Tuy nhiên, tiêu chí chọn lọc những dự án FDI trong bối cảnh chính trị - kinh tế thế giới đang có những thay đổi lớn hiện nay, phải thay đổi tư duy về nhìn nhận và tiếp nhận.
Bộ tiêu chí có đủ sức "bịt lỗ hổng" chính sách?
Mới đây, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đã trình Chính phủ tờ trình việc xây dựng bộ tiêu chí về thu hút đầu tư FDI có chọn lọc trong giai đoạn tới. Về cơ bản, điều này phù hợp với quan điểm chỉ đạo theo Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.
Trong tờ trình của Bộ KH-ĐT, có 7 tiêu chí được đưa ra, gồm (1) suất vốn đầu tư/ha đất, (2) số lao động tại mỗi dự án đầu tư, (3) hàm lượng công nghệ cao của dự án, (4) cam kết chuyển giao công nghệ của nhà đầu tư, (5) khả năng liên kết với khu vực DN trong nước, (6) bảo vệ môi trường và (7) đảm bảo quốc phòng an ninh.
Việc cụ thể hóa những tiêu chí nói trên có thể xem là điểm mới so với trước đây, song nó cũng có tính 2 mặt. Ở khía cạnh tích cực, có thể xem đây là bộ lọc tiêu chuẩn, là thước đo về chất và lượng của các DN FDI khi muốn đầu tư vào Việt Nam. Nếu DN FDI nào đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí trên, mặc định có thể đầu tư dự án ở Việt Nam. Nhưng đó là trên lý thuyết.
Còn thực tế cho thấy khi các tiêu chí lựa chọn đặt ra cụ thể quá nhiều, cũng sẽ có những vấn đề hạn chế của nó. Bởi nếu khâu quản lý và kiểm soát không tốt, đây chính là cơ sở để cho ra đời hàng loạt các giấy phép con. Lúc ấy, các DN FDI sẽ lại “chạy chọt” để có đủ các điều kiện theo các tiêu chí đặt ra. Điều này đã từng xảy ra trong quá khứ và hiện vẫn đang tồn tại.
Một vấn đề đang bộc lộ nhiều hạn chế nữa, thậm chí có thể khiến bộ tiêu chí trên khó thực thi, là phân cấp quyền quyết định đối với các dự án đầu tư vốn FDI cho các địa phương quá lớn. Trước đây, toàn bộ dự án đầu tư vốn FDI đều do Trung ương quyết định thông qua Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, sau này là Hội đồng Thẩm định Nhà nước về các dự án đầu tư. Dự án FDI nào được cơ quan này thẩm định, ký quyết định xem như mới được phép. Tất nhiên, điều này khiến các địa phương thiếu tính chủ động, nhưng về cơ bản các dự án đều có sự kiểm duyệt chặt chẽ.
Hiện nay, một số dự án FDI đã được phân cấp quyền quyết định về cho chính quyền địa phương. Điều này tạo cho địa phương tính linh hoạt và chủ động hơn trong kế hoạch phát triển kinh tế của mình. Song một thực tế diễn ra trong nhiều năm qua chưa có giải pháp nào khắc phục: Chính quyền địa phương nào cũng muốn có nhiều dự án do DN FDI đầu tư, nên đã xảy ra việc lãnh đạo địa phương “nhắm mắt cho qua”, sẵn sàng “phá lệ” để ưu đãi DN FDI nhiều thứ (đất đai, thuế…). Có những báo cáo cho thấy những tỉnh, thành phố rất khó thu hút vốn FDI, đã sẵn sàng “nới room” ưu đãi của Trung ương để “vơ bèo vạt tép” các dự án FDI làm đẹp thành tích. Điều này dễ xảy ra tiêu cực và cũng là lỗ hổng trong quản lý hiện nay.
Sàng lọc theo nguồn gốc
Có thực tế nữa đang diễn ra từ nhiều năm qua đối với khối FDI mà các cơ quan quản lý có thẩm quyền không nhìn nhận ra (hay cố tình không nhắc đến), đó là hiệu quả tác động lan tỏa đến nền kinh tế từ các DN FDI. Theo đó, khối DN FDI có nguồn gốc từ châu Á đóng góp rất hạn chế, ngay cả khi tính theo hiệu suất vốn đầu tư/ha đất. Nói cụ thể hơn, xét theo nguồn gốc địa lý, khối DN FDI đến từ châu Á có chỉ số lợi nhuận vốn kinh doanh thấp và nộp thuế cho ngân sách cũng thấp hơn rất nhiều so với khối DN FDI đến từ Mỹ và châu Âu. Điều này nói lên điều gì? Mang hàm ý chính sách gì?
Để trả lời vấn đề trên, xin được quay ngược về câu chuyện của Singapore. Cách đây mấy chục năm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã mời cựu Thủ tướng Singapore là ông Lý Quang Diệu làm thành viên trong nhóm tư vấn kinh tế cho Chính phủ Việt Nam. Trong một cuộc trao đổi, khi được hỏi Singapore quan niệm về vốn FDI như thế nào và chính sách ưu đãi như thế nào đối với dòng vốn này?
Ông Lý Quang Diệu nói Singapore chỉ xem dòng vốn FDI của các DN đến từ Mỹ và châu Âu là dòng vốn cần thiết và được hưởng một số chính sách ưu đãi đặc biệt. Còn đối với DN FDI đến từ các nước châu Á, nước này không có ưu đãi gì và xem như DN trong nước.
Giải thích việc này, ông Lý Quang Diệu cho biết có 2 lý do chính: (1) các nhà đầu tư đến từ châu Âu và Mỹ thường có công nghệ nguồn, công nghệ lõi, công nghệ cao và họ sẽ chuyển giao công nghệ ấy khi đủ thời gian; (2) hệ thống pháp luật phòng chống tham nhũng của Mỹ và châu Âu rất chặt chẽ, sẽ tác động tích cực đến chính sách luật pháp nước sở tại là không gây ra nạn tham nhũng ở Singapore từ vấn đề liên quan đến đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, dòng vốn đầu tư đến từ DN châu Á tình trạng tham nhũng không kiểm soát được, dễ xảy ra tiêu cực trong khâu quản lý và điều hành kinh tế.
Câu chuyện trên xảy ra cách đây đã mấy chục năm, giờ đây có điều kiện quan sát, chiêm nghiệm và đánh giá lại, cho thấy ý kiến của ông Lý Quang Diệu là đúng, và người Singapore đã làm đúng.
Do đó, theo tôi nên làm theo cách của ông Lý Quang Diệu từng thực hiện ở Singapore, đó là tất cả nhà đầu tư đến từ châu Á hãy xem như là đầu tư trong nước, không nên có nhiều ưu đãi. Chúng ta có thể đặt ra một số tiêu chuẩn, đơn cử như chỉ ưu đãi đối với DN có công nghệ cao và họ cam kết sẽ chuyển giao công nghệ sau thời gian nhất định, còn không xem như DN trong nước.
Tại sao chúng ta ưu đãi nhiều đối với DN nước ngoài lại không ưu đãi DN Việt? Thực tế, hiện tượng tiêu cực phần lớn là bắt đầu từ đầu tư nước ngoài. Vì DN FDI muốn được hưởng ưu đãi thuế, ưu đãi đất đai… phải chạy chọt cửa sau mới được hưởng… Đây chính là những hạn chế khiến Việt Nam chưa thu hút được nhiều “đại bàng” Âu - Mỹ.
Nhân đây tôi kể một dẫn chứng cụ thể về sức hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư FDI. Năm 2006, Quốc vương Dubai có tham vọng đầu tư ra nước ngoài và ông ta muốn xây dựng mô hình đô thị quốc tế như là “Dubai thứ hai” trên thế giới, đã thuê tập đoàn tư vấn hàng đầu Monitor (Mỹ) đi khắp thế giới để chọn địa điểm. Và Monitor đã chọn Phú Yên của Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy địa thế kinh tế - chính trị Việt Nam có thể xem ở hạng nhất thế giới theo cách nhìn nhận đánh giá của Monitor. Tuy nhiên, điểm vướng mắc lúc đó là phía Dubai yêu cầu phải thực hiện đàm phán với Việt Nam trong khuôn khổ của pháp luật quốc tế, nhưng phía Việt Nam không đồng ý. Hơn 1 năm sau, quá trình đàm phán không thành công.
Theo cách của ông Lý Quang Diệu từng thực hiện ở Singapore, tất cả nhà đầu tư đến từ châu Á hãy xem như là đầu tư trong nước, không nên có nhiều ưu đãi. |