Một góc xã Tân An Hội (Củ Chi) và dòng kênh Xáng giáp ranh với Long An kỳ vọng góp phần hình thành Khu đô thị Tây Bắc. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bài học từ những dự án bị thui chột
Hơn 10 năm trước, nhận thấy tầm quan trọng trong phát triển khu vực Tây Bắc (gồm 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi), TPHCM đã thành lập một đơn vị chuyên môn làm đầu mối giải quyết các vấn đề về đầu tư là Ban quản lý Đầu tư xây dựng Khu đô thị Tây Bắc. Theo Ban quản lý, thời gian đầu, có nhiều nhà đầu tư tìm đến, một số dự án được cấp phép, nhưng sau đó lần lượt các nhà đầu tư rút đi, hoặc giảm quy mô đầu tư, thậm chí xin trả lại dự án. Cụ thể, tại huyện Củ Chi, thời gian qua đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn vào các dự án như: công viên Safari, đại lộ ven sông Sài Gòn… nhưng cho đến nay, hầu hết các dự án vẫn nằm trên giấy.
Với huyện Hóc Môn, tình hình cũng không khá hơn. Có dịp đi dọc quốc lộ 22 (QL22) đoạn qua trung tâm thị trấn Hóc Môn, người đi đường dễ dàng nhận thấy hai bên đường có rất nhiều khu đất trống, cỏ mọc um tùm. Đi sâu vào các đường xương cá giao với QL22 như Dương Công Khi, Trần Văn Mười, có nhiều diện tích đất bị bỏ hoang. Đó là một phần lớn diện tích đất của các dự án tỷ USD đã được thành phố phê duyệt nhưng chậm triển khai, hoặc đã bị rút giấy phép.
Điển hình là dự án Khu đô thị (KĐT) An Phú Hưng (trải dài trên địa bàn các xã Tân Thới Nhì và Tân Hiệp) có quy mô gần 700ha, được kỳ vọng là “Phú Mỹ Hưng thứ 2” của TPHCM. Vào năm 2004, UBND TPHCM đã ban hành quyết định giao đất đầu tư dự án này cho Công ty TNHH MTV An Phú với định hướng hình thành KĐT vệ tinh ở cửa ngõ Tây Bắc thành phố. Hơn 10 năm sau, do gặp khó khăn trong công tác đền bù giải tỏa, dự án “đứng hình”. Đến năm 2016, UBND TPHCM có quyết định xóa bỏ chủ trương đầu tư dự án này.
Hay như dự án KĐT Đại học Quốc tế tại huyện Hóc Môn, UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 1-7-2008 cho Công ty TNHH Đô thị Đại học Quốc tế Berjaya Việt Nam (chủ đầu tư Malaysia) với diện tích đất sử dụng 880ha, vốn đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD. Mục tiêu của dự án nhằm phát triển KĐT - đại học quốc tế trong KĐT Tây Bắc, bao gồm khu đại học, khu dân cư, khu thương mại - dịch vụ, khu giải trí, y tế, thể thao, công viên công nghệ thông tin… KĐT này có sức chứa 75.000 người sinh sống, học tập và làm việc. Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm kể từ năm 2008. Thế nhưng, đến nay có thể nói, dự án đã “chết”!
Tại sao một vùng đất có tiềm năng nhưng hầu hết các nhà đầu tư “đến rồi lại đi”, không để lại công trình xây dựng nào đáng kể? Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp trong Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã từng có kế hoạch đầu tư lên Hóc Môn, Củ Chi, ngoài nguyên nhân lớn nhất về hạ tầng kém phát triển thì chính sách thu hút đầu tư vào đây của TPHCM chưa hấp dẫn. TPHCM muốn giãn dân ra khỏi nội thành nhưng vẫn cho một số nơi trong nội thành xây dựng thêm cao ốc, tăng chỉ tiêu dân số. Các hướng được xác định phát triển chính đô thị của TPHCM là Nam và Đông được ưu tiên cả về nguồn lực lẫn chính sách thu hút đầu tư hơn so với hướng lên Tây Bắc là Củ Chi và Hóc Môn.
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Theo đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010 (đang được TPHCM nghiên cứu điều chỉnh) khoảng 6.000ha của Củ Chi, Hóc Môn trải dài từ xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn) tới các xã Tân An Hội, Phước Hiệp, Tân Thông Hội, Tân Phú Trung và thị trấn Củ Chi (huyện Củ Chi) được quy hoạch làm KĐT vệ tinh Tây Bắc. KĐT này có chức năng dịch vụ, thương mại, y tế, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao và nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Mục tiêu của TPHCM khi thực hiện lập quy hoạch này là hình thành một KĐT vệ tinh hiện đại. Theo nhiều chuyên gia, mục tiêu là tốt đẹp và hoàn toàn hợp lý với một trung tâm kinh tế - xã hội lớn như TPHCM, nhưng do nguồn lực hạn chế nên quy hoạch này đã hầu như không được thực hiện và vô hình trung trở thành lực cản phát triển cho khu vực. Trong rất nhiều cuộc họp với lãnh đạo TPHCM, người dân đã kiến nghị xóa hoặc điều chỉnh quy hoạch “treo” này.
Cuối năm 2021, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Hòa Bình đã ký công văn xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung lập điều chỉnh quy hoạch KĐT Tây Bắc. Theo đó, thành phố kiến nghị tăng quy mô dân số lên 600.000 người (gấp đôi so với phê duyệt của Thủ tướng năm 2010); giảm quy mô KĐT mới từ 6.000ha xuống 4.410ha, chuyển phần còn lại thành khu vực hiện hữu. Khu hiện hữu sẽ quy hoạch theo hướng chỉnh trang, phù hợp với điều kiện thực tế, qua đó cho phép khoảng 56.000 người dân bị quy hoạch “treo” nhiều năm được sửa chữa, xây dựng nhà cửa khi có nhu cầu; chỉ tổ chức mô hình nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại các khu vực đầu mối metro, dọc các tuyến giao thông chính...
Theo nhiều chuyên gia, sự thay đổi trên có ý nghĩa quyết định, đó là đã xác định được khu vực trọng điểm để đầu tư, không trải ra quá lớn như trước. Việc này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh TPHCM đang nỗ lực vượt qua đại dịch, nguồn kinh phí còn hạn hẹp. Chưa hết, còn “mở” cho người dân được xây, sửa nhà theo quy định, huy động được nguồn lực không nhỏ trong dân vào phát triển đô thị. Tất nhiên, kèm theo đó phải là những quy định cụ thể để tránh trường hợp xây dựng tràn lan, không phép, sai phép… phá vỡ quy hoạch chung của toàn khu.
Điểm nhấn du lịch
Tạo nên nét độc đáo cũng là cách để thu hút đầu tư hiệu quả… Với vùng đất phía Tây Bắc của TPHCM, đó chính là địa đạo Củ Chi dài hơn 200km có nhiều cấu trúc thông nhau. Công trình này đã được một số tờ báo có uy tín của nước ngoài xếp vào tốp các công trình ngầm bậc nhất của thế giới. Và vừa mới đây, UBND TPHCM cũng đề xuất ghi tên địa đạo Củ Chi vào danh mục di sản thế giới. Không chỉ có địa đạo Củ Chi, nơi đây còn có di tích 18 thôn vườn trầu ở Hóc Môn, ghi dấu ấn mạnh mẽ của cuộc cách mạng giành độc lập của dân tộc ta.
Cùng với những di tích lịch sử, khu Tây Bắc còn có những điểm nhấn về cảnh quan rất ấn tượng. Vùng đất dọc sông Sài Gòn chẳng hạn. TPHCM đã làm 10 quy hoạch phân khu ở đây với mục tiêu giữ gìn bản sắc tự nhiên, qua đó giúp phát triển du lịch cho thành phố. Theo Sở QHKT TPHCM, cảnh quan nơi đây còn khá tự nhiên, chưa có sự can thiệp nhiều của quá trình đô thị hóa. Người dân sinh sống chủ yếu bằng mảnh vườn trồng cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… hoặc cây rau ngắn ngày và nuôi trồng thủy sản. Thực tế này rất thuận tiện cho việc khai thác dịch vụ nghỉ dưỡng, phát triển du lịch sinh thái và giữ lại mảng xanh làm lá phổi cho thành phố.
Nhìn xa hơn, sát Củ Chi là tỉnh Tây Ninh với danh thắng núi Bà Đen tuyệt đẹp. Danh thắng này vừa được tu bổ, xây thêm nhiều hạng mục và dịp Tết Nguyên đán 2022 vừa qua đã trở thành một trong những điểm đến du lịch thu hút nhất của khu vực Nam bộ. Tây Ninh còn có nhiều công trình kiến trúc tôn giáo rất đẹp như Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh… Nhìn ngang, tỉnh Bình Dương bên cạnh cũng có nhiều điểm du lịch và lễ hội hấp dẫn như Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu… Kết hợp với nhau, các địa phương trong khu vực có thể tạo ra một chuỗi điểm đến du lịch độc đáo, hấp dẫn cho cả vùng. Đây cũng sẽ là động lực mạnh mẽ để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội cho TPHCM.
UBND TPHCM vừa có văn bản gửi Bộ GTVT về việc hỗ trợ kinh phí cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài (Tây Ninh). UBND kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ ngân sách 5.901 tỷ đồng cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đầu tư đường cao tốc nói trên, với chiều dài toàn tuyến khoảng 50km. Đây là tuyến cao tốc xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN và giảm tải cho QL22. Giai đoạn 1 của dự án thực hiện từ nay đến năm 2025, sẽ đầu tư 4 làn xe hạn chế và theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT). Cụ thể, nhà đầu tư thu phí hoàn vốn theo hợp đồng BOT, nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 15.900 tỷ đồng. |