Thêm nhiều thủ đoạn lừa đảo mới trên thương mại điện tử

(ĐTTCO)- Các đối tượng lập tài khoản người bán với thông tin giả trên sàn TMĐT, sau đó giả mạo các cửa hàng, công ty kinh doanh trên thực tế để tạo lòng tin cho khách hàng.
Hàng giả, nhái lợi dụng môi trường thương mại điện tử để tiêu thụ.
Hàng giả, nhái lợi dụng môi trường thương mại điện tử để tiêu thụ.

Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT), tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) trong năm 2023 là tập trung, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trên TMĐT.

Mới đây, Đội QLTT số 1 và Đội QLTT số 22, Cục QLTT TP Hà Nội phối hợp với Công an quận Bắc Từ Liêm đột xuất kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ số 11, ngách 2, ngõ 123, phố Trần Cung do bà Nguyễn Thị Thu Hiền làm chủ. Đây là vụ việc điển hình đối tượng lợi dụng hoạt động TMĐT, mạng xã hội để kinh doanh thuốc giả mạo nhãn hiệu, thuốc không có số đăng ký lưu hành, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Người kinh doanh thuốc không có chứng chỉ hành nghề, không có đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược theo quy định. Hàng hóa vi phạm tại thời điểm kiểm tra có số lượng lớn, giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam. Vụ việc này có dấu hiệu tội phạm hình sự theo điểm đ khoản 1 Điều 190 và khoản 1 Điều 226 Bộ Luật hình sự.

Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1, Cục QLTT thành phố Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua có những vụ việc xảy ra không chỉ ở Hà Nội, đối tượng sản xuất ở tỉnh bên cạnh, đưa lên mạng xã hội để bán và mạng xã hội là kênh tiêu thụ cũng như luân chuyển hàng hóa.

“Nhìn tổng thể công tác kiểm tra giám sát có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Tổng cục mới đấu tranh được vi phạm trên nền tảng TMĐT, vì lĩnh vực này không có địa giới, không có giới hạn về lãnh thổ về phạm vi. Chúng tôi căn cứ vào những kênh phân phối, chào hàng trên mạng để có biện pháp nghiệp vụ vì suy cho cùng kinh doanh trên mạng vẫn có thanh toán, có hàng nhập về, có hàng chuyển tới tay người tiêu dùng…”, ông Nghĩa cho biết.

Theo Tổng cục QLTT, một thủ đoạn gian lận trên TMĐT mà thời gian qua nổi lên, đó là đối tượng lập tài khoản người bán với thông tin giả trên sàn TMĐT, sau đó giả mạo các cửa hàng, công ty kinh doanh trên thực tế để tạo lòng tin cho khách hàng. Cùng đó, các đối tượng này sẽ đăng bán các sản phẩm có mức giá rẻ hơn giá niêm yết từ 3-4 lần, kèm thêm thông tin như giảm giá, thanh lý…

Đáng lưu ý, hầu hết những mặt hàng được lựa chọn thuộc loại có giá trị cao, nhỏ gọn, hàng thương hiệu như đồ điện tử hay điện thoại di động. Hơn nữa, khi người mua đặt đơn hàng, các đối tượng sẽ được sàn TMĐT cung cấp thông tin cá nhân của người mua. Do vậy, các đối tượng này sẽ sử dụng các phương thức như Zalo, Facebook để chủ động liên lạc, dụ dỗ khách hàng mua các mã giảm giá (voucher) để giao dịch trực tuyến. Việc này nhằm hướng khách hàng không thông qua sàn TMĐT. Sau khi người bị hại chuyển khoản thanh toán, các đối tượng chặn liên lạc hoặc gửi bưu kiện; trong đó, có các vật phẩm không giá trị.

Theo Thống kê từ Bộ Công thương, năm 2022, lực lượng QLTT phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát hiện và gỡ bỏ gần 2.000 gian hàng với gần 6.500 sản phẩm vi phạm, chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục QLTT cho rằng, để có thể xoá bỏ triệt để hành vi này cần phải kết hợp với nhiều nhóm giải pháp khác nhau. Trong đó có sự chỉ đạo và phối hợp xuyên suốt từ Chính phủ đến các Bộ, ngành. Đồng thời, cần tuyên truyền, giáo dục ý thức của các DN không sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng lựa chọn sử dụng hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và nói không với hành vi sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

“Cần áp dụng khoa học công nghệ trong việc phòng, chống hàng giả hàng kém chất lượng để lực lượng chức năng xác định được nguồn gốc xuất xứ, đường đi của sản phẩm. Quá trình hình thành sản phẩm cần minh bạch mới phân biệt được đâu là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng thật, hàng chất lượng tốt, hàng đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng”, ông Lê nhấn mạnh.

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trong hoạt động TMĐT, năm 2023, Tổng cục QLTT ký cam kết với các sàn TMĐT để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi đưa lên sàn các sản phẩm nhập lậu, hàng giả.

Kiểm soát nguồn gốc hàng hóa là nhiệm vụ khó khăn của lực lượng QLTT.

Bà Vũ Thị Minh Ngọc, Quyền Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương để nghị Ban chỉ đạo 389 quốc gia xây dựng cơ chế chính sách điều phối giữa các lực lượng chức năng, để lực lượng QLTT lấy các cơ sở pháp lý, bằng chứng đó để có thể xử lý vi phạm trên môi trường TMĐT.

Ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cũng đề xuất, cơ quan quản lý nhà nước sớm có quy định về nhận diện xử lý quảng cáo không đúng sự thật, cũng như quảng cáo có dấu hiệu lừa đảo nhằm trục lợi trên thương mại điện tử.

“Cơ quan quản lý nhà nước cũng đã có quy định về quảng bá cũng như có quy định về hành vi lừa đảo. Hoạt động quảng cáo sai sự thật có thể quy sang hành vi lừa đảo và đều phải xử lý đều theo quy định pháp luật”, ông Sinh đề xuất.

Tổng cục QLTT cho biết, ngoài kế hoạch tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, Tổng cục tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để có sự điều chỉnh phù hợp thực tế nhằm quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh trên môi trường TMĐT; Phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính để có phương án, giải pháp kết nối chia sẻ dữ liệu để tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội nói riêng và hoạt động kinh doanh trên không gian mạng nói chung, tăng cường quản lý hàng hoá trên TMĐT.

Các tin khác