Trong bối cảnh các thị trường chứng khoán trên thế giới tăng trưởng tích cực, thậm chí các chỉ số trên thị trường chứng khoán Mỹ còn lập đỉnh mới, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã có tuần thứ 4 tăng điểm mạnh và thanh khoản cũng tăng cao.
Giới chuyên gia từ các công ty chứng khoán cho rằng, dư địa tăng tiếp theo của chỉ số VN-Index đã được mở ra trong tuần kế tiếp.
Đà tăng có thể được tiếp diễn
Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm trong tuần thứ tư liên tiếp với thanh khoản gia tăng và cao hơn mức trung bình 20 tuần cho thấy, dòng tiền có dấu hiệu quay trở lại thị trường.
Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đã vượt qua được ngưỡng kháng cự quan trọng quanh mốc 870 điểm, qua đó mở ra dư địa tăng tiếp theo lên vùng 895-900 điểm trong tuần tiếp theo.
Đây là nhận định của các nhà phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS).
Theo SHS, trong tuần giao dịch tiếp theo (từ 31/8-4/9), VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với vùng kháng cự trong khoảng 895-900 điểm (MA200 tuần).
Cũng có góc nhìn lạc quan, Công ty cổ phần Chứng khoán MB-MBS cho rằng, dòng tiền nội là điểm nhấn đáng chú ý hỗ trợ VN-Index vượt ngưỡng MA200 (Đường MA200 phản ánh quan điểm trong dài hạn của thị trường đối với một cổ phiếu do đó quan điểm này có độ tin cậy rất lớn) và vượt đỉnh của tháng 7 thành công bất chấp khối ngoại bán ròng.
Về kỹ thuật, đà tăng đang được củng cố và dòng tiền đã có sự dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu bluechips (cổ phiếu của một công ty lớn, có uy tín và tình hình tài chính tốt, đã hoạt động trong nhiều năm), chỉ số VN-Index sẽ có cơ hội hướng tới đỉnh tháng 6 trong tuần sắp tới.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) nhận định, nhiều khả năng thị trường sẽ xuất hiện một vài nhịp điều chỉnh trong những phiên tới trước khi tiếp tục đà tăng về khu vực từ 885-900 điểm.
Ông Trần Xuân Bách, Chuyên viên Phân tích và Chiến lược Thị trường của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt-BVSC dự báo tuần tới, thị trường sẽ điều chỉnh trong một vài phiên đầu tuần.
Chỉ số có thể lùi về kiểm định vùng hỗ trợ gần 860-868 điểm. Sau một nhịp tăng điểm mạnh từ vùng đáy 780-800 điểm, chỉ số hiện đang tiếp cận các vùng kháng cự mạnh trong bối cảnh nhiều nhóm cổ phiếu đã đi vào trạng thái quá mua.
Điều này có thể sẽ khiến thị trường xuất hiện các phiên rung lắc, điều chỉnh mạnh trong giai đoạn này.
Theo chuyên viên vĩ mô và chiến lược thị trường của BVSC, ông Lê Hoàng Phương, tuần qua (từ 24-28/8), VN-Index có 4 phiên tăng điểm và 1 phiên giảm điểm trước khi đóng cửa tuần ở mức 878,98 điểm.
Chỉ số này đã tăng 24,20 điểm (2,83%) so với cuối tuần trước. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index cũng tăng 3,20 điểm (2,61%) lên 125,84 điểm.
Giá trị giao dịch trung bình phiên tuần qua trên cả sàn HOSE và sàn HNX đều tăng, mức tăng lần lượt là 47,07% và 16,43% lên 6.871 và 933 tỷ đồng mỗi phiên.
Về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại có tuần bán ròng trên cả 2 sàn HOSE và HNX với giá trị lần lượt là 2.674 tỷ đồng và 17,98 tỷ đồng.
Trong tuần qua, các cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số VN-Index là VIC, PLX và VNM. Ngược lại, các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số tuần qua là VHM, DAT và HNG.
Theo thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội, hầu hết các nhóm cổ phiếu chính trong tuần qua đều diễn biến rất tích cực; trong đó, nhóm cổ phiếu dầu khí tăng mạnh nhất với mức 11,2% giá trị vốn hóa.
Các cổ phiếu như PLX tăng 12,4% , PVB (10,5%), PVD (6,7%), PVS (4,1%), OIL (3,9%), BSR (1,5%).
Nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin tăng 4,9% giá trị vốn hóa, chủ yếu nhờ mức tăng của các cổ phiếu trụ cột như FPT (5,3%), CMG (6,6%)...
Nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng tăng 2,9% giá trị vốn hoá với các mã tiêu biểu biểu như VCB tăng 0,6%, CTG (3,3%), BID (4,1%), MBB (3,5%), TCB (6,1%), ACB (0,9%), SHB (4,5%), VPB (7,8%)...
Các nhóm ngành khác như hàng tiêu dùng tăng 2,7%, dược phẩm và y tế tăng 2,5%, tiện ích cộng đồng (2,3%), tài chính (2,3%)...
Thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục mạnh trong tuần qua nằm trong bối cảnh các thị trường chứng khoán trên thế giới đi lên mạnh mẽ, thậm chí các chỉ số trên thị tường chứng khoán Mỹ còn đạt được kỷ lục mới.
Chứng khoán thế giới thăng hoa
Chứng khoán Phố Wall tiếp tục đà tăng mạnh mẽ trong phiên 28/8, với việc chỉ số Dow Jones xóa hết mức giảm điểm trước đó trong năm còn S&P và Nasdaq một lần nữa đạt kỷ lục mới.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/8, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,67% lên 28.653,87 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ sáu liên tiếp.
Chỉ số S&P 500 kéo dài đà tăng sang phiên thứ bảy liên tiếp khi tiến thêm 0,7% lên mức kỷ lục 3.508,01 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiến 0,6% và khép phiên ở mức kỷ lục mới là 11.695,63 điểm, đồng thời ghi dấu chuỗi tăng sáu phiên liên tục.
Theo giới quan sát, phần lớn tâm lý tích cực của thị trường có thể là nhờ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 27/8 nói rõ rằng họ sẽ duy trì lãi suất ở mức cực thấp miễn là cần thiết. Điều đó tiếp tục thúc đẩy các cổ phiếu tăng giá sau khi Phố Wall trải qua đợt lao dốc vào tháng Ba do COVID-19 gây ra.
Ngoài ra, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng cho biết ngân hàng sẽ không vội hạn chế đà tăng lạm phát ngay cả khi nó vượt quá mục tiêu 2%.
Thay vào đó, Fed sẽ xác định mức lạm phát trung bình phù hợp có tính đến các giai đoạn tăng giá yếu nhằm mang lại lợi ích cho các gia đình có thu nhập thấp hơn.
Việc để lạm phát tăng là nhằm mục đích thúc đẩy kiến tạo việc làm trong bối cảnh Fed chuyển hướng tập trung hơn tới mục tiêu "việc làm tối đa", do tỷ lệ thất nghiệp thấp không thể thúc đẩy hoạt động chi tiêu trong những năm gần đây.
Ông Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty dịch vụ tài chính OANDA nói rằng thông báo của Fed cùng với các biện pháp trước đó đồng nghĩa là ngân hàng trung ương sẽ còn hỗ trợ thị trường trong tương lai gần, khi nền kinh tế phục hồi sau tác động của đại dịch và có hy vọng về một vắc-xin COVID-19 trong năm nay.
Nhìn chung, chứng khoán Mỹ tiếp tục nới rộng đà tăng khi các chỉ số chính hầu như đều đi lên và liên tiếp lập đỉnh trong cả 5 phiên giao dịch. Duy nhất chỉ số công nghiệp Dow Jones có một phiên mất điểm trong ngày 25/8, nhưng ở mức khá thấp là 0,2%.
Mặc dù kinh tế Mỹ giảm mạnh do tác động của đại dịch COVID-19 và sự bế tắc trong đàm phán về gói kích thích kinh tế mới giữa Nhà Trắng với Quốc hội Mỹ, các chỉ số chính của Phố Wall vẫn tăng khá mạnh nhờ hy vọng về phương pháp điều trị COVID-19 và những dấu hiệu cho thấy nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đã phục hồi.
Tính trong cả tuần, chỉ số S&P 500 đã tăng 3,26% và là tuần giao dịch tốt nhất của chỉ số này kể từ tuần kết thúc ngày 2/7. Đây cũng là tuần tăng thứ 5 liên tiếp của S&P 500.
Nasdaq cũng ghi nhận chuỗi 5 tuần tăng điểm liên tiếp với mức tăng 3,39%. Chỉ số Dow tăng 2,59% cho cả tuần và đang hướng đến tháng tăng thứ năm liên tiếp. Kết thúc tuần giao dịch này, chỉ số Dow đã tăng 0,40% tính từ đầu năm tới nay, xoá đi hoàn toàn mức giảm điểm trước đó trong năm 2020.
Ngoài ra, chỉ số Dow và S&P 500 đều đang trên đà hướng tới tháng Tám tốt nhất kể từ năm 1984, khi hai chỉ số trên lần lượt tăng 9,78% và 10,63%.
Tại các thị trường chứng khoán châu Á, trong phiên giao dịch 18/8, đơn cử tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 45,67 điểm (0,2%), xuống 23.051,08 điểm.
Trong khi đó, tại thị trường Seoul, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc cũng hạ 59,25 điểm (2,46%), xuống 2.348,24 điểm, do giới đầu tư quan ngại về xu hướng gia tăng số ca mắc mới COVID-19 tại nước này.
Tuy nhiên, tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 lại tăng 47 điểm (0,77%) lên 6.123,40 điểm, chủ yếu nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu y tế và công nghệ thông tin.
Thị trường chứng khoán Wellington cũng tăng hơn 1% sau khi Chính phủ New Zealand quyết định hoãn thời điểm tiến hành cuộc tổng tuyển cử khoảng bốn tuần do sự gia tăng số ca mắc mới COVID-19.
Tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng ngả sắc xanh. Khép lại phiên này, chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt tiến 20,04 điểm (0,08%) và 12,29 điểm (0,36%), đóng cửa ở các mức 25.367,38 điểm và 2.298,45 điểm.