PHÓNG VIÊN: - Vấn đề nóng nhất, lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là tình trạng kinh doanh gặp khó khăn, trì trệ và DN đã “thấm đòn”. Ông đánh giá điều này như thế nào?
Ông PHAN ĐỨC HIẾU: - Nền kinh tế Việt Nam năm 2023 đã đi được nửa chặng đường với những nét thăng trầm rất đậm. Bối cảnh khó khăn hiện nay khác rất nhiều so với những thời điểm khó khăn trước đây. DN đang bị ảnh hưởng bởi những khó khăn trong và ngoài nước, tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, cùng những biến động về địa chính trị thế giới. Đặc biệt, sự cạnh tranh thu hút đơn hàng giữa các nước rất gay gắt. Một số chính sách toàn cầu mới về tăng trưởng xanh tạo ra khó khăn cho DN, như cơ chế đánh thuế CO2 đối với sản phẩm.
Sức chống chịu của DN tiếp tục bị bào mòn vì khó khăn liên tục, kéo dài. Bên cạnh đó xuất hiện tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám quyết định. Tình hình này sẽ ảnh hưởng không chỉ đến hoạt động kinh doanh, còn đến tinh thần kinh doanh của DN. Trong bối cảnh này, việc đẩy mạnh cải cách thể chế, giảm chi phí tuân thủ có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Việc này trực tiếp giúp DN giảm gánh nặng chi phí, qua đó giúp họ giảm bớt khó khăn, có thêm cơ hội cầm cự, tái cơ cấu và phục hồi khi có thời cơ. Lớn hơn nữa, cải cách thể chế còn giúp nâng cao khả năng hấp thụ các chính sách hỗ trợ của DN, theo đó nâng cao hiệu quả từ chính sách hỗ trợ đó và ngược lại.
- Đẩy mạnh cải cách thể chế đã được xác định từ lâu. Nhưng tại sao thời điểm này nó lại rất quan trọng và liệu có thách thức gì, thưa ông?
- Luật pháp cũng có mặt trái mang lại tác động không mong muốn, đó là tạo ra chi phí tuân thủ và thủ tục hành chính. Về lý thuyết có 5 loại chi phí có thể bị tạo ra từ quy định pháp luật: chi phí tuân thủ pháp luật, chi phí nộp phí lệ phí, chi phí đầu tư, chi phí cơ hội và chi phí không chính thức.
Trong các chi phí này, chi phí tuân thủ đôi khi rất lớn và tạo ra sự tác động không cân xứng giữa các DN có quy mô khác nhau. Đơn cử, quy định về PCCC yêu cầu trang bị xe và tàu chữa cháy riêng tại từng DN cảng biển...
Ngoài cắt giảm chi phí tuân thủ từ những quy định đã ban hành, thách thức hiện nay là lo ngại những quy định mới mà theo đó DN sẽ tốn thêm chi phí tuân thủ. Như dự thảo quy định về tái chế đối với sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu (Fs).
Theo dự thảo, DN không tự tái chế sẽ phải nộp một khoản tiền cho Quỹ Bảo vệ môi trường, có thể lên đến hàng tỷ đồng. Hoặc dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến vừa tăng thuế suất vừa mở rộng một số mặt hàng mới thuộc diện chịu thuế, cũng gây ra lo lắng làm tăng chi phí rất lớn cho DN.
- Theo ông làm cách nào để đẩy mạnh cải cách thể chế, thực hiện nghiêm, hiệu quả Công điện 644, và Nghị quyết 105?
Cải cách thể chế để giảm gánh nặng thủ tục và chi phí là hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Vấn đề là cần thực hiện thực chất, nghiêm túc các biện pháp về cải cách thể chế.
- Điều rất vui là liên tiếp mấy ngày gần đây Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã ban hành biện pháp quyết liệt và mạnh mẽ về cải cách thể chế.
Mừng hơn nữa, các giải pháp trong đó đều nhằm mục tiêu hướng đến giải quyết các yêu cầu và thách thức cải cách thể chế như nêu trên. Đó là Công điện 644 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân và DN, và Nghị quyết 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Tôi đánh giá rất cao các quyết sách này vì đây không chỉ là giải pháp mà có thể còn là liều thuốc tinh thần cho cộng đồng DN. Các quyết sách này của Thủ tướng và Chính phủ có 3 điểm nhấn mạnh mẽ về cải cách thể chế nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ.
Thứ nhất, công điện yêu cầu: Loại bỏ ngay theo thẩm quyền những thủ tục hành chính đang là rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025, cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% thủ tục hành chính nội bộ và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ.
Thứ hai, công điện nhấn mạnh đến giảm chi phí tuân thủ pháp luật đối với quy định ban hành mới. Tại công điện, Thủ tướng yêu cầu: “Kiên quyết chỉ ban hành và duy trì thủ tục hành chính thật sự cần thiết, với chi phí tuân thủ thấp”. Thậm chí, Nghị quyết 105 mạnh mẽ hơn khi yêu cầu: Tuyệt đối không ban hành quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết, trái quy định cho DN, người dân.
Thứ ba, xử lý triệt để, dứt điểm các phản ánh, kiến nghị của người dân, DN về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, để phản ứng chính sách kịp thời trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.
Công điện 644 và Nghị quyết 105 là quyết sách quan trọng trong bối cảnh hiện nay, và quan trọng hơn nữa là phải thực hiện nghiêm và hiệu quả các quyết sách này. Tôi kiến nghị Thủ tướng cần tăng cường giám sát, đôn đốc và thúc đẩy việc thực hiện công điện và nghị quyết này. Các cơ quan có liên quan cần thực chất thực thi quyết liệt các nhiệm vụ được giao.
Tôi cũng có đề nghị thêm giải pháp về kiểm soát việc ban hành các quy định mới làm gia tăng chi phí tuân thủ. Trường hợp quy định đó cần thiết phải được ban hành nhưng nếu thực sự chưa cấp bách, không nên ban hành trong giai đoạn khó khăn này.
Nếu buộc phải ban hành cần có lộ trình áp dụng phù hợp để DN có thời gian ổn định sức khỏe và chuẩn bị phương án tuân thủ. Nếu buộc phải thực hiện sớm, thực hiện ngay thì nên có phương án hỗ trợ tài chính trực tiếp cho DN về chi phí tuân thủ.
- Xin cảm ơn ông.