TP.HCM: Điểm sáng 20 năm bình ổn thị trường

(ĐTTCO)-Nhằm điểm lại những dấu ấn trên hành trình kiến tạo chương trình Bình ổn thị trường mang đậm chất thương hiệu của TP.HCM, VietnamPlus xin giới thiệu chùm bài "Điểm sáng 20 năm bình ổn thị trường".
Doanh nghiệp bình ổn thị trường cam kết không điều chỉnh tăng giá một tháng trước Tết, một tháng sau Tết. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Doanh nghiệp bình ổn thị trường cam kết không điều chỉnh tăng giá một tháng trước Tết, một tháng sau Tết. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, có GRDP, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ, đóng góp ngân sách... của thành phố đều chiếm từ 20-30% cả nước.

Thành phố không ngừng năng động, sáng tạo, triển khai nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá, linh hoạt; trong đó chương trình Bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện xuyên suốt 20 năm qua.

Bước chuyển biến về tư duy

Chương trình Bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh được triển khai trên địa bàn thành phố qua 20 năm đã có sự chuyển biến căn bản từ nhận thức "bình ổn giá" sang "bình ổn thị trường."

Đến nay, chương trình đã trở thành công cụ điều tiết giá cả thị trường nhiều nhóm mặt hàng thiết yếu thông qua điều tiết cung-cầu hàng hóa, giảm tối đa những biện pháp can thiệp hành chính lên giá bán hành hóa tiêu dùng thiết yếu.

Phát huy mọi nguồn lực

Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò là một trung tâm lớn về kinh tế, đầu mối giao thương liên kết nhiều tỉnh, thành và hội nhập quốc tế của cả nước.

Thành phố cũng là một trong những địa phương đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo thống kê, với tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ luôn chiếm từ 20-30% cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là thị trường tiêu thụ lớn, kết nối hoạt động xuất nhập khẩu trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, xuất phát từ vấn đề vẫn còn một bộ phận người nghèo, công nhân, người lao động thu nhập thấp, chịu tác động đầu tiên và trực tiếp ngay khi có biến động giá cả hàng hóa thiết yếu, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi xướng chương trình Bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh trong 20 năm qua.

Ở giai đoạn đầu, chương trình Bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có thành phần kinh tế nhà nước tham gia, hiện tại chương trình đã huy động tất cả thành phần kinh tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đồng hành tham gia thực hiện bình ổn thị trường.

Trong số đó, có thể kể đến khu vực kinh tế tư nhân, khu vực vốn đầu tư nước ngoài... đang ngày càng đóng góp lớn vào hiệu quả triển khai chương trình, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và thị trường thành phố.

Chương trình Bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng cho thấy, đảm bảo yêu cầu phát huy sức mạnh mọi nguồn lực, tận dụng thời cơ thuận lợi thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, nhất là đóng góp chăm lo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, chương trình cũng là một trong những giải pháp hiệu quả tạo thế chủ động cho nền kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế; tích cực giải quyết tốt vấn đề xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân và người lao động.

Thông qua chương trình Bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, cộng đồng doanh nghiệp đã từng bước cải thiện năng lực cạnh tranh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; mở rộng thị trường và thị phần tiêu thụ sản phẩm.

Chương trình cũng trở thành cầu nối gắn kết sản xuất và thương mại, góp phần giải quyết vấn đề thiếu đồng bộ trong công tác xúc tiến thương mại và thị trường nội địa, kích cầu tiêu dùng trong những thời điểm sức mua của xã hội không tăng.

Theo bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, một trong những giải pháp quan trọng của chương trình Bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh không thể không kể đến là thể hiện rõ vai trò quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chương trình nhận được sự đồng thuận ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, với cả hệ thống chính trị kiên trì tổ chức, chỉ đạo và ngày càng lan tỏa đến nhiều địa phương trên cả nước.

Đồng thời, chương trình còn được Chính phủ, các bộ ngành Trung ương đánh giá cao và chỉ đạo nhân rộng phù hợp với diễn biến thị trường.

Xuyên suốt 20 năm, chương trình Bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy phát triển, minh bạch, lành mạnh thị trường nội địa trên địa bàn thành phố.

Những đơn vị tham gia chương trình, từ sở ngành đến doanh nghiệp, đơn bị bán lẻ... đều kiên trì đa dạng giải pháp ổn định giá cả nhóm mặt hàng thiết yếu và đảm bảo an sinh xã hội, nhất là thời điểm thị trường biến động giá cả.

Dịp cận Tết Quý Mão, các doanh nghiệp giảm giá sâu mặt hàng thịt heo, trứng gia cầm, thịt gà... (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Bà Phan Thị Thắng đánh giá chương trình Bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh còn phát huy hiệu quả thực hiện thành công Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó chương trình giúp doanh nghiệp yên tâm, mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, quy mô lớn, liên kết chặt, hình thành chuỗi cung ứng...

Đặc biệt, doanh nghiệp được tạo động lực và đầu tư về công nghệ, trang thiết bị, con giống, trang trại, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu… thông qua phương thức liên kết vùng, hình thành các chuỗi cung ứng liên vùng, gắn kết thị trường giữa các địa phương.

Nhờ vậy, Thành phố Hồ Chí Minh phát huy tiềm năng, thế mạnh và nâng tầm hợp tác phát triển kinh tế nhiều địa phương, nhất là các tỉnh, thành Đông-Tây Nam bộ theo hướng thiết thực và hiệu quả, cũng như thể hiện vai trò đầu tàu thúc đẩy sự phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Quy mô ngày càng mở rộng

Báo cáo của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, danh mục hàng hóa thực hiện chương trình Bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh tăng từ 1 nhóm mặt hàng (lương thực, thực phẩm) lên 4 nhóm mặt hàng (lương thực thực phẩm, sữa, dược phẩm thiết yếu và các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng).

Trong năm 2021 và 2022, chương trình bổ sung thêm một số nhóm mặt hàng phục vụ người dân phòng chống dịch COVID-19, từ đó cho thấy vai trò quan trọng của chương trình Bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh trong những giai đoạn biến động thị trường.

Từ giải pháp dự trữ hàng hóa là chủ đạo, đến nay chương trình Bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện bình ổn thị trường trong dài hạn, tập trung thúc đẩy sản xuất trong nước theo hướng hiện đại, năng suất cao; đảm bảo nguồn cung dồi dào.

Chương trình còn chú trọng phát triển nhanh hệ thống phân phối, nâng cao hiệu quả logistics, lưu thông hàng hóa, tiết giảm chi phí trung gian, giảm chênh lệch từ giá thành sản xuất đến và giá bán tiêu dùng.

Khách mua hàng bình ổn tại siêu thị Co.op Food, quận Phú Nhuận. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Chương trình Bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, đã cụ thể mục tiêu từng giai đoạn bằng những nội dung trọng tâm như huy động nguồn lực tham gia; triển khai chính sách hỗ trợ thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất; tăng cường hợp tác thương mại, kết nối cung-cầu, phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu; tạo nguồn hàng với nhiều tỉnh, thành...

Ngoài ra, từ 2 doanh nghiệp nhà nước tham gia đầu tiên thì đến nay chương tình đã huy động 69 doanh nghiệp và 12 tổ chức tín dụng; trong đó có nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao.

Cụ thể, có thể kể đến những thương hiệu nổi bật, gồm: VISSAN, Ba Huân, Vinh Phát, Tấn Vương, Colusa-Miliket, Bình Tây, Liên Thành, Cholimex, Vinamlik, MR.Vui, Miti...

Phần lớn hệ thống phân phối lớn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đều đã tham gia chương trình như Saigon Coop, Bách Hóa Xanh, MM Mega Market, Cental Retail, SATRA, MM Mega Market, Cental Retail, Aeon Citimart, GS25…

Trên cơ sở này, tổng sản lượng hàng tham gia chương trình Bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng lớn, đủ sức điều tiết thị trường và sẵn sàng can thiệp, bổ sung nguồn cung khi có hiện tượng khan hàng, sốt giá trên địa bàn thành phố, cũng như khu vực lân cận.

Theo thống kê năm 2022, lượng hàng trứng gia cầm bình ổn thị trường chiếm 79% thị phần, thịt gia cầm chiếm 33,8%, dầu ăn chiếm 28,2%, đường chiếm 21,3%, thịt gia súc chiếm 18,6%...

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tính chung gia đoạn từ năm 2002-2022, hạ tầng thương mại Thành phố Hồ Chí Minh có những bước chuyển biến mạnh mẽ về chất và lượng; không ngừng mở rộng quy mô kinh doanh với cơ sở vật chất thường xuyên được đầu tư, nâng cấp và đổi mới. Trong giai đoạn này, thành phố đặt nền móng xây dựng và đầu tư phát triển thành công 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm.

Còn hệ thống chợ truyền thống được cải tạo, mạng bán lẻ hiện đại được doanh nghiệp trong nước xây dựng chiến lược bài bản, nhiều tập đoàn nước ngoài xuất hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng góp phần hoàn thiện hạ tầng thương mại thành phố so với mặt bằng chung cả nước.

Hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh có 235 chợ truyền thống (3 chợ đầu mối, 14 chợ hạng I, 52 chợ hạng II, 166 chợ hạng III và chợ tạm), 237 siêu thị (106 siêu thị tổng hợp có kinh doanh thực phẩm và 131 siêu thị chuyên doanh), 46 trung tâm thương mại và 3.012 cửa hàng tiện lợi.

Riêng về phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa tham gia chương trình Bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh được triển khai thông qua nhiều phương thức như hệ thống phân phối của doanh nghiệp bình ổn thị trường; hỗ trợ phát triển điểm bán bình ổn thị trường tại các chợ truyền thống; giới thiệu mặt bằng, liên kết doanh nghiệp bình ổn thị trường liên kết đầu tư xây dựng cửa hàng bình ổn thị trường.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 10.983 điểm bán hàng bình ổn thị trường, gồm: 4.209 điểm bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; 881 điểm bán các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng; 1.711 điểm bán sữa và 4.182 điểm bán các mặt hàng dược phẩm.

Các tin khác