Thời điểm đầu tư hạ tầng hàng không

(ĐTTCO)-Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trên toàn cầu chưa được kiểm soát và các chuyến bay thương mại quốc tế chưa thể khai thác, năm 2021 ngành hàng không sẽ tập trung cải tạo, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng vốn đã xuống cấp. Thế nhưng nguồn vốn đầu tư nhiều hạn chế hiện nay sẽ là bài toán khó cho ngành.
Thời điểm đầu tư hạ tầng hàng không
Cần giải cứu trước mắt
Theo số liệu thống của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), năm 2020 thị trường vận tải hàng không sụt giảm mạnh. Sản lượng điều hành bay ước đạt 424.000 chuyến (giảm 548.000 chuyến so với cùng kỳ năm 2019), khách thông qua các cảng hàng không ước đạt 66 triệu khách và 1,3 triệu tấn hàng hóa (giảm tương ứng 43,4% về hành khách và 15,6% về hàng hóa so với năm 2019). 
Các hãng hàng không như Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways đều bị tác động nặng nề, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Vietnam Airlines dự kiến năm 2020 lỗ 15.000-16.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong tháng 2 và 3-2020 hãng phải hoàn trả gần 4.400 tỷ đồng tiền vé cho khách hàng vì các chuyến bay bị hủy.
Ngoài ra, khách đi lại ít khiến 100 máy bay không thể cất cánh vẫn phải chi trả nhiều chi phí cố định. Tương tự, VietJet Air đã buộc phải tái cơ cấu, trong đó có cả việc bán nhiều tài sản tích lũy trong nhiều năm hoạt động để giảm lỗ. Hãng Bamboo Airways cũng thông báo khoản lỗ bằng 1/4 của Vietnam Airlines.
Để tồn tại, các hãng hàng không đã triển khai hàng loạt giải pháp, như giảm nhân sự, bố trí lại việc làm, giảm thu nhập của cán bộ và nhân viên, đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa, đàm phán đối tác giãn tiến độ thanh khoản, đẩy mạnh các chuyến bay giải cứu.
Cùng với đó, ngành du lịch đã tung ra các gói kích cầu để kích hoạt người dân đi lại bằng đường hàng không, các hãng có thêm nguồn thu dù giá vé trong các hãng đều giảm sâu để cạnh tranh. 
Tuy nhiên, những giải pháp trên chỉ có tính tạm thời. Bởi chỉ khi đường bay quốc tế phục hồi mới đem lại doanh thu cao, bù đắp sự thiếu hụt của dòng tiền, trong khi đây là điều bất khả khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa được khống chế hoàn toàn.
Một trong những giải pháp được đề xuất để cứu ngành hàng không lúc này là Chính phủ cần xem xét bơm tiền trực tiếp cho các doanh nghiệp. Bởi về lâu dài, ngành hàng không vẫn được đánh giá là ngành “ăn nên làm ra” và sẽ sớm phục hồi, nhanh hoàn lại vốn.
Theo TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ, các hãng hàng không cần phải được hỗ trợ của Nhà nước một cách đồng bộ, từ các ưu đãi về chính sách đến việc “bơm tiền” với lãi suất ưu đãi. Bởi nếu để xảy ra sự sụp đổ của ngành hàng không, hệ lụy của nó đối với nền kinh tế sẽ rất khó lường. 
Ngoài ra, cần xem xét cơ chế cho phép các doanh nghiệp hàng không phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Điều này vừa giúp bổ sung dòng tiền thiếu hụt, đảm bảo đủ vốn để duy trì hoạt động, tạo nguồn đầu tư phát triển giai đoạn hậu Covid-19.

Giải quyết bài toán hạ tầng
Đầu tư cơ sở hạ tầng hàng không cần tầm nhìn trung và dài hạn. Việc lỗ hay lãi không đặt riêng ở từng sân bay mà phải có cái nhìn tổng thể trong phát triển kinh tế của địa phương, vùng và cả nước.
TS. Trần Quang Châu,
Chủ tịch Hội Khoa học -
 Công nghệ hàng không Việt Nam
Một trong những điểm nghẽn lớn nhất của ngành hàng không hiện nay phải giải quyết là nâng cấp, mở rộng, phát triển cơ sở hạ tầng. Theo Cục HKVN ngoài việc triển khai các đề án quy hoạch, đề án khác được giao, năm nay sẽ tiếp tục tập trung đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không quốc tế Vinh, Cát Bi, Phú Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng, Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Long Thành.
Hiện cả nước có 22 cảng hàng không, sân bay với tổng diện tích khoảng 12.409ha; trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không, sân bay nội địa được phân chia theo khu vực. Phần lớn cảng có khả năng đón A320/A321, một số cảng khác như Điện Biên, Rạch Giá, Côn Đảo và Cà Mau chỉ khai thác được ATR72 hoặc tương đương.
Bên cạnh đó, mạng lưới cảng hàng không được quy hoạch trên quan điểm lấy mô hình kết cấu trục nan làm cơ sở chính với Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM là 3 điểm gom tụ lưu lượng hành khách, hàng hóa để nối với các đường bay nội địa và quốc tế. 
Thực tế hiện nay sản lượng vận tải hàng không chủ yếu thông qua các cảng với vai trò cửa ngõ như Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh và Tân Sơn Nhất. Nhưng các cảng hàng không này đều đang ở trong tình trạng khai thác vượt quá công suất thiết kế.
Theo dự thảo đề án quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến 2050 đã được Cục HKVN hoàn tất, trong giai đoạn 2020-2030 sẽ tập trung đầu tư xây mới các sân bay Long Thành, Quảng Trị, Phan Thiết, Sapa… Một số sân bay được mở rộng tăng công suất như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh...
Giai đoạn 2030-2050 đầu tư thêm các sân bay mới Lai Châu, Nà Sản (Sơn La), Cao Bằng, sân bay thứ hai Hà Nội và mở rộng nhiều sân bay địa phương khác để nâng công suất lên 2-3 lần hiện nay.
Cục HKVN dự kiến tổng chi phí đầu tư xây dựng sân bay toàn quốc giai đoạn 2020-2030 ước tính 365.100 tỷ đồng, giai đoạn 2030-2050 khoảng 866.360 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện các dự án sẽ được huy động từ các nguồn như vốn vay ODA, vốn ngân sách nhà nước, vốn vay thương mại, vốn xã hội hóa theo hình thức PPP (đối tác công - tư). 
Ngoài ra, Chính phủ cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp hàng không liên kết đầu tư ngoài ngành, sử dụng nguồn vốn huy động của địa phương nơi có sân bay như là hình thức huy động vốn. Song để giải bài toán nói trên, quan trọng nhất là cần có cơ chế phù hợp.
Thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư xây dựng sân bay Vân Đồn, Cam Ranh. Thực tế đó cho thấy bài toán về vốn có thể giải được khi có cơ chế thu hút vốn hợp lý. 

Các tin khác