Hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện và đối thoại chính sách về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam với mục tiêu tạo ra một diễn đàn trao đổi về cơ hội, thách thức, cũng như khuyến nghị/hàm ý chính sách về tạo lập một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo liên kết chặt chẽ giữa ba bên là Đại học - Chính phủ - Thị trường.
Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của xã hội trên ba khía cạnh: (i) cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao giúp nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động; (ii) tạo ra nguồn tri thức mới, đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu và (iii) tạo hiệu ứng tích cực tới sự phát triển văn hóa, xã hội và môi trường (OECD, 2007). Để góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học và liên kết giữa các cơ sở giáo dục đại học, hội thảo hướng đến các mục tiêu cụ thể như: Xác định vai trò, thách thức và cơ hội trong việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam; Cập nhật thông tin, chính sách cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên về xây dựng và huy động các nguồn lực gắn với liên ngành để thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở các cơ sở giáo dục đại học; Chia sẻ những bài học tiêu biểu về đổi mới trong các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, ông Toby Libden, Giám đốc phụ trách Giáo dục khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương của WB cho biết, thực tiễn thành công của nhiều nước trên thế giới trong đổi mới sáng tạo đều cho thấy, hệ thống các trường đại học đóng vai trò đặc biệt quan trọng và là đối tượng cần được tập trung đầu tư cho phát triển.
Theo vị đại diện WB, các trường đại học chính là tác nhân của đổi mới, có ảnh hưởng lớn đối với quốc gia sở tại và khu vực. Các trường cộng tác với các tổ chức trong hệ sinh thái thông qua việc tài trợ và chia sẻ tài nguyên, kiến thức, năng lực. Các trường đại học đi đầu trong việc phát triển các khu vực đổi mới nói riêng và hệ sinh thái đổi mới nói chung, từ đó thiết lập sự hỗ trợ linh hoạt nhằm kết nối khu vực công - tư. Các trường đại học cũng thường xuyên đóng vai trò là tổ chức điều phối hoạt động của các bên liên quan trong hệ sinh thái, đồng thời cung cấp kỹ năng lãnh đạo và tầm nhìn.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng khẳng định, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, nghiên cứu và khởi nghiệp, kiến tạo một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên nền tảng đại học thông minh là xu hướng mới tất yếu, phù hợp với bối cảnh phát triển mới của giáo dục đại học trong thời kỳ CMCN 4.0 và là hướng đi bền vững cho các trường đại học tự chủ. “Xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, khẳng định và nâng cao vị thế thương hiệu ĐHBK Hà Nội trong khởi nghiệp, khởi nguồn và đổi mới sáng tạo đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trường trong giai đoạn 2021-2025”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nói.
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, tập trung đầu tư cho đổi mới sáng tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của trường.
Thực tế tại Việt Nam trong những năm qua cho thấy, vai trò của các trường đại học đối với đổi mới sáng tạo ở Việt Nam vẫn còn chịu những hạn chế nhất định. Nghiên cứu khoa học vẫn chưa thực sự gắn liền với nhu cầu của nền kinh tế. Nhà nước cần quan tâm khắc phục những hạn chế về nguồn nhân lực, định hướng và hỗ trợ tài chính cho R&D. Hiện Việt Nam đang thiếu các trường đại học có năng lực R&D mạnh thực sự. Nhìn vào các bảng xếp hạng đại học thế giới, Việt Nam chỉ có 2 - 3 trường, bao gồm ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, ĐHBK Hà Nội…, song cũng xếp ở nhóm thứ hạng chưa cao.
Do đó, các cơ chế, chính sách liên quan đến nghiên cứu khoa học cần thúc đẩy năng lực sáng tạo của cả tổ chức và cá nhân. Cần tăng cường các chính sách sử dụng, trọng dụng và đãi ngộ đội ngũ nhân lực này. Mức chi cho sự nghiệp khoa học - công nghệ còn chiếm tỷ lệ thấp và dàn trải ở các bộ, ngành, địa phương, chưa tập trung vào một số lĩnh vực công nghệ trọng điểm, then chốt. Chi tiêu R&D bình quân/người của Việt Nam hiện rất thấp so với các nước trong khu vực.
Một hạn chế khác là các trường đại học ở Việt Nam còn thiếu các văn phòng chuyển giao công nghệ, các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Phần lớn các trung tâm và bộ phận thương mại hóa công nghệ tại trường đại học không có tư cách pháp nhân nên khó vay vốn ngân hàng.
Do vậy, để thắt chặt mối liên kết “ba nhà” này, Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc đưa ra các chính sách hỗ trợ, làm cầu nối để trường đại học và doanh nghiệp hợp tác với nhau. Bên mua các sản phẩm và dịch vụ khoa học - công nghệ trong từng ngành, lĩnh vực hay vùng, miền là khác nhau và “cầu” của thị trường phụ thuộc vào nguồn thu nhập của người mua. Sức mua cao hay thấp sẽ ảnh hưởng đến việc chuyển giao kết quả nghiên cứu và phát triển vào sản xuất, kinh doanh, đỏi hỏi Nhà nước cần có chính sách điều chỉnh và cân bằng cung - cầu của thị trường.