PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, giá vàng thế giới tuần qua đã vượt 1.800USD và giá vàng trong nước trên 50 triệu đồng/lượng. Nhận định của ông về diễn biến này?
Ông TRẦN THANH HẢI: - Theo chân giá vàng thế giới chọc thủng các mức cản kỹ thuật 1.788USD/ounce và 1.800USD/ounce, lên 1.808-1.810USD/ounce, giá vàng trong nước đã tiến dần đến mốc 51 triệu đồng/lượng.
Như vậy, vàng trong nước đã vượt qua mức cản tâm lý 50 triệu đồng/lượng. Thời điểm tháng 9 và 10-2011, giá vàng chớm trên 49 triệu đồng/lượng chỉ vài giờ đồng hồ, sau đó tuột dốc gần 10 năm từ năm 2011 đến 2020. Kể từ đó, giá vàng chưa bao giờ bước qua con số 49,5 triệu đồng/lượng.
Với diễn biến liên tục giữ mức trên 50 triệu đồng/lượng từ đầu tuần trước đến nay, có thể nói giá vàng SJC đã hình thành mặt bằng giá mới.
Mặt bằng giá trên được củng cố bởi nhiều yếu tố. Thứ nhất, giá vàng thế giới vẫn đứng ở mức cao và đang trong xu thế tăng, vì dịch Covid-19 chưa có điểm dừng và thế giới chưa tìm được vaccine phòng ngừa.
Thứ hai, nền kinh tế Mỹ vẫn còn lao đao vì dịch Covid.
Thứ ba, xung đột Mỹ - Trung, xung đột Mỹ - Triều vẫn đang âm ỉ.
Thứ tư, như tôi đã nói, giá vàng vượt qua ngưỡng tâm lý nếu so sánh với mức giá trên 49 triệu đồng vào tháng 9 và 10-2011, đồng thời mức giá trên 50 triệu đồng/lượng đã đứng vững nhiều ngày liên tục.
Thứ năm, giá vàng thế giới và giá vàng SJC đang tiệm cận và song hành với nhau.
Điều này khác với thời điểm tháng 9 và 10-2011, khi đó giá vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới trên 3 triệu đồng/lượng, có nghĩa hy vọng vàng sẽ trở về giá trước đây, theo tôi không có cơ hội.
- Ông dự báo giá vàng sẽ tăng đến mức nào?
Đầu tư vàng trong ngắn hạn là kênh tương đối hấp dẫn, nhưng đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức và thời gian để theo dõi chốt lời, cắt lỗ kịp thời. |
Quan sát từ đầu tháng 7, giá vàng SJC đã theo sát giá vàng thế giới và hoàn toàn không có điểm chênh lệch. Kịch bản trong ngắn hạn, tôi thấy hiện nay giá vàng vẫn đang trong vùng tăng giá.
Ngoài ra, việc củng cố của giá vàng thế giới cũng như trong nước còn có nguyên nhân khác. Dù chứng khoán thế giới vẫn xanh, Dow Jones vẫn trên dưới 26.000 điểm, VN Index trên 800 điểm, nhưng tôi có thể khẳng định chứng khoán hiện nay có lẽ “xanh vỏ nhưng đỏ lòng”.
Hiện nay doanh nghiệp (DN) đang rất khó khăn, GDP tăng trưởng không như kỳ vọng, CPI lại tăng, việc đầu tư kinh doanh của DN ở quý III đầy thách thức. Một số DN thuộc các ngành hàng chủ lực như gỗ, giày da đang sa thải hàng loạt công nhân, một số ngành hàng thủy sản vẫn đang bí đầu ra, cá tra Việt Nam đang khuyến khích đưa vào bếp ăn tập thể, các ngành du lịch, hàng không càng khó khăn. Vậy vì sao chứng khoán vẫn xanh?
Tương tự trên thế giới cũng khó khăn như vậy, nhưng chứng khoán vẫn xanh. Tôi cho rằng chứng khoán xanh do niềm tin và lúc nào đó chứng khoán sẽ đảo chiều. Do đó, các nhà đầu tư quốc tế và Việt Nam đang dần chuyển một phần tài sản đầu tư từ kênh chứng khoán qua kênh vàng hoặc bất động sản.
- Kịch bản ngắn hạn giá vàng sẽ tăng, vậy dài hạn giá vàng có gặp rào cản nào, thưa ông?
- Về rào cản đối với giá vàng, tôi cho rằng đến tháng 9 và 10, giá vàng sẽ có đà hãm, vì lúc đó là gần sát kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ. Chắc chắn Tổng thống đang cầm quyền sẽ tìm mọi cách để vực dậy nền kinh tế. Khi nền kinh tế được vực dậy sẽ đẩy chứng khoán xanh, nhà đầu tư sẽ rút bớt tiền từ kênh vàng đổ qua kênh chứng khoán.
Như vậy, lực cản khiến vàng có khả năng xoay chiều có thể xuất hiện vào sát ngày bầu cử Tổng thống Mỹ (3-11). Rào cản nữa là vaccine phòng chống dịch Covid-19, nếu quốc gia nào tạo được vaccine chống Covid-19 thử nghiệm qua Tổ chức Y tế thế giới hữu hiệu, lúc đó giá vàng sẽ quay đầu. Đó là 2 kịch bản có thể làm giá vàng quay đầu, ngược lại giá vàng chỉ có thẳng tiến.
- Ông đánh giá như thế nào về diễn biến của thị trường trong nước trước đà tăng kỷ lục của giá vàng trong tuần qua?
- Theo quan sát của tôi, diễn biến mua bán trên thị trường vẫn ở mức độ trung bình, có tăng lên một chút ở các DN kinh doanh vàng. Các DN này nắm bắt rất nhanh giá vàng, đang trở thành động lực chính vì họ hoạt động theo cơ chế thị trường “nước lên thuyền lên”.
Hiện NHNN không có chủ trương bán hoặc cho gia công vàng miếng để chống vàng hóa, nên vàng diễn biến theo cung cầu thị trường, giá vàng trong nước lên sát giá vàng thế giới là điều hiển nhiên.
Tôi cho rằng, giá vàng đã vượt qua ngưỡng tâm lý nên việc mua bán sôi động ở các DN kinh doanh vàng, trong chừng mực nào đó tác động tới một bộ phận lớn nhà đầu tư cá nhân đang dịch chuyển tài sản của họ từ các kênh đầu tư khác qua.
- Trước sự sôi động của giá vàng, ông có chia sẻ gì với nhà đầu tư và người dân?
- Hiện có nhiều ý kiến cho rằng giá vàng cao đầy rủi ro, nhưng thực chất càng rủi ro giá lại càng lên, trong khi cơ hội của người dân ngày càng xa dần. Trước đây những người vay vàng có thể mua mức giá 49,5 triệu đồng/lượng để trả nợ, hiện nay phải mất thêm hơn 1 triệu đồng/lượng, khiến nhiều người vay vàng đang “khóc ròng”.
Trở lại câu hỏi, tôi cho rằng hiện nay vàng không phải là phương tiện cất giữ, vì vàng đang trên đỉnh, nếu cất giữ có thể rủi ro bởi 2 yếu tố vàng có thể quay đầu như đã phân tích ở trên. Nhưng vàng là phương tiện đầu tư khá hấp dẫn trong tháng 7 và 8 với tỷ suất lợi nhuận khá cao. Từ đầu năm đến nay giá vàng đã tăng gần 20%, tỷ suất lợi nhuận bỏ xa các kênh đầu tư khác.
Song cần nói rõ, đầu tư vàng trong ngắn hạn là kênh tương đối hấp dẫn, nhưng đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức và thời gian để theo dõi chốt lời, cắt lỗ kịp thời.
- Xin cảm ơn ông.