Các nước Đông Nam Á dang tay đón khách Hồi
Thực tế đây đang là nguồn khách nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước trong khu vực Đông Nam Á muốn thu hút, vì khả năng chi tiêu du lịch của họ đang không ngừng gia tăng. Hiện người Hồi giáo trên thế giới có khoảng 2,1 tỷ người, chiếm chừng 1/4 dân số thế giới, gần nửa số người Hồi giáo sống ở các quốc gia phát triển, có thu nhập cao.
Theo báo cáo về Chỉ số du lịch Hồi giáo toàn cầu (GMTI), năm 2023, khoảng 140 triệu lượt khách Hồi giáo đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Đến năm 2028, con số này ước tính khoảng 230 triệu lượt, chi tiêu lên tới 225 tỷ USD. Với riêng thị trường khách Ấn Độ, theo The Economic Times ước tính, năm nay du khách đến từ Ấn Độ sẽ chi tiêu khoảng 42 tỷ USD cho du lịch nước ngoài.
Trước đó, một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng thị trường Ấn Độ có tổng mức chi tiêu du lịch outbound năm 2023 đạt mức 33,3 tỷ USD, tăng gần 50% so với năm 2019, và là thị trường có mức tăng trưởng sau dịch hàng đầu châu Á cũng như thế giới.
Nhìn lại du lịch Việt Nam, từ năm 2015 (thời điểm những vị khách Hồi giáo đầu tiên đến TPHCM) cho đến trước dịch Covid-19, tức trong 4 năm, chúng ta mới đón được gần 1 triệu lượt khách. Sau dịch, khi nguồn khách chính của Việt Nam là Trung Quốc chưa thể phục hồi ngay, việc tìm kiếm các thị trường khác bắt đầu được nhắc tới, trong đó khách Ấn Độ được đặt nhiều kỳ vọng và lượng khách bắt đầu có mức tăng trưởng.
Theo Cục Du lịch Quốc gia, Việt Nam đón 392.000 khách Ấn năm 2023, tăng hơn 230% so với năm 2019. Trong 6 tháng năm nay, Việt Nam đã đón hơn 231.000 lượt khách từ thị trường này, tăng gần 165% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trong 7 tháng đầu năm, Ấn Độ đã vươn lên đứng vị trí thứ 8 trong danh sách 10 thị trường gửi khách quốc tế lớn nhất đến Việt Nam với 272.000 lượt khách tăng 27%.
Mặc dù có gia tăng lượng khách, song nếu nhìn vào các thị trường gửi khách chính đến Việt Nam những năm sau dịch, dường như không có mấy thay đổi khi Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan vẫn chiếm thị phần rất lớn. Nhìn lại khách đến Việt Nam trong 7 tháng, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam với gần 2,6 triệu lượt (chiếm 26%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 2,1 triệu lượt (chiếm 21,4%). Hai thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc đóng góp gần 1/2 tổng số khách quốc tế đến Việt Nam.
Đi tìm nguyên nhân
Hồi giữa tháng 7, tại Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp ngành du lịch và chính quyền thành phố, ông Trần Văn Tân Cương, Giám đốc Công ty Halal Việt Nam, đã nêu thắc mắc liệu ngành du lịch TPHCM có chính sách khuyến khích nào đón đầu xu hướng khách Hồi giáo đang tăng trưởng cao ở các nước?
Chẳng hạn Thái Lan đặt mục tiêu đến năm 2027 đón 80 triệu lượt khách quốc tế, trong đó có đến 1/3 là khách Hồi giáo. Ông Cương cũng đặt câu hỏi, liệu TPHCM có tính đến phương án có thêm các phòng cầu nguyện cho khách Hồi giáo ở một số điểm tham quan hay không? Vì hiện nay TPHCM mới chỉ có 1 phòng cầu nguyện ở ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng lượng khách cũng giới hạn ở con số 70 và dành cho khách VIP.
Ông Cương kể, có một lần dẫn một đoàn khách Hồi giáo đi Củ Chi, nhưng phải dừng ngang buổi tham quan vì đến giờ cầu nguyện, nên phải đưa khách trở lại trung tâm thành phố. Câu hỏi của ông Cương có lẽ không chỉ dành cho du lịch TPHCM, mà là câu hỏi để cả ngành du lịch nói chung đi tìm câu trả lời.
Có một điểm phải thừa nhận rằng, khách Hồi giáo có nhiều nét văn hóa khác biệt so với Việt Nam. Trong đó có 3 điều được xem là “bất di bất dịch”, nếu đáp ứng được 3 điều này thì khả năng thu hút nguồn khách này sẽ cao hơn rất nhiều. Thứ nhất là nơi cầu nguyện. Người Hồi giáo cầu nguyện 5 lần/ngày theo giờ quy định. Họ không cần nơi quá trang trọng, chỉ cần nơi yên tĩnh, sạch sẽ, kín đáo để cầu nguyện.
Thứ hai là chỉ dấu hướng cầu nguyện. Khi đi đến các khách sạn của các nước như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore, Hồng Kông, Macau, kể cả các nước châu Âu, nếu để ý sẽ thấy có một dấu hiệu nhỏ trên tường hay trên trần nhà kèm theo dòng chữ nhỏ là Qibla.
Đó là mũi tên chỉ về hướng thánh địa Mecca, để người Hồi giáo khi làm lễ cầu nguyện sẽ hướng mặt về hướng đó, và kèm theo đó là tấm thảm nhỏ được dệt các hoa văn và một đoạn kinh Coran. Từ dấu hiệu nhỏ này cho thấy sự chu đáo của những người làm du lịch ở các nước mà chúng ta cần học tập.
Thứ ba cũng là quan trọng nhất với người Hồi giáo, là các loại thực phẩm phải được cấp chứng chỉ Halal - theo ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là "hợp pháp" hoặc “cho phép”. Đối lập với Halal là Haram, có nghĩa là trái pháp luật hoặc bị cấm. Halal và Haram là những thuật ngữ áp dụng cho tất cả khía cạnh của cuộc sống người Hồi giáo.
Những món được xem là Halal phải phù hợp với chế độ ăn uống đạo Hồi đã đề ra trong kinh Coran. Thực phẩm Halal, ngoài việc không sử dụng bất kỳ loại rượu hay thức uống có cồn gây nghiện, còn phải được làm từ nguồn động vật được xử lý theo đúng phương cách của đạo Hồi.
Nhìn lại TPHCM, một trung tâm du lịch lớn của cả nước sẽ thấy. TPHCM hiện có 14 thánh đường Hồi giáo, nhưng chỉ có 3 thánh đường nằm ở khu vực trung tâm thuận lợi cho khách du lịch cầu nguyện. Đó là thánh đường Musulman, 66 Đông Du, quận 1; thánh đường Jamiul Islamiyah số 459B Trần Hưng Đạo; thánh đường Al Rahim tại 45 Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Một con số còn rất khiêm tốn.
Ngay như phòng cầu nguyện tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng chỉ phục vụ giới hạn 70 khách VIP là con số quá ít so với lượng khách mỗi ngày qua lại. Thực tế này đang cho thấy đề xuất của ông Cương về việc có thêm các phòng cầu nguyện tại các điểm tham quan du lịch là hết sức cần thiết.
Vấn đề ẩm thực cũng không thể lơ là. Cần phải có thêm nhiều nhà hàng phục vụ các món ăn đặc trưng của người Hồi giáo, có như vậy mới có thể níu chân nhóm du khách này. Nhìn lại công tác đón đoàn 4.500 khách Ấn Độ đến Việt Nam vừa qua có thể thấy, ẩm thực chính là điều các khách sạn tại Hà Nội cũng như nhà hàng tại Ninh Bình chuẩn bị chu đáo, cẩn thận nhất trong thời gian dài trước khi đón khách.
Cần một nhạc trưởng
Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu của du khách đến du lịch, việc quan trọng không kém chính là phải đẩy mạnh xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam đến với du khách. Quay trở lại câu hỏi của ông Cương về các chính sách đón đầu xu hướng khách Hồi giáo của TPHCM, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho hay, cơ quan này chưa chia dòng khách theo tôn giáo riêng lẻ, nhưng luôn khuyến khích các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ cần có bếp ăn Halal để phục vụ du khách Hồi giáo.
Tất nhiên nếu chia từng địa phương riêng lẻ, cũng có những tỉnh/thành như Quảng Ninh, Lâm Đồng, Đà Nẵng… đã khởi động một số chương trình xúc tiến để tiếp cận dòng khách Hồi giáo. Hay đi sâu hơn nữa, một số doanh nghiệp lữ hành lớn như Vietravel cũng đang đẩy mạnh khai thác dòng khách này.
Thế nhưng với du khách nước ngoài, khi họ nhìn vào một điểm đến thì cái nhìn sẽ chung là điểm đến Việt Nam. Như thế chúng ta rất cần có một nhạc trưởng cho các chương trình xúc tiến đầu tư chung hướng đến thị trường khách Hồi giáo.
Nếu so với một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan hay Malaysia, chúng ta lại thiệt hơn khi ngành du lịch của họ còn đang mở rộng cửa khi miễn visa cho khách đến từ Ấn Độ. Vậy nên, nếu không đẩy nhanh các chương trình xúc tiến rất có thể du lịch Việt Nam lại bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua đón khách Hồi giáo nói chung.
Có một con số nữa là những người làm du lịch Việt Nam cũng có thể tham khảo, để thấy rằng chúng ta đang ở đâu trong mắt du khách Ấn Độ nói riêng. Một khảo sát gần đây đã chỉ ra rằng, Việt Nam không phải là điểm đến thuộc nhóm ưu tiên ưa thích hàng đầu của khách Ấn Độ, mặc dù có tới hơn 2/3 khách từ quốc gia này lựa chọn các điểm đến châu Á cho chuyến đi tiếp theo của họ.
Có 3 quốc gia Đông Nam Á thuộc nhóm 5 điểm đến hàng đầu của khách Ấn Độ là Singapore, Thái Lan và Malaysia. Chưa hết, các quốc gia có người Hồi giáo đông như Malaysia hay Indonesia cũng không xét Việt Nam là ưu tiên chọn lựa khi đi du lịch, mặc cho xu hướng du lịch nội vùng đang lên ngôi.
Còn một thực tế nữa cũng được xem là khó khăn trong quá trình tiếp cận dòng khách này nhưng ít được nói tới chính là giá. Họ khá nhạy cảm về giá, nên thường đàm phán rất kỹ trước khi chốt với các đối tác. Và điều này có thể làm nản lòng nhiều công ty du lịch khi tiếp cận khách Ấn.
Theo tìm hiểu của ĐTTC, đã có công ty lữ hành dù khai thác thị trường này khá sớm, nhưng việc chốt giá “mệt mỏi” cùng đối tác Ấn khiến họ đã bỏ ngỏ thị trường.
Khi khách Ấn Độ nói riêng và khách Hồi giáo nói chung chi tiêu mạnh tay cho du lịch nước ngoài, trong khi khách Trung Quốc vẫn chưa trở lại như thời trước dịch, không ít người đặt ra câu hỏi liệu khách Ấn Độ có thể thay thế khách Trung Quốc hay không?
Ở các quốc gia khác như Thái Lan thì câu trả lời là có thể, nhưng ở Việt Nam với những phân tích như trên câu trả lời sẽ là khó. Trong ngắn hạn khách Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ vẫn là nguồn khách chính của du lịch Việt Nam.
Không riêng TPHCM mà nhìn vào bức tranh chung, ngành du lịch Việt Nam cũng chưa có những chương trình xúc tiến thực sự mạnh hướng tới thị trường khách Hồi giáo, mặc dù đây là khách luôn được xếp vào nhóm khách tiềm năng suốt mấy năm qua.