Lạm phát tăng nhưng không chắc chắn
Dù Trung Quốc đã nới lỏng chính sách Zero Covid, nhưng dư luận vẫn hoài nghi về việc khi nào nước này sẽ gỡ bỏ hoàn toàn chính sách này. Tuần cuối cùng của năm 2022, Trung Quốc đã bỏ hầu hết yêu cầu xét nghiệm Covid, ngừng truy vết và ngưng thông báo số ca nhiễm.
Trong khi đó, Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương Trung Quốc (CEWC) đã nhắc lại cam kết của chính phủ về “cải thiện tổng thể” và “tăng trưởng hợp lý” cho nền kinh tế vào năm 2023. Tại hội nghị này, đa số đồng thuận tăng trưởng tiêu dùng nội địa của Trung Quốc năm 2023 từ khoảng 0% năm 2022 lên khoảng 7%, và mức sử dụng năng lượng sẽ tăng khoảng 10%.
Do đó, giới đầu tư đang quan tâm liệu Việt Nam có thể hưởng lợi như thế nào từ sự phục hồi tiêu dùng của Trung Quốc, dù có nhiều lo ngại việc Trung Quốc mở cửa có thể làm gia tăng lạm phát ở Việt Nam và toàn cầu. Nhiều nhà kinh tế học cho rằng, việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể làm gia tăng lạm phát, nhưng không có sự đồng thuận cao.
Song trước mắt, theo các nhà kinh tế tại Fed San Francisco, sự phục hồi của sản xuất ở Trung Quốc có thể giúp giảm bớt căng thẳng chuỗi cung ứng đang chiếm khoảng một nửa tỷ lệ lạm phát hiện tại của Mỹ.
Đối với Việt Nam, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ gây áp lực lên giá lương thực và năng lượng (chiếm gần một nửa trong rổ CPI của Việt Nam), bởi một số nhà kinh tế học Trung Quốc có uy tín dự đoán giá thịt heo Trung Quốc sẽ tăng 20% trong năm tới.
Trước đây, giá thực phẩm Trung Quốc tăng cao có thể khiến giá thực phẩm Việt Nam tăng, do 2 nước có khoảng cách địa lý gần nhau, nhưng có một số yếu tố có khả năng hạn chế gia tăng tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc (bao gồm cả lạm phát giá lương thực) trong nửa đầu năm 2023. Đó là lệnh phong tỏa bắt buộc của Chính phủ Trung Quốc dường như nhường chỗ cho phong tỏa tự nguyện ở các thành phố (chiếm khoảng 80% lượng tiêu thụ của cả nước), do chính người dân cũng lo ngại bị nhiễm Covid khi các bệnh viện của nước này quá tải.
Do đó, hoạt động kinh tế và áp lực giá cả ở Trung Quốc đều có khả năng diễn biến xấu và chạm đáy vào thời điểm nào đó trong quý I-2023. Các nhà dịch tễ học tại Đại học Hồng Kông dự đoán làn sóng Covid sắp tới của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào khoảng cuối tháng 1.
Thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam
Trong khi đó, kỳ vọng việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam hơn 2% vào năm tới, do lượng khách du lịch Trung Quốc trở lại vào nửa cuối năm 2023. Vietnam Airlines đã nối lại các chuyến bay đến Trung Quốc vào ngày 9-12, và khách du lịch Trung Quốc chiếm 1/3 tổng lượng khách du lịch của Việt Nam trước Covid.
Dự báo, Trung Quốc mở cửa trở lại trong năm tới sẽ chỉ tác động đến lạm phát ở mức thấp, trong khi lạm phát của thế giới đã đạt đến đỉnh điểm và hiện đang giảm dần. Vì thế, tác động quan trọng nhất của việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với Việt Nam, là lượng khách du lịch từ quốc gia này có khả năng trở lại bình thường trong nửa cuối năm 2023.
Du lịch nước ngoài đóng góp khoảng 10% GDP của Việt Nam trước đại dịch Covid, và lượng khách du lịch nước ngoài đang trên đà đạt mức tăng trưởng 25% trong năm nay. Chúng tôi kỳ vọng lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam sẽ đạt trên 50% so với mức trước Covid vào năm 2023, dựa trên giả định rằng lượng khách du lịch Trung Quốc sẽ trở lại bình thường vào nửa cuối năm nay.
FDI vẫn được hưởng lợi
Một số nhà đầu tư có những lo ngại việc nền kinh tế của Trung Quốc mở cửa trở lại có thể làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, điều này khó có khả năng xảy ra vì 2 yếu tố: Trung Quốc đã mất đi sức hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia đến đầu tư, và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã leo thang đáng kể trong năm 2022.
Việc quốc gia này mất sức cạnh tranh xuất phát từ chính sách không nhất quán trong chiến lược phòng chống Covid. Trong khi đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã thúc đẩy các công ty đa quốc gia chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, hoặc thành lập nhà máy mới tại Việt Nam thay vì Trung Quốc.
Bằng chứng là thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng gấp 3 lần, từ 25 tỷ USD trong 9 tháng năm 2018 lên 75 tỷ USD trong 9 tháng năm 2022. Trong khi thâm hụt thương mại của nước này với Trung Quốc tăng từ 19 tỷ USD lên đến 52 tỷ USD trong cùng khoảng thời gian đó.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Biden đã leo thang căng thẳng thương mại với Trung Quốc trong năm 2023, bằng cách tuyên bố gia hạn vô thời hạn thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, cùng với đó là các biện pháp nghiêm khắc khác, bao gồm cấm người Mỹ làm việc tại một số nhà máy sản xuất chip ở Trung Quốc.
Thật ra, những yếu tố cơ cấu mạnh mẽ thúc đẩy dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam đã xuất hiện trước căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và các tổ chức khác, mức lương tại nhà máy ở Việt Nam chỉ bằng khoảng 2/3 so với ở Trung Quốc, nhưng chất lượng lực lượng lao động của Việt Nam tương đương với Trung Quốc.
Ngoài ra, Nhật Bản và Hàn Quốc, chiếm hơn một nửa dòng vốn FDI của Việt Nam, đều đang phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng về cơ cấu dân số và các vấn đề kinh tế nan giải khác, buộc các công ty ở cả 2 nước phải đầu tư ra nước ngoài.
Lợi ích Việt Nam sẽ có được khi Trung Quốc mở cửa trở lại, có thể là mức tăng khoảng 2% cho tăng trưởng GDP năm 2023, được tạo ra bởi lượng khách du lịch Trung Quốc quay trở lại.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu