Tránh đặc quyền doanh nghiệp nhà nước

Có thể nói, tư duy “kinh tế nhà nước là chủ đạo” sẽ cản trở quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, bởi các nguồn lực của nền kinh tế khó có thể hướng vào những nơi có hiệu quả nhất.

Có thể nói, tư duy “kinh tế nhà nước là chủ đạo” sẽ cản trở quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, bởi các nguồn lực của nền kinh tế khó có thể hướng vào những nơi có hiệu quả nhất.

Tư duy “kinh tế nhà nước là chủ đạo” rõ ràng đã tạo lập môi trường kinh doanh thiếu sự cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch và lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, khiến khu vực tư nhân khó có cơ hội tiếp cận các nguồn đầu vào và cơ hội kinh doanh một cách bình đẳng.

Theo lý thuyết, để các nguồn lực phân bổ hợp lý, cơ cấu kinh tế có hiệu quả, nâng cao được hiệu quả kỹ thuật và hiệu quả phân bổ, cần sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận và quyền sử dụng các nguồn lực quốc gia, cũng như về quyền tự do kinh doanh giữa các thành phần kinh tế,

Lâu nay chúng ta thường nói, sử dụng doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty lớn, làm “công cụ ổn định kinh tế vĩ mô”, “công cụ định hướng và điều tiết vĩ mô”.

Tuy nhiên, đây lại là tư duy thiếu cơ sở, bởi bản chất DNNN là một thành viên của nền kinh tế, giống như mọi doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nước ngoài khác, chứ không phải là một thành tố của công cụ hay chính sách kinh tế vĩ mô. Việc trao trọng trách công cụ điều tiết hay bình ổn kinh tế vĩ mô cho DNNN đã biến một thành viên kinh tế (đáng lẽ phải bình đẳng như các doanh nghiệp khác) có được ưu thế tuyệt đối so với các thành viên kinh tế còn lại, theo đó các nguồn lực nghiễm nhiên bị phân bổ méo mó về một phía.

Một số hệ lụy có thể xảy ra: Bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh, trong tiếp cận các nguồn lực của nền kinh tế; tình trạng độc quyền và kém hiệu quả của các DNNN; tình trạng giá cả được điều tiết (như giá điện, giá xăng) bị bóp méo, không phản ánh đúng tín hiệu thị trường và dẫn đến những cú sốc giá đến nền kinh tế; sự chèn ép khu vực tư nhân trong nước, trong khi khu vực này cần mau chóng mạnh lên để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài đang thâm nhập vào nền kinh tế theo các cam kết hội nhập...

Thậm chí, những hoạt động đầu tư của các DNNN ra ngoài ngành vào những lĩnh vực mạo hiểm như chứng khoán, bất động sản để tìm kiếm lợi nhuận, đã đi ngược lại vai trò “công cụ ổn định kinh tế vĩ mô”.

Tư duy “kinh tế nhà nước là chủ đạo” cũng đang bị các nhóm lợi ích tận dụng triệt để cho lợi ích của một số cá nhân có liên quan. Đây là miếng đất màu mỡ để tạo ra các mối “quan hệ” vây quanh các tập đoàn và tổng công ty nhà nước nẩy nở và phát triển.

Thực trạng này đã dẫn đến sự ra đời và lớn mạnh nhanh chóng của một số doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam, phất lên nhanh chóng không phải từ tiến bộ khoa học - công nghệ, tăng năng suất lao động, bảo vệ môi trường mà chủ yếu do khai thác các tài nguyên đất đai, gỗ, mỏ, biển...

Những ông chủ doanh nghiệp này mặc nhiên tự cho mình có những đặc quyền riêng, trong không ít trường hợp đã thiếu tôn trọng pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Sự phát triển lệch lạc này khiến khu vực kinh tế tư nhân phát triển không bền vững, không phù hợp với tăng trưởng xanh và phát triển hài hòa các lợi ích của xã hội.

Muốn tái cơ cấu thành công nền kinh tế, muốn các nguồn lực được phân bổ một cách hiệu quả nhất cho tăng trưởng nhanh và bền vững, không thể không thay đổi tư duy về kinh tế nhà nước, theo hướng: Khu vực kinh tế nhà nước chỉ tập trung khắc phục những khuyết tật chủ yếu của kinh tế thị trường nhằm điều tiết hiệu quả nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường; Nhà nước chỉ tham gia vào những lĩnh vực kinh tế mà khu vực tư nhân không muốn tham gia hoặc không thể tham gia; tăng cường cung cấp và nâng cao chất lượng dịch vụ công; đẩy nhanh sự thoái lui của Nhà nước trong vai trò chủ đầu tư và chủ sở hữu doanh nghiệp, cũng như giảm dần, tiến tới xóa bỏ bao cấp, lợi thế về quyền và cơ hội kinh doanh dành riêng cho các DNNN; nâng cao vai trò định hướng, kiến tạo hỗ trợ phát triển và nâng cao năng lực quản lý kinh tế vĩ mô của Nhà nước, nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thân thiện đối với mọi thành phần kinh tế khác nhau.

Đổi mới tư duy về vai trò của khu vực nhà nước, cũng cần đổi mới tư duy về khu vực tư nhân. Khu vực kinh tế tư nhân không chỉ được coi là “một trong những động lực phát triển của nền kinh tế”, mà cần khẳng định là “động lực cơ bản”, nhằm tạo ra được những bứt phá trong phát triển kinh tế phù hợp với xu thế của nền kinh tế thị trường hiện đại trong bối cảnh đẩy nhanh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Các tin khác