ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. TRẦN DU LỊCH, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia về vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, lãi suất cao là vấn đề nóng trong nửa cuối năm 2022 cho đến nay. Ông đánh giá thế nào khi NHNN liên tiếp hạ lãi suất điều hành?
TS. TRẦN DU LỊCH: - Trước khi bàn vấn đề lãi suất hiện nay, chúng ta nhìn lại từ giữa năm 2022 cho tới hết quý I-2023, vấn đề lãi suất và chính sách tiền tệ nói chung cơ bản phục vụ cho mục tiêu kiểm soát lạm phát; cùng với đó nâng sức chống chịu của nền tài chính quốc gia trong bối cảnh tác động của thị trường tài chính thế giới do lạm phát tăng và biến động giá của các đồng tiền mạnh.
Theo đó, lãi suất đã ở mức cao kéo dài ngay trong lúc nền kinh tế đang cần phục hồi. Điều này tạo ra điểm nghẽn hấp thụ vốn đối với DN. Tình hình đó tương đối cải thiện dần cho tới hết quý I-2023. Nhưng hiện nay, nguy cơ lạm phát vẫn còn và nguy hiểm hơn là kinh tế thế giới đang có dấu hiệu trì lạm. Đó là bối cảnh chung.
Tuy nhiên, để rõ hơn tình hình lãi suất trong nước, chúng ta phải nhìn vào tương quan giữa lãi suất và lạm phát. Chúng ta không thể so sánh lãi suất của Việt Nam với các nước bằng con số tuyệt đối để nói rằng cao hay thấp, mà phải xem xét tại thời điểm đó ở những nước chúng ta so sánh lạm phát và lãi suất như thế nào? Theo quan sát của tôi, ngay cả Mỹ, châu Âu khi so lạm phát và lãi suất, đa số không có lãi suất thực dương.
Lãi suất cho vay và huy động hiện so với chỉ số CPI còn thực dương rất cao, nên từ nay cuối năm phải tiếp tục giảm lãi suất mới nâng được sức cạnh tranh và tạo điều kiện cho DN mở rộng đầu tư.
Riêng Việt Nam, tính tới hết quý I, lãi suất huy động trung hạn của nhiều NHTM lên đến hơn 10%/năm, trong điều kiện chỉ số CPI khoảng 3,5-4%, có nghĩa lãi suất thực dương đến 7% hoặc hơn. Nếu vay vốn khi lãi suất thực dương 7-8%, khó DN nào có thể kinh doanh được.
Vì vậy, trong điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua, bài toán đối với NHNN làm sao ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nhưng phải kéo giảm được lãi suất. Tới nay, NHNN đã có 4 đợt điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để kéo giảm lãi suất. Điều này có nghĩa NHNN muốn nới lỏng chính sách tiền tệ, là tín hiệu tốt để thị trường có tính toán.
- NHNN đã 4 lần hạ lãi suất điều hành, nhưng các NHTM vẫn chưa đưa lãi suất về vùng thấp. Phải chăng “cây gậy” của NHNN không có nhiều tác dụng, thưa ông?
- Ở đây chúng ta phải nhìn nhận, lãi suất cho vay còn liên quan đến cung cầu. Do vậy DN có tình hình tài chính tốt mới được NH chào mời với lãi suất hấp dẫn. Nhưng có vấn đề không thể né tránh, là tình hình kinh tế thế giới và trong nước rất khó khăn nên một số DN không có nhu cầu vay vốn mở rộng đầu tư; còn những DN khó khăn về vốn, có nhu cầu vay thì lãi suất như hiện nay khá cao đối với họ; một số DN không đủ điều kiện vay, dù lãi suất nào họ cũng sẵn sàng vay nhưng lại không phải là đối tượng của NHTM.
NH nói hạ lãi suất nhưng DN không tiếp cận được, thực chất thủ tục NHTM cho vay vừa bảo đảm tính an toàn và theo đúng quy định, nên nhiều trường hợp họ không giảm lãi suất được. Đồng thời, dù Thông tư 02/2023 của NHNN cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, nhưng theo một số DN phản ánh, hệ thống tự động của NH vẫn cứ chuyển nhóm nợ và vì vậy họ không tiếp cận được vốn vay.
Song cũng không thể phủ nhận thực tế, các NHTM huy động lãi suất cao kỳ hạn dài, giờ phải chờ cuối năm nay hoặc đầu năm sau mới đáo hạn nên khó hạ lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, NHNN muốn kéo giảm mặt bằng lãi suất chung, song không phải tất cả NHTM đều có thanh khoản giống nhau.
Một số NH vẫn đang trong quá trình có tái cấu trúc, sức khỏe không phải hoàn toàn tốt, một số NH vẫn đang “dính” những trái phiếu DN cũ… Nếu kéo giảm lãi suất huy động từ 1 năm trở lên, họ sẽ không giữ được khách hàng, giữ được lượng tiền. Vì vậy họ bằng mọi cách sử dụng các công cụ huy động để duy trì lượng thanh khoản cần thiết.
- Vậy với mong muốn giảm lãi suất, theo ông biện pháp nào là hợp lý trong hoàn cảnh hiện nay? Và chính sách tài khóa lúc này có thể san sẻ gì với chính sách tiền tệ để đối phó với xu hướng tăng trưởng ảm đạm của nền kinh tế?
- Từ nay đến cuối năm vẫn thực hiện phương thức là phối hợp đồng bộ giữa 2 nhóm chính sách tài khóa và tiền tệ, tức thị trường vốn và thị trường tiền tệ phải phối hợp đồng bộ chúng ta mới thực thi được.
Không thể nhìn riêng rẽ về chính sách tiền tệ của NHNN mà phải đặt trong bối cảnh chung. Nhưng chính sách tài khóa hiện tại cũng có điểm khó. Bây giờ muốn hỗ trợ với chính sách tiền tệ chỉ có con đường là giải ngân nhanh đầu tư công. Nếu 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm nay giải ngân được sẽ tác dụng rất lớn, làm giảm áp lực của hệ thống tín dụng rất nhiều.
Trong tình hình thế giới còn bất ổn, những bước đi tương đối thận trọng từ đầu năm của NHNN là cần thiết. Việc giảm lãi suất từng bước như vậy không tạo sốc về tâm lý, tức vừa điều chỉnh vừa nhìn tín hiệu, thị trường để tiếp tục làm gì và không nên làm gì.
Tôi đánh giá cao Thông tư 02/2023 khoanh nợ, không chuyển nhóm nợ và Thông tư 03/2023 sửa đổi quy định về mua bán trái phiếu DN, gắn liền với nỗ lực giảm lãi suất của NHNN. Tuy nhiên, cần xem lại các phản ánh DN nêu lên về việc nợ vẫn nhảy nhóm có hay không để điều chỉnh. Đưa được 2 thông tư này đi vào thực tế cùng với nỗ lực giảm lãi suất, điểm nghẽn hấp thụ vốn mới gỡ được.
Tôi cho rằng, NHNN hạ lãi suất tái cấp vốn, hạ lãi suất tái chiết khấu… nhưng phải kèm theo với điều kiện mở rộng diện được tái cấp vốn. Còn nếu không, giảm lãi suất điều hành không phát huy tác dụng. Vì tái cấp vốn cần phải thẩm định dự án, phần lớn là dự án lớn. Những NH được tái cấp vốn là NH lớn, họ không cảm thấy hấp dẫn. Còn NH nhỏ cần vốn thì NHNN không tái cấp vốn được. Tôi nghĩ nếu làm được những việc như vậy, từ nay đến cuối năm sẽ ổn định hơn.
- Xin cảm ơn ông.