Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới đã khiến xu hướng tìm kiếm đầu tư vào tài sản an toàn là ưu tiên số 1 của phần lớn nhà đầu tư. Trong bối cảnh đó, kênh đầu tư được nhắc đến đầu tiên là vàng.
Tuy nhiên, những ngày gần đây, giá vàng trên thị trường quốc tế lại đảo chiều giảm mạnh sau cuộc bầu cử tại Mỹ và thông tin lạc quan về vắcxin ngừa COVID-19.
Vàng, vốn được xem là một “rào cản” lạm phát và giảm giá tiền tệ, đã tăng 19% trong năm nay, chủ yếu được hưởng lợi từ thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 và các biện pháp kích thích kinh tế trên toàn cầu.
Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, hoạt động chuyển giao vào Nhà Trắng của ông Joe Biden chính thức bắt đầu và sự lạc quan về vắcxin ngừa COVID-19 đã làm lu mờ sức hấp dẫn của vàng như là “kênh đầu tư an toàn.”
Diễn biến đáng chú ý nhất là trong phiên giao dịch ngày 23/11, giá vàng thế giới rơi xuống mức thấp nhất của bốn tháng do báo cáo hoạt động kinh doanh của Mỹ tốt hơn mong đợi và các kết quả thử nghiệm vắcxin ngừa dịch COVID-19 đầy hứa hẹn đã thúc đẩy hy vọng về một sự phục hồi nhanh hơn cho kinh tế toàn cầu.
Phiên này, giá vàng giao ngay giảm 1,7% xuống 1.838,71 USD/ounce vào lúc 2 giờ 50 sáng 24/11 theo giờ Việt Nam, sau khi đã có lúc giảm 2,2% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 21/7 là 1.830,19 USD/ounce.
Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa thuộc Ngân hàng National Australia Bank Lachlan Shaw nhận định thị trường vàng đang chuyển sang một giai đoạn mới khi thông tin về vắcxin ngừa COVID-19 đang làm thay đổi những gián đoạn mà đại dịch COVID-19 gây ra và "những cơn gió ngược" đối với tăng trưởng mà thị trường vàng từng dựa vào để đi lên.
Theo ông Lachlan Shaw, nếu lợi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ giao dịch quanh mức hiện tại, rất khó để thấy vàng bứt phá và duy trì sự phục hồi mạnh mẽ sau đó, hướng đến mức giao dịch khoảng 1.900-2.000 USD/ounce.
Trong khi đó, nhà phân tích Edward Meir của ED&F Man Capital Markets cho biết giá vàng có thể “tìm” đến mức hỗ trợ gần 1.750-1.770 USD/ounce.
Kyle Rodda, nhà phân tích của IG Markets, cũng cho rằng việc giá vàng phá vỡ mốc 1.840 USD/ounce cho thấy giá kim loại quý này có thể giảm xuống 1.700 USD/ounce, trước khi người mua quay trở lại.
David Meger, Giám đốc mảng giao dịch kim loại tại High Ridge Futures cho biết, sự lạc quan hơn về nền kinh tế, dựa trên những tiến triển tích cực của việc nghiên cứu vắcxin ngừa dịch COVID-19 đã đưa nhiều nhà đầu tư ra khỏi trạng thái trú ẩn an toàn, qua đó khiến giá vàng đi xuống.
Việc thị trường bớt lo ngại về tình hình chính trị trong tương lai cũng đã làm giảm nhu cầu đối với các kênh đầu tư an toàn.
Giá vàng thế giới đã giảm gần 160 USD kể từ khi Công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ đưa ra những số liệu tích cực về thử nghiệm vắcxin ngừa dịch COVID-19, làm gia tăng hy vọng của các nhà đầu tư về sự phục hồi kinh tế nhanh chóng và thúc đẩy họ tìm tới những tài sản mang tính rủi ro hơn.
Trước đó, nhiều dự báo từ giới phân tích tài chính trên thế giới đã đưa ra cho thấy, vàng không khó để lấy lại ngưỡng 2.000 USD/ounce vào cuối năm nay. Thậm chí, một số dự báo còn cho rằng, giá vàng sẽ tăng lên mức 2.100-2.200 USD/ounce trong quý đầu năm 2021, khi chính sách tài khóa và tiền tệ ở các nước phát triển tiếp tục đẩy lãi suất xuống thấp và thúc đẩy nhu cầu phòng ngừa lạm phát.
Trên thực tế, thị trường đang diễn biến ngược lại với những đoán định này. Giá vàng thế giới đang lùi dần về ngưỡng 1.800 USD/ounce. Còn giá vàng trong nước đã lần lượt rời khỏi các mốc 56 rồi đến 55 triệu đồng/lượng, từ mức 62 triệu đồng/lượng đạt được hồi đầu tháng 8 vừa qua.
Ở thị trường trong nước, giá vàng luôn bám sát theo giá vàng thế giới những ngày qua. Tuy nhiên, thị trường vàng hầu như không có diễn biến bất thường.
Theo tiến sỹ Cấn Văn Lực, tại Việt Nam, do niềm tin vào triển vọng nền kinh tế và kết quả kiểm soát dịch COVID-19 mà giao dịch thị trường vàng trong nước không có nhiều đột biến dù giá vàng cũng tăng nhanh theo xu hướng chung của thế giới.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn tuyên bố sẵn sàng các kịch bản ứng phó, can thiệp thị trường nếu cần thiết - dù khả năng là không cao.
Thực tế cho thấy giá vàng trong nước có thời điểm tăng, giảm rất mạnh nhưng người dân vẫn không “mặn mà” với vàng. Thị trường có sôi động nhưng không xuất hiện những giao dịch đột biến.
Anh Lê Văn Tạo là một người dân ở Hà Nội từng đầu tư vàng vào những năm 2011-2012. Đợt biến động giá vàng tháng 8 vừa qua, anh Tạo mới có cơ hội đi bán số vàng còn lại để “cắt lỗ.” Bán gần 20 lượng vàng với giá 60 triệu đồng/lượng, anh Tạo thấy may mắn vì đã giải quyết được khoản “tiền chết” suốt nhiều năm. Đó là bài học lớn và anh Tạo không còn hứng thú với vàng.
Anh Tạo chia sẻ: “Nếu cách đây hơn 2 tháng thấy dự báo giá vàng sẽ tăng tiếp mà giữ lại chờ giá lên mới bán hoặc đi mua tiếp tích trữ thì hôm nay tôi lại vấp phải “trái đắng” của 10 năm trước. Nên thôi, không nên mạo hiểm với kênh đầu tư đầy rủi ro này.”
Giới phân tích cũng đánh vào thời điểm này vàng không phải là kênh đầu tư dễ kiếm lời, trái lại tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, đầu tư vàng trong năm 2020 có cơ hội để sinh lời. Tuy nhiên, hiện thị trường vàng đang trong trạng thái dao động rất khó đoán định.
Giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới hơn 4 triệu đồng/lượng, một mức chênh lệch khá cao, chứng tỏ thị trường đang có sự rủi ro cao.
"Hơn nữa, tình hình giá vàng trên thế giới và tại Việt Nam sẽ tiếp tục biến động khó lường. Do vậy, đầu tư vào vàng tại thời điểm này cũng khá mạo hiểm," tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nói.
Còn theo tiến sỹ Cấn Văn Lực, nhà đầu tư đã và đang thực hiện chiến lược đầu tư an toàn hơn, đa dạng hóa danh mục đầu tư. Một trong số đó là kim loại quý vàng. Thời gian qua, giá vàng trên thị trường quốc tế biến động mạnh, tuy nhiên, xét tổng thể, đầu tư vàng được dự báo ẩn chứa nhiều rủi ro.