Theo Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số (Bộ Công Thương), TMĐT Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 với mức tăng 18%, quy mô thị trường 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Việt Nam cũng là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng TMĐT 2 con số.
Bên cạnh những lợi ích mà TMĐT mang đến như giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, thanh toán nhanh, Bộ Công Thương đánh giá vẫn còn nhiều hạn chế trong việc mua bán trên thị trường trực tuyến như vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các sàn giao dịch TMĐT và mạng xã hội.
Ngoài ra, hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài phát sinh dưới nhiều hình thức; tranh chấp với đối tác trong TMĐT, đặc biệt các mạng xã hội đang nổi lên là một phương thức giao dịch TMĐT phổ biến nhưng chưa được điều chỉnh,… “Các hành vi vi phạm trong TMĐT diễn ra ngày càng phức tạp khiến người tiêu dùng còn nhiều lo ngại trong việc mua hàng và thanh toán trực tuyến”, Bộ Công Thương nhận định.
Theo Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đặt các mục tiêu tổng quát đến năm 2025 gồm: Hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng; xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững.
Mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng TMĐT; đẩy mạnh giao dịch, TMĐT xuyên biên giới; trở thành quốc gia có thị trường TMĐT phát triển thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục TMĐT và Kinh tế số với chức năng quản lý nhà nước về TMĐT tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các nhóm giải pháp trong tâm để đạt được các mục tiêu nêu trên.
Một là, hoàn thiện khung pháp lý. TMĐT là một lĩnh vực rất đặc thù, đó là sự kết hợp giữa công nghệ và thị trường, giữa yếu tố thực và yếu tố ảo, giữa thực thể tồn tại với thực thể trong không gian số. Chính vì vậy khung pháp lý đang tiếp tục được hoàn thiện gắn với thực tiễn.
Khung pháp lý cho TMĐT hiện nay gồm: Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT và một số nghị định khác liên quan tới các lĩnh vực trong hoạt động TMĐT như Nghị định 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, Nghị định số 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử chữ ký số và chứng thực chữ ký số, Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử,…
Hai là, xây dựng các chương trình, chính sách, giải pháp khuyến khích hoạt động đánh giá tín nhiệm website TMĐT; hoàn thiện nền tảng tín nhiệm TMĐT. Trong 5 năm tới, bên cạnh việc xây dựng các chương trình, chính sách đánh giá tín nhiệm website TMĐT, giải pháp “Nền tảng tín nhiệm TMĐT” là công cụ đánh giá các chủ thể kinh doanh TMĐT. Xếp hạng tín nhiệm này sẽ công bố rộng rãi tới người tiêu dùng.
Trong năm 2021, Cục TMĐT và Kinh tế số sẽ triển khai Chương trình GoOnline, với nhiệm vụ đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình ứng dụng TMĐT từ khi bắt đầu đến lúc kinh doanh, hoạt động được trên môi trường trực tuyến.
Chương trình có sự đồng hành của các tập đoàn viễn thông, công nghệ, hệ thống TMĐT lớn nhất đất nước hiện nay, nhắm đến đối tượng là các nhà sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân trên toàn quốc muốn tiếp cận và ứng dụng TMĐT, đặc biệt, trong những tình huống khẩn cấp như dịch bệnh và hàng hóa cần “giải cứu”. Chương trình cũng hình thành một liên minh có kết nối chặt chẽ để triển khai các công tác hỗ trợ.
Các nhóm giải pháp được đưa ra cụ thể như: Triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp lên sàn TMĐT; chương trình hỗ trợ chi phí chuyển phát; chương trình dán nhãn chuyển phát an toàn; hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khi tham gia lên các sàn TMĐT; xây dựng nhà phân phối sản phẩm Việt uy tín và phát động truyền thông chương trình GoOnline…