Tuy nhiên một mặt nào đó, cũng có nhiều điều thú vị xoay quanh câu chuyện này khi chỉ có Việt Nam và Thụy Sĩ bị dán nhãn thao túng tiền tệ. Trong khi đó, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Đài Loan, Đức chẳng hạn, chứng cứ rõ ràng ra đó mà không bị dán nhãn. Mark Sobel (nguyên đại diện của Mỹ tại IMF) có nhận định: “BTC Hoa Kỳ trong khi dán nhãn Việt Nam và Thụy Sĩ thao túng tiền tệ, đã bỏ qua nhiều bằng chứng thanh thiên bạch nhật trong các thao tác tiền tệ gây hại của các nước”.
Lại một điều đáng lưu ý nữa là sự kiện này diễn ra khi mối quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng tốt lên. Phần lớn các nhà bình luận quốc tế đã có những phân tích cho rằng động thái dán nhãn của BTC Hoa Kỳ có nhiều ẩn ý chính trị hơn về khía cạnh kinh tế.
Lấy thí dụ, tiêu chí quan trọng nhất là BTC Hoa Kỳ xác định Việt Nam định giá thấp tiền đồng cũng thấy điều này cực kỳ mơ hồ. Nó cũng giống như đem so sánh giữa hoa hậu Mỹ và hoa hậu Việt Nam, xem ai là người đẹp nhất. Chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam, một nền kinh tế quy mô hiện mới chỉ bằng 1% của Hoa Kỳ mà lại tác động đến thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ? Liệu có ai tin rằng quy mô 1% mà lại tác động đến 100%.
Nó vô lý đến mức, nói như nguyên chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Paul Volcker “Ông không biết thế nào đồng tiền định giá đúng nhưng ông biết sai khi nhìn thấy nó”. Khi mà một chủ đề nào đó muốn nói đúng sai thế nào cũng được, lại cứ được BTC Hoa Kỳ đem ra phán xét một năm hai lần thì đúng là có vấn đề.
Hệt như câu chuyện ngụ ngôn Việt Nam “Bánh tao đâu” về ông thầy đồ tham ăn. Cậu học trò đi trước, đi sau hay đi ngang hàng đều bị ông thầy quở trách cho rằng đi như vậy là hỗn. Hóa ra vấn đề đúng lại nằm ở chỗ cậu học trò đang giữ cái bánh trong người mà không đưa cho ông thầy đồ.
Rõ ràng nhất là vào thời điểm cao trào nhất của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung năm 2019, bỗng nhiên chính quyền Trump dán nhãn Trung Quốc thao túng tiền tệ với lý do chỉ là đồng nhân dân tệ vượt làn ranh đỏ 7 nhân dân tệ ăn 1 đô la.
Nhưng cũng bỗng nhiên sau đó vài tháng, vào tháng 1-2020, chính quyền Trump lại loại bỏ Trung Quốc khỏi danh sách thao túng tiền tệ. Chuyện này diễn ra sau khi thỏa thuận “giai đoạn 1” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc được thông qua, với việc Trung Quốc hứa hẹn mua thêm nhiều hàng hơn nữa của Hoa Kỳ.
Đằng sau câu chuyện thao túng tiền tệ của Việt Nam là gì sẽ là vấn đề mà chính phủ 2 nước sẽ còn tham vấn nhau rất nhiều cho dù bất kỳ chính quyền sắp tới của Hoa Kỳ là ai. Đừng để cho thao túng tiền tệ trở thành cú sốc kinh tế mà cứ mỗi năm 2 lần lại được BTC Hoa Kỳ đem ra phán xét.
Các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng không nên vì câu chuyện này mà bị ảnh hưởng đến các chiến lược đầu tư của mình. Thao túng tiền tệ chắc chắn sẽ là vấn đề thuộc về ngoại giao kinh tế-chính trị giữa chính phủ 2 nước. Cũng có lúc kết quả thương thảo tốt, cũng sẽ có lúc không như ý.
Nhưng thao túng tiền tệ sẽ không bao giờ và không thể làm thay đổi các chiến lược đã định hình của Việt Nam. Chúng ta cũng đừng ảo tưởng khi cho rằng dưới thời của chính quyền Biden, Hoa Kỳ sẽ tiếp cận vấn đề thao túng tiền tệ nhẹ nhàng hơn so với Trump.
Dẫu sao, Việt Nam cũng phải minh bạch thông tin nhiều hơn nữa các can thiệp vào thị trường ngoại hối và tỷ giá. Đó cũng không phải bởi vì sức ép của BTC Hoa Kỳ. Điều quan trọng nhất, bởi vì đó là một chính sách đúng hướng trong việc hiện đại hóa các khuôn khổ chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam.