Trong bài viết “Đầu tư vàng khó thua lỗ” số ra ngày 13-7-2020, đã chỉ ra yếu điểm của việc quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/2012. Yếu điểm này trong những ngày này càng được lộ rõ. Thông qua vài con số để nhìn lại lý giải của NHNN có thật sự thuyết phục?
Nếu lấy giá vàng Việt Nam vào ngày 13-7-2020, khi bài viết trên được đăng tải, người mua vàng SJC nắm giữ đến ngày 24-7-2020 sẽ có lời 6,6% (tính mua theo giá bán, bán theo giá mua) trong khi giá vàng thế giới cùng thời điểm chỉ tăng 5%.
Một công ty kinh doanh vàng cùng thời điểm đó sẽ kiếm được lợi nhuận 10,65% (họ mua theo giá mua và bán theo giá bán). Vậy nguyên nhân của sự khác nhau giữa những con số này là gì?
Ngày 13-7-2020, chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới gần như không đáng bao nhiêu, trong khi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vào thời điểm 24-7-2020 lên đến 2.080.000 đồng.
Vậy tại sao lại có sự chênh lệch này và vì đâu ở các thời điểm khác nhau lại xuất hiện các mức chênh lệch khác nhau? Chưa hết, nếu chênh lệch giá mua bán tại các công ty kinh doanh vàng vào ngày 13-7-2020 chỉ là 400.000 đồng/lượng, trong khi chênh lệch này vào ngày 24-7-2020 lên đến 1-1,3 triệu đồng/lượng.
Nếu nhìn xa hơn, giá vàng thế giới cuối tuần qua cũng chỉ gần bằng mức giá cao kỷ lục vào ngày 30-8-2011, trong khi giá vàng Việt Nam tại thời điểm đó chỉ là 47,1 triệu đồng/lượng, nhưng giá vàng trong nước hôm nay đã là 55,6 triệu đồng/lượng.
Phải chăng, sự khác biệt này chỉ thuần túy do vấn đề tỷ giá thời điểm 30-8-2011 (VNĐ/USD là 20.830 đồng) và hiện nay (VNĐ/USD là 23.270 đồng)? Tỷ giá đã tăng 11,7% nhưng giá vàng trong nước đã tăng 18,05%. Con số khác biệt này càng đặt ra câu hỏi cho các nhà quản lý thị trường vàng Việt Nam.
Theo Nghị định 24/2012, NHNN sẽ là đầu mối nhập vàng và thông qua SJC để sản xuất vàng miếng mang thương hiệu SJC, nghĩa là NHNN độc quyền sản xuất và lưu hành vàng miếng SJC. Vậy bằng việc bán vàng SJC cho thị trường, NHNN khi cần mua vàng SJC vào thì có thực hiện hay không? Họ mua thông qua cơ chế nào và cách thức nào? Kết quả của hoạt động mua vào và bán ra này (nếu có) phản ánh ra sao?...
Khi đi vào tìm hiểu thị trường vàng để trả lời cho các câu hỏi trên ai cũng dễ nhận ra một điều, NHNN chỉ có can thiệp thị trường vàng một phía. Nghĩa là, NHNN nhập vàng từ thế giới và sau đó xuất kho bán ra trong nước mỗi khi cầu vàng trong nước gia tăng. Việc can thiệp một phía càng trở nên mạnh khi giá vàng trong nước khác biệt lớn với giá vàng thế giới, gây ra áp lực lên tỷ giá VNĐ/USD.
Việc quản lý thị trường vàng theo kiểu này đã tạo ra môi trường kinh doanh tốt cho các công ty kinh doanh vàng từ những con số được đề cập ở trên. Đồng thời, chính việc quản lý thị trường vàng một phía càng làm gia tăng vàng hóa trong nền kinh tế.
Hiện không có báo cáo nào đề cập đến hoạt động quản lý thị trường vàng Việt Nam thời gian qua. Với vai trò là người bán vàng, NHNN đã bán ròng bao nhiêu tấn vàng kể từ khi Nghị định 24/2012 đến nay? Làm tiêu tốn bao nhiêu ngoại tệ cho hoạt động này?... là những câu hỏi chưa được giải đáp.
Trong khi nhiều nhà nghiên cứu, nhiều chuyên gia đề cập đến việc làm sao huy động vàng trong dân, thì chính việc quản lý thị trường vàng theo kiểu can thiệp một phía này càng làm cho tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế càng lớn hơn.
Vấn đề đặt ra đối với cơ quan quản lý thị trường vàng phải có những thay đổi. Bởi kể từ Nghị định 24 đến nay, bối cảnh đã có những thay đổi, các thành viên trong thị trường cũng đã thay đổi nhiều, nên cũng đã đến lúc thay đổi cách thức quản lý.
Thiết nghĩ, chỉ có thay đổi cách quản lý thị trường vàng từ can thiệp một phía sang cách thức điều tiết cả 2 phía sẽ giúp thị trường vàng giải quyết được những khuyết điểm qua góc nhìn từ những con số nêu trên.