hết.
Giảm lãi suất lần thứ ba
Chỉ số niềm tin kinh doanh của Thái Lan vào tháng 4 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi chỉ số này được công bố lần đầu tiên vào năm 1999. Cùng với các nỗ lực kích thích kinh tế của chính phủ, ngân hàng đã phân bổ 500 tỷ baht (15,7 tỷ USD) các khoản vay mềm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và 400 tỷ baht để thêm thanh khoản vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp và giữ tiền chảy vào các công ty lớn.
Cùng với đó, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) hôm 20-5 đã quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ 3 trong năm nay để ngăn chặn sự trượt dốc kinh tế đất nước. Lãi suất mua lại trong 1 ngày đã được giảm 0,25% xuống mức thấp lịch sử 0,5% tại một cuộc họp của Ủy ban Chính sách Tiền tệ. BoT hy vọng việc cắt giảm lãi suất này sẽ giúp phục hồi niềm tin kinh doanh.
Đồng baht của Thái Lan đã tăng mạnh lên 31,8 baht so với đồng USD từ 33,15 baht vào đầu tháng 4. Các nhà đầu tư, những người đã kiếm được lợi nhuận từ việc tăng hoặc giảm các tài sản có mệnh giá baht, đang dần quay trở lại thị trường. Việc cắt giảm lãi suất lần 3 đã khiến đồng tiền Thái Lan giảm xuống còn 32,1 baht mỗi USD, nhưng nó đã nhanh chóng được mua lại và tăng lên 31,8 baht.
Chuỗi cắt giảm lãi suất trong năm nay đã thu hẹp không gian cho các chính sách nới lỏng tiền tệ thông thường. Tuy nhiên, BoT cho biết có thể sử dụng các biện pháp độc đáo như nới lỏng định lượng (QE) ở các nước phát triển. "Ủy ban sẽ sẵn sàng sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ phù hợp bổ sung, nếu cần thiết" - ngân hàng cho biết trong 1 tuyên bố.