Tiền gởi tiết kiệm đang trở lại với chứng khoán?

(ĐTTCO) - Tuần qua, thị trường chứng khoán lại có những ngày “giật mình” khi nhà đầu tư nước ngoài đột ngột lặp lại giao dịch bán ròng “ngàn tỷ đồng”.

Tiền gởi tiết kiệm đang trở lại với chứng khoán?

Lần gần nhất khối ngoại có động thái rút ròng lớn cỡ này là trung tuần tháng 9 vừa qua. Tính chung từ đầu tháng 9-2023 đến nay, chỉ riêng sàn HoSE đã chứng kiến quy mô rút vốn ròng tới trên 14.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên giữa đợt bán ra dữ dội của khối ngoại, thị trường vẫn có thể cân bằng được, cho thấy dòng vốn từ NĐT nội đang mạnh dần lên, đặc biệt là các NĐT cá nhân.

Dòng tiền cá nhân nổi bật

Trong tổng giá trị giao dịch hàng ngày được công bố, bao gồm nhiều nhóm NĐT khác nhau, và thị trường tiếp cận phổ biến là 4 dòng vốn bao gồm NĐT cá nhân trong nước, NĐT tổ chức trong nước, NĐT nước ngoài và khối tự doanh của các công ty chứng khoán.

Các dòng tiền này hoạt động với cường độ khác nhau và quan điểm trên thị trường cũng khác nhau. Việc NĐT nước ngoài bán ròng chỉ là một bộ phận, với tỷ trọng mua trung bình chỉ chiếm xấp xỉ 7%, tỷ trọng bán gần 7,6% giao dịch hàng ngày trong khoảng thời gian từ đầu tháng 9 đến nay. Điều này cho thấy khối ngoại không còn là dòng vốn chi phối nữa.

anh-minh-hoa-bai-nguyen-ha-5337.jpg
Lũy kế giá trị giao dịch ròng của các nhóm NĐT trên thị trường từ đầu năm 2023 đến nay (cột phải). Chỉ số VN-Index (cột trái). Diễn biến ngược hướng của dòng vốn cá nhân (màu cam) và khối ngoại (màu vàng) lẫn tổ chức (màu ghi) là rất rõ ràng. Nguồn: FiinTrade; Đơn vị: tỷ đồng.

Để rút được vốn ra khỏi cổ phiếu, NĐT nước ngoài phải bán thành công. Nói cách khác, cứ mỗi đồng vốn bán ròng của nhóm NĐT này phải có một đồng vốn đối ứng từ các dòng vốn khác. Do đó, con số bán ròng khổng lồ của khối ngoại một mặt nào đó cũng thể hiện dòng vốn của NĐT trong nước nói chung vào thay thế.

Thống kê từ đầu năm 2023 đến nay dựa trên số liệu của FiinTrade, dòng vốn lũy kế của nhóm NĐT nước ngoài và tổ chức trong nước là bên rút ròng khỏi thị trường. Cụ thể, tính riêng với cổ phiếu trên sàn HoSE, NĐT nước ngoài đã rút ròng 13.352 tỷ đồng, tổ chức đầu tư trong nước (tài khoản pháp nhân trong nước) rút ròng khoảng 8.416 tỷ đồng. Hai nhóm NĐT mua ròng là NĐT cá nhân trong nước với khoảng 17.471 tỷ đồng, và khối tự doanh của các công ty chứng khoán với 5.038 tỷ đồng.

Thực ra dòng tiền cá nhân nổi bật với quy mô tích lũy lớn, nhưng cũng không phải là mua ròng liên tục. Nhóm NĐT này đã tháo chạy khỏi thị trường trong suốt 5 tháng đầu năm 2023, và chỉ bắt đầu quay lại vị thế tích lũy ròng từ đầu tháng 6 (xem biểu đồ). Nếu gắn với sự kiện vĩ mô, thì việc NĐT cá nhân mua ròng lũy kế trở lại tương ứng khoảng thời gian Ngân hàng Nhà nước lần thứ 3 cắt giảm lãi suất. Lần đầu tiên vào giữa tháng 3-2023.

Đặc biệt kể từ tháng 8-2023 trở đi, dòng tiền cá nhân trong nước tích lũy cổ phiếu rất mạnh. Động thái này trùng khớp với xu hướng giảm lãi suất huy động nhanh chóng của các ngân hàng thương mại, cũng như chu kỳ đáo hạn tiết kiệm (lãi suất tiết kiệm đạt đỉnh khoảng 9-10% trong tháng 12-2022 và tháng 1-2023, nhưng tới tháng 2-2023 vẫn trên 7%/năm).

Như vậy dù đâu đó có quan điểm cho rằng lãi suất tiết kiệm “xuống đáy” nhưng dòng tiền vẫn không chảy vào chứng khoán, song thực tế con số tích lũy ròng trên thị trường cũng lại cho thấy đã có một lượng tiền lớn đổ vào mua và nắm giữ. Thanh khoản hàng ngày không bùng nổ, nhưng không có nghĩa là không có sự dịch chuyển dòng vốn.

Các giao dịch hàng ngày trên thị trường chứng khoán là trao đổi mang tính ngắn hạn tạo thanh khoản. Nếu nhu cầu nắm giữ cao hơn nhu cầu lướt sóng, quy mô giao dịch có thể chỉ ở mức trung bình. Thực tế cũng cho thấy, khi thị trường sụt giảm liên tục hoặc tăng trưởng liên tục một cách rõ ràng, thanh khoản hàng ngày mới cao do nhu cầu giao dịch tăng vọt.

Thị trường phù hợp với đầu tư dài hạn

Các số liệu báo cáo tăng trưởng tiền gửi của cư dân mà Ngân hàng Nhà nước phát đi hàng tháng, đang cho thấy mặc dù lãi suất tiết kiệm đã xuống rất thấp nhưng xu hướng gửi tiền vào ngân hàng vẫn tăng. Thí dụ số liệu mới nhất đến tháng 9, người dân gửi gần 6,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,95% so với thời điểm cuối năm 2022.

Hồi tháng 9-2022, số liệu tương ứng chỉ là gần 5,64 triệu tỷ đồng, tăng 6,38% so với thời điểm cuối năm 2021. Dù vậy tiền gửi này không rõ thông tin về kỳ hạn như thế nào.

Xét về cơ hội, trong bối cảnh lãi suất rất thấp, tiền gửi chưa bao giờ là một kênh cạnh tranh với chứng khoán, vì với bất cứ ai có kinh nghiệm đầu tư hay dám chấp nhận rủi ro, để tiền trong tiết kiệm không phải là một giải pháp hiệu quả. Mức độ an toàn gần như tuyệt đối của kênh tiết kiệm phải đánh đổi bằng mức lợi nhuận (lãi suất) phải từ khoảng 5-6%/năm.

Đầu tư vào các kênh khác như chứng khoán dĩ nhiên rủi ro cao hơn, nhưng nếu thay vì đánh cược xem ai thông minh hơn ai qua hình thức đầu cơ, NĐT chọn cách đánh cược dài hạn với tương lai của doanh nghiệp và đánh cược với sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia thì rủi ro sẽ khác.

Chu kỳ của TTCK trong dài hạn gắn liền với chu kỳ kinh tế vĩ mô và chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp. Giai đoạn rủi ro nhất của TTCK luôn gắn chặt với các biến cố vĩ mô. Thí dụ năm 2022 thị trường sụt giảm rất mạnh, gắn liền với bong bóng trái phiếu doanh nghiệp trong nước và xu hướng thắt chặt tiền tệ kiềm chế lạm phát trên toàn cầu.

Các rủi ro vĩ mô đến 2023 đã giảm đi đáng kể, thậm chí có khả năng đảo ngược như chu kỳ tăng lãi suất đã kết thúc.

Trên sàn HoSE, NĐT nước ngoài đã rút ròng 13.352 tỷ đồng, tổ chức đầu tư trong nước rút ròng khoảng 8.416 tỷ đồng. Hai nhóm NĐT mua ròng là NĐT cá nhân trong nước với 17.471 tỷ đồng, và khối tự doanh của các công ty chứng khoán với 5.038 tỷ đồng.

Các tin khác