Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI đánh giá về những thách thức mà các doanh nghiệp gặp phải trong thời gian qua. Theo đó, các doanh nghiệp phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật ngay cả khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đồng thời doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn như điều kiện làm việc từ xa, giảm lực lượng lao động, gián đoạn kỹ thuật hoặc quá tải do tăng khối lượng công việc.
Dịch Covid-19 tái bùng phát đã khiến nhiều DN Việt Nam gặp khó khăn nghiêm trọng.
Áp lực đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh, khó khăn trong quản trị lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu... được xem là các nguyên nhân tác động đáng kể tới đảm bảo tính liêm chính trong kinh doanh. Những sai sót về tuân thủ, hành vi vi phạm đạo đức vẫn còn khá phổ biến.
Theo đại diện VCCI, dịch Covid-19 cũng là phép thử cho sức khỏe của doanh nghiệp, đồng thời cũng là phép thử cho tính liêm chính. Điều mà các công ty có thể làm để bảo vệ mình chính là một chương trình liêm chính doanh nghiệp trước sự ứng phó với các thách thức.
Với doanh nghiệp dù ở quy mô nào, lớn hay nhỏ muốn vượt qua khó khăn hướng tới phát triển bền vững trong dài hạn cần chú trọng tích hợp giá trị kinh doanh liêm chính là nền tảng cốt lõi, bởi liêm chính sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao tính tự cường, khả năng chống chọi, thu hút, giữ chân khách hàng, sự quan tâm của các nhà đầu tư chân chính, chiêu mộ nhân tài làm việc tại công ty, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn lớn như hiện nay.
Trong khi đó, ông Patrick Haverman, Phó Đại diện Thường trú UNDP nhấn mạnh, các yếu tố quan trọng để phục hồi kinh tế thành công bền vững đó là kinh doanh liêm chính phải là yếu tố then chốt trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Các công ty cam kết liêm chính, minh bạch và đầu tư vào các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và bền vững sẽ có khả năng chống chọi tốt hơn với các cuộc khủng hoảng như đại dịch Covid-19 và sẽ đạt được thành công lâu dài và hành động tập thể là cần thiết để xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính.
Tại diễn đàn, Tổ cố vấn chuyên môn của Mạng lưới doanh nghiệp liêm chính Việt Nam (VBIN) đã được thành lập và ra mắt.
VBIN là sáng kiến hành động tập thể đầu tiên do khu vực tư nhân lãnh đạo nhằm thúc đẩy văn hóa kinh doanh liêm chính và tuân thủ để phòng, chống tham nhũng. Sứ mệnh của VBIN là huy động các nỗ lực tập thể của cộng đồng doanh nghiệp với mục đích tuân thủ các quy tắc và quy định liên quan đến kinh doanh liêm chính và xây dựng các thực tiễn kinh doanh liêm chính tốt, từ đó nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, đảm bảo tính cạnh tranh và bền vững của doanh nghiệp Việt Nam.
15 đơn vị bao gồm cơ quan Chính phủ và các doanh nghiệp, cùng 5 chuyên gia đã đăng ký tham gia Tổ cố vấn chuyên môn của VBIN.