PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, năm 2024 thế giới sẽ có những biến chuyển gì, và tác động của nó tới kinh tế trong nước?
TS. Nguyễn Đình Cung: - Mọi dự báo đều cho rằng kinh tế thế giới 2024 có cải thiện, nhưng không đáng kể so với 2023, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn hiện hữu. Cục diện thế giới tiếp tục chuyển động theo xu hướng “đa cực, đa trung tâm”. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa chậm lại, đang có sự cắt khúc, phân mảng và đang thiên về nội khối.
Đặc biệt, kinh tế thế giới đang có xu hướng mới, như chuyển đổi số và kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế thông minh. Các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong các ngành công nghệ cao, đang có xu hướng hồi hương dịch chuyển sản xuất về gần nhà và sang các nước đồng minh thân cận, thậm chí về hẳn sân nhà để quản lý rủi ro và giảm chi phí vận hành.
Các quy chuẩn, tiêu chuẩn xanh, giảm phát thải… sẽ ngày càng được áp dụng phổ biến. Đáng chú ý, xu thế đưa ra rào cản hạn chế thương mại gia tăng, áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu giảm, những biện pháp tạo thuận lợi thương mại đang ít đi, trong khi cầu thế giới phục hồi yếu ớt.
Những diễn biến trên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế trong nước, tạo thách thức lớn đối với các sản phẩm cũng như xuất khẩu của Việt Nam, từ đó tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước. Dù vậy, cần khẳng định rằng, chúng ta đã nỗ lực vượt qua năm 2023 đầy thách thức, khó khăn và áp lực lớn cho công tác điều hành.
Kết quả, tình hình kinh tế tốt dần lên qua từng tháng, qua từng quý. Tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước. Năm 2024, với dự báo kinh tế thế giới sẽ khả quan hơn, trong nước các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn, tăng trưởng kinh tế năm 2024 vẫn tiếp tục duy trì.
Để vượt qua thách thức, khó khăn, đạt được kết quả như kỳ vọng, phải nhìn thẳng vào hiện thực khách quan, đánh giá đúng thực tế, xác định trúng vấn đề để có những quyết sách đúng đắn.
Song điều cần lưu ý, tôi không dùng từ phục hồi mà dùng từ “có cải thiện”, để nói về tình hình kinh tế và tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Phục hồi tức phải được bằng trước và hơn trước. Tăng trưởng kinh tế 2023 đã tốt hơn nhưng chưa bằng những năm trước đó.
- 2024 và 2025 là 2 năm cuối trước khi nền kinh tế bước sang giai đoạn kế hoạch mới. Bên cạnh việc đưa ra dự báo, ông có nhấn mạnh gì về triển vọng những năm tới?
- Trong bối cảnh dự báo nhiều khó khăn hơn là thuận lợi, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục với năm đầy khó khăn, dự báo tăng trưởng GDP 2024 có khả năng ở mức 5,5%. Như vậy, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% của kế hoạch 2021-2025 trở thành thách thức. 2024 là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, nếu tăng trưởng GDP đạt 6%, thì năm 2025 GDP phải tăng tới 12% mới đạt mục tiêu nhiệm kỳ. Nhưng chưa bao giờ kinh tế Việt Nam tăng trưởng 10%, cao nhất là 9,5% năm 1995.
Theo tôi, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang đi xuống, suy giảm nhanh. Cứ 10 năm tăng trưởng lại giảm hơn 0,5 điểm %. Thông điệp này đã được nói nhiều lần và bây giờ vẫn phải nhắc lại. Đến nay đã thấy nguy cơ 10 năm tới đây tăng trưởng chỉ loanh quanh 5,5%.
Điều lo ngại nữa là đầu tư tư nhân đang rất thấp. Trước đây đầu tư tư nhân thường tăng 13-15% so với năm trước, nhưng năm 2023 chỉ tăng 2,7%. Nếu không thay đổi mạnh mẽ và có giải pháp cấp bách, chúng ta sẽ vẫn loay hoay rơi vào giai đoạn tăng trưởng thấp, không vượt được qua bẫy thu nhập trung bình.
Muốn đạt được mục tiêu và khát vọng, tăng trưởng phải đi lên, không phải đi xuống như thế này. Phải duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm, thậm chí trong nhiều thập niên tới.
Tóm lại, điều tôi lo ngại nhất là đầu tư tư nhân rất thấp. Và điều tôi quan tâm nhất là cải thiện môi trường kinh doanh. Bởi lẽ, nền kinh tế không có đầu tư không thể có tăng trưởng, không có phát triển, không thể tạo công ăn việc làm và năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế.
- Điều quan trọng nhất để đạt được mục tiêu của năm 2024 là gì, thưa ông?
- Năm 2024, Chính phủ nhấn mạnh và ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, nhưng không xem nhẹ ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là điểm khác trước. Trong nhiều năm qua, Chính phủ rút ra bài học là luôn ưu tiên ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Vì thế, để đạt mục tiêu tăng trưởng phải làm tốt hơn việc ổn định vĩ mô, tức ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên nền tảng ổn định vĩ mô.
Và để đạt mục tiêu phải thực hiện thật mạnh mẽ cải cách ở trong nước, trong đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, tận dụng các thuận lợi bên ngoài, thí dụ tận dụng được thị trường Mỹ và công nghệ của Mỹ. Đây là 2 yếu tố nước nào tận dụng được sẽ phát triển được. Đồng thời, phải xóa bỏ được tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm đang là một trong những rào cản lớn nhất hiện nay.
Năm nay với việc ban hành riêng Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ đã phát đi thông điệp: chọn cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên. Theo đó cải thiện môi trường kinh doanh sẽ mạnh mẽ hơn năm trước, sẽ giúp môi trường kinh doanh cải thiện đáng kể.
Đây là điều mà cộng đồng doanh nghiệp mong chờ nhiều nhất, lại là động lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ nhất và ít tốn kém nhất lại khích lệ đầu tư tư nhân. Nếu môi trường kinh doanh cải thiện nhanh, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời, doanh nghiệp, doanh nhân sẽ yên tâm đầu tư mở rộng, đầu tư mới để khi kinh tế thế giới thuận lợi hơn, họ sẽ tận dụng ngay được cơ hội mà bứt phá.
Khi đó sẽ phần nào bù đắp được những khó khăn do bối cảnh bên ngoài đem tới. Thực hiện tốt Nghị quyết 02 sẽ tăng niềm tin, tăng đầu tư tư nhân. Tôi tin như thế.
- Xin cảm ơn ông.