Giá vàng trong nước tăng mạnh trong thời gian gần đây với lý do đầu tiên vẫn được giới chuyên gia nhắc đến là tác động từ giá vàng thế giới. Thực tế ngày 7-10, giá vàng thế giới chìm sâu trong chuỗi ngày giảm giá kéo dài, đặc biệt là báo cáo việc làm của Mỹ đã đẩy giá vàng giao ngay xuống 1.810,46 USD/ounce, mức thấp nhất trong 7 tháng.
Tuy nhiên, sau khi phong trào Hồi giáo Hamas phát động cuộc tấn công bất ngờ vào miền Nam Israel sáng 7-10, làm gia tăng bất ổn chính trị ở Trung Đông, nhu cầu trú ẩn vào vàng đột ngột tăng lên. Giá vàng nhanh chóng quay đầu leo dốc. Trong tuần đầu tiên sau khi xung đột diễn ra, giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 3,1% ở mức 1.941,5USD, giá vàng giao ngay trên Kitco lên mức 1.932,5USD/ounce.
Thế nhưng, nhìn kỹ sự tăng giá của vàng trong nước vẫn có những điểm bất thường. Kể từ tháng 5-2023, giá vàng thế giới đã liên tục rớt từ ngưỡng hơn 2.000USD/ounce xuống quanh mốc 1.820 USD/ounce trong những ngày đầu tháng 10. Cùng thời điểm đó, trong nước vẫn có nhiều phiên tăng ngược chiều, đẩy giá giá vàng vượt 69 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá trong nước cũng nới rộng lên hơn 12 triệu đồng/lượng.
Xung đột địa chính trị nổ ra, vàng trong nước được đà vùng vẫy đi lên ngưỡng 70 triệu đồng/lượng, cao hơn thế giới 14-15 triệu đồng. Với diễn biến đó, khi mua một lượng vàng SJC, người mua đã mất khoản lớn cho chênh lệch giá này. Chưa kể, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng còn nới rộng chênh lệch giá mua - giá bán vàng miếng lên mức 700.000 đồng đến 1 triệu đồng để phòng thủ, đẩy rủi ro về phía người mua.
Khoảng 10 năm qua, diễn biến này liên tục lặp đi lặp lại. Theo các lý giải, từ năm 2014 đến nay, NHNN không cung ứng vàng ra thị trường. Công ty SJC không được sản xuất thêm vàng miếng, thay vào đó chỉ được dập lại các miếng vàng móp méo. Ngoài ra, vàng miếng SJC còn được chuyển hóa để phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Trong tình thế đó, các DN kinh doanh vàng mua được thì bán được, không mua được thì không bán hoặc phải nâng giá lên. Như các DN trình bày, công thức để cho ra giá vàng trong nước là tham chiếu giá vàng thế giới, sau đó theo cung - cầu thực tế của thị trường rồi quyết định ra giá vàng, không đơn vị nào có thể tự chủ động định giá trên thị trường.
Nhìn rộng hơn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau khi chống vàng hóa thành công đã không có bất kỳ giải pháp nào can thiệp khi giá vàng SJC quá cao so với thế giới. Thế nên, giá vàng trong nước diễn biến theo chiều hướng “một mình một chợ”, trở thành thị trường cạnh tranh không hoàn hảo, giá cả méo mó. Có lẽ cơ quan điều hành lo ngại nếu trả lại giá cho thị trường vàng miếng, có nghĩa là cho tự do sản xuất, kinh doanh vàng miếng sẽ dẫn đến một số hệ lụy như biến động tỷ giá.
Mỗi khi giá vàng lặp lại tình cảnh này, các chuyên gia lại tiếp tục nhắc lại ý tưởng xây dựng một sàn vàng quốc gia vì nhu cầu minh bạch thông tin thị trường trở nên cấp thiết, và vì lượng vàng bất động trong dân còn rất lớn.
Một sàn giao dịch vàng với sự tham gia của các nhà kinh doanh vàng, được cơ quan quản lý sàn giao dịch cấp phép, sẽ cung cấp những thông tin cập nhật liên tục về giá, các sản phẩm trên thị trường vàng, các công cụ phái sinh và các bên tham gia thị trường, sẽ là tiền đề cho một thị trường vàng phát triển trong sự minh bạch và bền vững, mà không cần phải thay đổi nhiều chính sách như NHNN mong muốn.
Nhưng nhiều năm qua, đó cũng mới chỉ là ý tưởng đề xuất, nhà điều hành chưa có những hồi âm cụ thể. Gần đây, NHNN cho biết sẽ tiếp tục tu chỉnh, hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 24 trình Chính phủ và đề xuất các chính sách quản lý vàng phù hợp, nếu cần thiết. Song có gì mới trong chính sách quản lý thị trường vàng hay không thì vẫn phải chờ công bố mới rõ.