Tổng diện tích tự nhiên của làng Chuông là 481,44ha, gồm 8 thôn là Tây Sơn – Chung Chính – Liên Tân – Quang Trung – Mã Kiều – Tân Tiến – Tân Dân 1 và Tân Dân 2.
Làng Chuông có 2 đường đi vào từ đê sông Đáy phía Tây và Quốc lộ 21B phía Đông. Con đê sông Đáy chạy qua làng tạo thành một tuyến đường dân sinh quan trọng, đồng thời cũng là nơi họp chợ của một vùng rộng lớn không chỉ dành riêng cho làng Chuông mà còn một số xã xung quanh như Văn La, Kim Thư, Cao Dương. Con đê làng cũng là nơi bà con làm nghề nón lá thường phơi lá lụi ở công đoạn xử lý nguyên liệu.
Theo các bậc cao niên trong làng, xưa kia, làng Chuông sản xuất nhiều loại nón, dùng cho nhiều tầng lớp như nón ba tầm cho các cô gái, nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp cho các chàng trai và những người đàn ông sang trọng.
Trước thế kỷ 20, những sản phẩm nón lá truyền thống của làng Chuông gồm nón ba vòng. Đây là loại nón gần giống nón quai thao nhưng có ba vòng đấu, có thành tương đối nông. Nón có kích thuớc to và dành cho người nông dân làm đồng nên không được khâu kỹ. Nón thứ hai là nón thúng (quai thao) có vành rất rộng, hai bên buộc thao dành cho các cụ già đội đi chùa.
Một loại nón cổ truyền khác là nón lá già ghép sống. Đây là loại nón có từ rất lâu cùng thời với chiếc nón quai thao. Nón có ba vòng đấu, làm bằng lá hồ, khâu bằng móc đen rứa đen. Loại nón này rất chắc chắn nên có thể dãi dầu mưa nắng cùng người trên đồng với rất nhiều công dụng khác nhau.
Một sản phẩm từ nón lá.
Để làm ra một chiếc nón, người dân cần phải tỉ mỉ ngay từ những công đoạn đầu tiên lựa chọn nguyên liệu làm nón lá. Nguyên liệu làm nón thường là lá cọ, lá buông – một loại lá họ hàng với lá cọ. Lá làm nón không được quá non cũng như không quá già.
Lá được lựa chọn sẽ phơi nắng vài ngày để lá chuyển từ màu xanh sang trắng. Lá sau khi được phơi khô sẽ được tước nhỏ hay còn gọi là rẽ lá. Đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận của người làm nón.
Tiếp theo là công đoạn đem lá đi là phẳng. Trong công đoạn này người thợ cần miết sao cho tấm lá thật phẳng, nhẵn mà không bị giòn, bị rách. Giai đoạn này quyết định rất nhiều đến chất lượng nón.
Lá được làm phẳng sẽ được chuyển tiếp sang giai đoạn làm khung và quay nón. Khâu nón (thắt nón) được coi là công đoạn rất khó đòi hỏi sự khéo léo của mỗi người bởi nếu không khéo lá sẽ bị rách. Mũi thắt của người làng Chuông mau chứ không thưa như nón ở nơi khác, mười sáu vòng được bứt rất tròn, không vênh không méo. Cạp nón hay còn gọi là nức nón là công đoạn hoàn tất việc khâu.
Để làm ra một chiếc nón vừa tinh xảo, vừa bắt mắt, người thợ có thể dùng chỉ cước nhiều màu hoặc vẽ lên nón những hình ảnh sinh động mô tả cuộc sống đồng quê bình dị hay đơn giản chỉ là hình ảnh của ngôi sao vàng 5 cánh trên nền đỏ của lá cờ Tổ quốc. Tất cả những điều này làm chiếc nón mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Trước đây, nghề làm nón lá phát triển mạnh mẽ, cả làng bao gồm già trẻ gái trai và cả trẻ con đều tham gia làm nón. Thời gian gần đây, thị trường ít đi, trong làng chỉ còn một số ít hộ theo nghề sản xuất phục vụ những sản phẩm sáng tạo (nón quai thao, nón lụa nhiều màu), lưu niệm (nón các kích cỡ, màu sắc), trang trí nội thất (đèn lồng dạng nón, treo tường ở nhà hàng, quán giải khát, đồ đạc nội thất như bàn trà…) và trang trí đường phố (trang trí cảnh quan các khu phố đi bộ ở Hà Nội).
Hiện nay, chính quyền địa phương đã xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch làng nghề gắn với tìm hiểu, trải nghiệm văn hoá địa phương, nhằm góp phần nâng cao giá trị kinh tế địa phương và gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống và các giá trị văn hóa dân tộc.