Gốc rễ vững vàng trên nền tảng ổn định
Cuối năm 2020, báo cáo tại Hội nghị Chính phủ và địa phương về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020), Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020 được thực hiện trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trên thế giới và khu vực ngày càng gay gắt; xung đột thương mại và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát trên toàn cầu, dẫn đến suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng nhất, kể từ sau đại khủng hoảng 1929-1933.
Bất chấp những thách thức to lớn đó, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành; sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Bên cạnh việc kiểm soát tốt dịch Covid-19, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện.
Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 bình quân 6,8%/năm; riêng năm 2020 đạt 2,91%, là mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015, GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD. Đáng lưu ý, năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30%-35%).
Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tăng trưởng đã từng bước chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, ngày càng dựa vào khoa học, công nghệ. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt nhiều kết quả; cơ cấu giữa các ngành và nội ngành tiếp tục chuyển dịch tích cực. Cùng kỳ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 18,6% năm 2011 xuống còn dưới 4% trong giai đoạn 2016-2020. Tỷ giá, thị trường ngoại hối khá ổn định; lãi suất có xu hướng giảm dần; cán cân thanh toán thặng dư, hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện.
Tập đoàn Hoa Sen xuất khẩu lô hàng 10.000 tấn tole đến châu Âu
Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đồng thời, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước cũng đạt kết quả tích cực. Tỷ trọng thu nội địa tăng lên 81,6% (giai đoạn 2011-2015 là 68,7%); tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng lên 27%-28%, tỷ trọng chi thường xuyên giảm còn 62%-63%. Bội chi ngân sách Nhà nước và nợ công được kiểm soát trong giới hạn an toàn và giảm so với giai đoạn trước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đạt khoảng 33,4%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2020 ước đạt 543 tỷ USD, xuất siêu 5 năm liên tiếp (năm 2020 ước đạt gần 20 tỷ USD).
Nhưng không chỉ ổn định kinh tế vĩ mô, chỉ số phát triển con người (HDI) của nước ta cũng liên tục được cải thiện, thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình cao của thế giới. Chỉ số phát triển bền vững năm 2020 của Việt Nam tăng 39 bậc so với năm 2016, xếp thứ 49/166 quốc gia và vùng lãnh thổ - là thành quả của những nỗ lực kiên định trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trái ngọt từ hội nhập
Dù đã được dự báo trước, nhưng số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan vẫn khiến nhiều nhà quan sát khá bất ngờ. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2020 lần đầu tiên vượt qua mốc 500 tỷ USD; trong đó, cả xuất khẩu và nhập khẩu cùng tăng trưởng dương với kim ngạch xuất khẩu cả năm tăng 7% so với năm 2019, tiếp tục xu hướng tăng trưởng xuất khẩu bền vững suốt 1 thập niên qua. Các con số ấn tượng này chính là những trái ngọt từ chủ trương chủ động mở cửa hội nhập, mà năm 2020 có thể xem là năm “hái quả”.
Bên cạnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, vào cuối năm 2020, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết, tạo nên một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP xấp xỉ 26,2 nghìn tỷ USD (khoảng 30% GDP toàn cầu). Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nói, đây là “cái kết có hậu sau 8 năm đàm phán căng thẳng”. Và, ngay trước thềm năm mới 2021, từ 23 giờ ngày 31-12-2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt - Anh (UKVFTA) cũng chính thức có hiệu lực.
Như vậy, đến nay Việt Nam đã ký kết các hiệp định tự do thương mại (FTA) có độ phủ rộng hầu hết châu lục, với gần 60 nền kinh tế, có tổng GDP chiếm khoảng 90% GDP thế giới. Kết quả giám sát chuyên đề của Quốc hội cho thấy, việc tham gia các FTA đã góp phần đưa nền kinh tế nước ta duy trì mức tăng trưởng cao từ 6%-7%/năm, kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Bên cạnh những tác động tích cực đã định lượng được, các FTA đã ký kết còn góp phần tạo nên tâm lý lạc quan trong cộng đồng doanh nghiệp, củng cố niềm tin kinh doanh, hứa hẹn triển vọng kinh tế tươi sáng.
Tại lễ công bố chỉ số niềm tin kinh doanh quý 4-2020, Chủ tịch EuroCham, ông Nicolas Audier, cho biết: “Lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu cảm thấy tích cực hơn cả về doanh nghiệp của họ cũng như môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam”. Bàn về triển vọng phát triển thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận định, năm 2021 với nhiều sự kiện trọng đại: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV; đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2025, chính là luồng gió mới, tạo ra hứng khởi mới cho một Chính phủ với nhiều nhân tố mới phát huy tinh thần quyết đoán, sáng tạo trong quản lý điều hành.
Nhận định này hoàn toàn phù hợp với đánh giá theo chiều hướng lạc quan của tất cả các tổ chức quốc tế và đa số các doanh nghiệp được hỏi ý kiến (thể hiện qua kết quả khảo sát niềm tin kinh doanh do Tổng cục Thống kê tiến hành đối với các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó 81% doanh nghiệp đánh giá quý 1-2021 sẽ “ổn định và tốt hơn” so với quý 4-2020).
Một giai đoạn mới đang mở ra, và Việt Nam với tinh thần chủ động chuẩn bị ứng phó linh hoạt trong mọi kịch bản, mọi tình huống, đang tự tin bước tới.