Có thể kể đến như Tập đoàn ACG mua lại cổ phần của Công ty Vật liệu xây dựng Việt Nam; Tập đoàn CJ mua lại cổ phần Công ty Cầu Tre; Earth Chemical mua lại cổ phần Công ty Á Mỹ Gia; Công ty Daesang mua lại cổ phần Công ty Thực phẩm Đức Việt… Các thương vụ M&A này đều cho thấy sự chủ động tìm kiếm cơ hội của doanh nghiệp (DN) nước ngoài, cũng như thị trường Việt Nam có rất nhiều cơ hội đầu tư thông qua hình thức M&A trong lĩnh vực công nghiệp. Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài đang lựa chọn rót vốn vào những DN đã niêm yết và có tầm nhìn dài hạn nhằm hiện thực hóa mục tiêu đầu tư dài hạn vào Việt Nam.
Bên cạnh dòng vốn ngoại, nguồn vốn trong nước cũng đang dần khẳng định được vị thế trên thị trường M&A, số thương vụ M&A giữa các DN trong nước với nhau ngày càng tăng lên. Nhiều DN Việt đã bắt đầu xây dựng chiến lược phát triển dài hạn và M&A đã trở thành công cụ quan trọng để thực hiện chiến lược đó. Mặt khác, các quỹ đầu tư trong nước cũng đang tăng trưởng cả về số lượng và quy mô, giúp thúc đẩy số lượng và giá trị các thương vụ M&A trong nội bộ DN Việt.
Nếu tính cả thương vụ đình đám Sabeco bán vốn nhà nước, quy mô thị trường M&A đã đạt mức trên 9 tỷ USD. Giá trị M&A của Việt Nam trong khu vực ASEAN ở mức tương đối, chỉ đứng sau Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và xếp trên Philippines. Cụ thể, trước khi Sabeco bán vốn thành công, thị trường M&A diễn ra sôi động trong các lĩnh vực tiêu dùng, bán lẻ, giá trị M&A đạt khoảng 5,5 tỷ USD với 118 thương vụ; lĩnh vực công nghiệp vật liệu 1,1 tỷ USD với 269 thương vụ; bất động sản 0,6 tỷ USD với 29 thương vụ; viễn thông 0,5 tỷ USD với 24 thương vụ; tài chính 0,4 tỷ USD với 28 thương vụ; các lĩnh vực khác khoảng 0,7 tỷ USD với khoảng 73 thương vụ. Chỉ trong giai đoạn 2014-2016 đã có 147 thương vụ M&A thành công, trong đó có nhiều thương vụ lớn như Vietjet huy động hơn 100 triệu USD, Vietnam Airlines huy động được 51,3 triệu USD thông qua IPO.
Số liệu của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), ghi nhận các nhà đầu tư quan tâm tới thị trường M&A Việt Nam 21% đến từ Thái Lan, 16% đến từ Singapore, 10% đến từ Hàn Quốc, 8% đến từ Trung Quốc, 5% đến từ Hoa Kỳ và 3% đến từ Nhật Bản. Có thể nói trong năm 2017 các nhà đầu tư ngoại đang dẫn dắt thị trường M&A Việt Nam. Tuy nhiên không có nhiều thương vụ lớn, hầu hết các thương vụ có giá trị khiêm tốn dưới 2 triệu USD chiếm trên 70% số thương vụ M&A. Hầu hết các thương vụ M&A lớn đều có nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
M&A đang góp phần thay đổi hoạt động kinh doanh của các DN trong nước, mang lại hiệu quả kinh doanh tốt hơn cho DN. Điển hình là thương vụ Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) mua lại hơn 70% cổ phần CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre. Sau khu thương vụ M&A này, Cầu Tre đã bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh mới, nguồn vốn bổ sung từ Tập đoàn CJ được đầu tư xây dựng thêm một nhà máy mới với tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ DN từ 500 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng. Một trường hợp khác là Petrolimex với số vốn pháp định ban đầu chỉ khoảng 12.500 tỷ đồng, nhưng sau cổ phần hóa thông qua các thương vụ IPO, nhà đầu tư JX Nippon Oil & Energy (Nhật Bản) và một số nhà đầu tư khác mua lại cổ phần, vốn hóa của Petrolimex hiện nay khoảng 80.000 tỷ đồng, từ đó tập đoàn này đã mở rộng thêm nhiều lĩnh vực đầu tư, kinh doanh.
Về xu hướng M&A trong năm 2018 và những năm tới, các lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ, hàngtiêu dùng, công nghiệp và bất động sản sẽ tiếp tục sôi động trên thị trường M&A. Xu hướng thứ hai là sự trỗi dậy của khu vực tư nhân trên thị trường M&A, nguồn hàng từ khu vực tư nhân ngày càng dồi dào hơn, các DN tư nhân sẽ chủ động hơn trong việc bán mình. Thay vì ngồi chờ đối tác đến mua, nhiều DN sẽ tìm cách tiếp cận tốt nhất với nhà đầu tư ngoại để thể hiện mình, và sự tiệm cận các chuẩn mức quốc tế sẽ giúp các thương vụ M&A diễn ra nhanh gọn hơn. Xu hướng thứ ba là vấn đề về thoái vốn DNNN và xử lý nợ xấu ngân hàng vẫn là động lực lớn cho thị trường M&A.