PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN (ảnh), Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã có cuộc trao đổi với ĐTTC về điều hành nền kinh tế năm vừa qua của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, nhìn lại quá trình tái cơ cấu đã thực hiện đến nay cũng như giai đoạn sắp tới, ông thấy có gì khác?
Mô tả ảnh
Ông TRẦN ĐÌNH THIÊN: - Cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam đã bước sang giai đoạn rất khác so với những năm đầu tiên khởi động chương trình này. Nói một cách khác, để có kết quả, các nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế phải theo phương thức khác, cách làm khác. Thực tế đang cho thấy nếu chúng ta đã rất cố gắng nhưng không có kết quả rõ nét, thì hoặc là chưa đủ cố gắng, hoặc cách làm chưa đúng.
Tôi cho rằng cần phải thay đổi phương pháp, cách làm, không thể chỉnh sửa hay điều chỉnh những công thức cũ mà cần phải có phương pháp mới.
Thí dụ, thử phân tích sự nỗ lực cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, xem cần thay đổi thế nào. Sau 20 năm tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phần vốn nhà nước thoái mới chỉ 8%, cho dù số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa không nhỏ. Hiện Chính phủ đang rất quyết liệt với khu vực doanh nghiệp nhà nước, với cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp.
Đây là việc không thể chậm trễ hơn, thậm chí tôi cho rằng đây là trận đấu cuối cùng. Nhà nước không thể coi các doanh nghiệp như Sabeco hay Habeco là trụ cột để ngần ngừ, không thể coi đó là các trụ cột của nền kinh tế được.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Thủ tướng kiên định và gây áp lực liên tục. Nói một cách thẳng thắn, năm qua những thành tích của nền kinh tế đạt được phần lớn do áp lực liên tục của người đứng đầu Chính phủ với bộ máy của mình. PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN |
Cách làm hiện tại vẫn loay hoay trong tư duy về trụ cột hay là khoản thu cho ngân sách. Trong khi mục tiêu cổ phần hóa là để nguồn lực nhà nước làm việc khác, không phải để kinh doanh các sản phẩm như hiện tại.
Khi nguồn vốn tư nhân tham gia vào, với sự thay đổi quản trị, thương hiệu và các doanh nghiệp đang được coi là có thương hiệu sẽ phát triển theo hướng thị trường mà không cần vốn nhà nước.
- Nhìn lại điều hành của Chính phủ năm vừa rồi, với tư cách là chuyên gia trong Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, ông có ý kiến gì?
- Tôi tham gia Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, quan sát được cách Thủ tướng tạo áp lực với các bộ, ngành như thế nào trong thực hiện các kế hoạch đã định. Đơn cử, khi làm việc tại Bộ Y tế, các yêu cầu cải cách trong tư duy quản lý nhà nước, yêu cầu sửa đổi, rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành... thực sự quyết liệt. Kết quả là tinh thần cải cách của người đứng đầu Chính phủ tạo áp lực phải hành động, phải thay đổi đã tác động tới bộ máy.
Với các địa phương cũng vậy, áp lực gia tăng khi Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với các địa phương, thực hiện rõ phân quyền và trách nhiệm cho các địa phương... Tổ tư vấn làm việc khá trách nhiệm, nghiêm túc và phanh hãm cho các ý tưởng sai. Thành công nhất của Chính phủ trong 2 năm qua là cải cách bộ máy hướng tới doanh nghiệp. Đây là điều các chuyên gia kinh tế đã khuyến nghị từ lâu, nhưng lần này Chính phủ đã làm được.
- Cho tới thời điểm này, nền kinh tế đang phải đối mặt với những khó khăn gì, thưa ông?
- Đó là doanh nghiệp trong nước quá yếu, đã để khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lấn át. Khả năng kết nối giữa khu vực doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI cũng còn rất hạn chế. Nếu 5-7 năm nữa việc kết nối vẫn thấp như vậy, doanh nghiệp Việt Nam không trở thành đối tác được với doanh nghiệp FDI, nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Chưa nước nào có nhiều chính sách thu hút đầu tư FDI như Việt Nam, nhưng khi vào “họ ăn cả và đáng ra mình phải có đủ năng lực để ăn thêm”.
- Trong giai đoạn tới, theo ông đâu là những vấn đề cần quan tâm?
- Chiến lược của Việt Nam năm 2018, theo tôi chỉ có một số việc. Thứ nhất, cải cách nhà nước thể chế để giúp doanh nghiệp. Thứ hai, khu vực tư nhân phát triển mạnh lên. 2 điểm này giống như một, đó là để cùng phát triển nội lực. Thứ ba, chọn lọc trong thu hút đầu tư FDI. Logic của việc này là định hướng phát triển ngành, tạo ra môi trường chính sách để thu hút doanh nghiệp vào, phải thay đổi động lực khuyến khích. Bên cạnh đó có chiến lược về chính sách tỷ giá để hỗ trợ tốt hơn cho phát triển kinh tế, chứ tỷ giá như hiện nay chỉ phục vụ cho đầu cơ hay buôn lậu. Tôi nghĩ khó nhất hiện nay là câu chuyện tỷ giá.
Còn về doanh nghiệp Việt Nam, có thể nhận thấy có lượng nhưng không có lực. Công nghiệp của các nước châu Á đều nhiều tầng. Các tập đoàn làm trụ cột nhưng ở ta, trụ cột không đủ mạnh. Do đó, cần tạo ra lực lượng doanh nghiệp, không phải cộng đồng doanh nghiệp; phải chọn tập đoàn tư nhân như Hàn Quốc, không phải tập đoàn nhà nước như tư nhân vừa qua. Quan điểm của tôi là định hướng vào những doanh nghiệp trẻ, có tầm nhìn khởi nghiệp. Nghĩa là, trong lựa chọn trụ cột chọn kinh tế tư nhân và trong các tập đoàn lớn phải “ưu tiên cho ông trẻ hơn”. Chính những ngôi sao như vậy sẽ dựng lên chân dung kinh tế.
- Thách thức của năm 2018 mà kinh tế Việt Nam đối mặt là gì, thưa ông?
- Chắc năm 2018 sẽ không có gì, mọi chuyện đều tốt và nếu có điều gì đó cũng sẽ đến trễ hơn. Về dòng tiền ào ạt vào thị trường chứng khoán hiện nay, theo tôi không được chủ quan, nếu không sẽ gây ra lạm phát. Cần phải thận trọng trong việc bơm, hút tiền bởi nếu cứ để tiền “lang thang ở bất động sản, chứng khoán cũng lo”, do đó phải kiểm soát.
Về điều hành nền kinh tế năm nay, tôi nghĩ cần phải tiếp tục mở biên cho các địa phương, nhất là các TP trực thuộc Trung ương, không để TPHCM đơn độc. Với TPHCM cần nhìn vào cơ chế quan hệ Trung ương - địa phương, nhìn vào phân cấp, phân quyền, trao quyền chịu trách nhiệm.