Vàng và USD hạ nhiệt, liệu có kéo dài?

(ĐTTCO) - Thị trường vàng và USD có một điểm chung là đã cùng lập kỷ lục chưa từng có trong năm 2022. Nhưng đến cuối năm, cả hai lại cùng có xu hướng hạ nhiệt. Liệu điều này sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2023?
Tỷ giá trong nước những ngày cuối năm đã hạ nhiệt.
Tỷ giá trong nước những ngày cuối năm đã hạ nhiệt.

Một năm sóng gió

Năm 2022, thị trường vàng thế giới có nhiều biến động. Khởi đầu với mức giá mở cửa 1.820USD/ounce, giá vàng thế giới đã có thời điểm phá mốc kỷ lục của năm 2020, chạm mốc 2.078USD/ounce vào ngày 9-3 do tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine và giá dầu tăng mạnh.

Tuy nhiên sau giai đoạn đó, giá vàng đã không giữ được đỉnh cao mà liên tục tuột dốc và chạm đáy 2 năm ở vùng 1.600USD/ounce vào tháng 11. Nhưng từ vùng đáy, vàng đã hồi phục nhanh chóng trong tháng 12 và mức giá cuối cùng của năm 2022 là 1.825USD/ounce.

Tương tự, chỉ số Dollar index (DXY) cũng biến động mạnh trong năm 2022. Tháng 9-2022, giá USD lên mức cao nhất trong 20 năm khi tăng 20% so với các tiền tệ lớn, đạt 115 điểm. Các tháng cuối năm, DXY lại giảm giá khi các nhà đầu tư tìm kiếm các dấu hiệu về thời điểm chu kỳ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể kết thúc.

Tuy nhiên, cả năm 2022, DXY đã tăng 8,22%, mức tăng mạnh nhất kể từ 2015, do tác động từ những đợt tăng lãi suất liên tiếp của Fed và lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm mạnh.

Thị trường vàng và tỷ giá năm 2022 trong nước cũng hình thành nhiều đợt sóng lớn. Đầu năm 2022, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn đã niêm yết vàng miếng SJC ở mức 61,05-61,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tháng 3, giá vàng SJC liên tục tăng mạnh và đã đạt kỷ lục 74 triệu đồng/lượng, kích thích nhu cầu mua vàng của người dân tăng mạnh.

Song vàng SJC vẫn chưa thực sự là kênh đầu tư hấp dẫn, trái lại còn mang lại rủi ro khi tăng - giảm không theo đà thế giới, khiến nhiều người chịu lỗ nặng với đà tăng nóng và giảm mạnh trong đợt này. Những tháng cuối năm 2022, vàng SJC có xu hướng giảm nhiều và chốt năm ở mức 65,7 - 66,5 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá USD/VNĐ có thời điểm mất giá 8,9% so với cuối năm 2021. Cụ thể, trong tháng 10 và tháng 11, tỷ giá tại các NHTM đã từng chạm đỉnh 24.888 đồng/USD. Thị trường chợ đen đã có lúc gần chạm mức 25.500 đồng/USD. Khá bất ngờ khi tháng 12, tình thế đã đảo chiều ngoạn mục. Trong phiên cuối năm, giá mua bán USD tại Vietcombank chỉ còn 23.410 – 23.730 đồng/USD, trong khi tỷ giá tự do lao dốc mạnh về 23.715 - 23.775 đồng/USD.

Vì sao vàng và tỷ giá hạ nhiệt trong thời điểm cuối năm? Giá vàng thế giới cuối năm 2022 đang hồi phục trở lại, còn trong nước sau buổi họp với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh vàng về công tác quản lý thị trường vàng vào cuối tháng 7, thị trường có vẻ đã bớt nóng trở lại. Giá trong nước dần có sự điều chỉnh theo hướng rút ngắn chênh lệch với giá thế giới về mức khoảng 15 triệu đồng/lượng từ mức 18-19 triệu đồng trước đó.

Bên cạnh đó, vàng vốn không còn là kênh đầu tư hấp dẫn từ sau khi Nghị định 24/2012 có hiệu lực và nhà đầu tư càng “phòng bị” hơn sau đợt “đu đỉnh” lỗ nặng hồi tháng 3-2022, dẫn đến nhu cầu thu hẹp lại.

Trong khi đó, tỷ giá USD/VNĐ có nhiều điều kiện thuận lợi để giảm sức ép. Chỉ số DXY đã giảm hơn 4% so với đỉnh 20 năm kể từ đầu quý IV-2022 do sức ép tăng lãi suất của Fed giảm. Trong nước, vốn FDI giải ngân tăng tốt, cán cân thanh toán thặng dư gần 11 tỷ USD, nguồn cung trên thị trường ngoại hối được bổ sung một lượng ngoại tệ từ kiều hối đổ về dịp cuối năm là các yếu tố bổ trợ để hóa giải sức ép đè nặng trong tháng 10 và tháng 11.

Có bình yên trong năm 2023?

Trong những ngày đầu năm này, giá vàng thế giới được nhiều tổ chức nhận định đầy lạc quan trong năm 2023. Công ty nghiên cứu BCA cho biết, giá vàng sẽ vượt trên 1.900USD/ounce khi chính sách tiền tệ của Fed sẽ đạt đỉnh. Bank of America dự báo giá vàng sẽ chạm đáy vào đầu năm 2023 trước khi đạt mức trung bình 2.000USD/ounce trong quý III và quý IV.

Juerg Kiener, Giám đốc điều hành của hãng dịch vụ tài chính Swiss Asia Capital (Singapore), dự báo lạc quan giá vàng thế giới có thể lên 2.500-4.000USD/ounce. Dẫu vậy, dựa trên các thông tin này vẫn khó đoán định giá vàng trong nước. Như năm 2022, giá vàng thế giới chỉ tăng gần 0,3%, trong khi đó vàng miếng SJC tăng 5,74%.

Mọi kịch bản đều có thể bất ngờ xuất hiện trên thị trường vàng thế giới, mang lợi nhuận cho giới đầu tư. Nhưng trong nước, kênh đầu tư vàng vẫn kém hấp dẫn khi giá trong nước không liên thông với thế giới. Chênh lệch giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới được rút ngắn nhưng vẫn rất cao, hơn 14 triệu đồng/lượng, trong khi mức hợp lý là 3-5 triệu đồng.

Đồng thời, diễn biến giá vàng trong nước tăng hay giảm đều dựa theo biến động của giá vàng thế giới nhưng điều chỉnh giá ở mức nào là do quyết định của các công ty kinh doanh vàng. Họ đang nắm đằng cán với lý do chuỗi cung ứng vàng miếng bị gián đoạn do thuộc phạm vi độc quyền nhà nước, họ phải điều chỉnh giá theo cung cầu.

Với tỷ giá, mặc dù sức ép đã giảm xuống nhưng vẫn còn nhiều khó khăn phía trước. Theo đó, dự báo VNĐ vẫn sẽ còn chịu áp lực mất giá. Tại Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý IV-2022 và triển vọng 2023, các chuyên gia của Ngân hàng UOB chia sẻ, VNĐ đã tăng giá trở lại, từ mức 24.500 đồng/USD hồi đầu tháng 12 lên mức khoảng 23.630 đồng/USD vào cuối tháng. Động thái này trùng hợp với sự phục hồi của đồng Nhân dân tệ (CNY) khi các biện pháp kiềm chế Covid-19 được nới lỏng, nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, nên VNĐ có mối tương quan chặt chẽ với CNY. Do vậy ngoài diễn biến của đồng USD, sự suy yếu của đồng CNY kéo dài trước đó đã khiến đồng VNĐ dễ rơi theo. Vì vậy, UOB dự báo tỷ giá USD/VNĐ đạt mức 25.200 đồng/USD trong quý I-2023, 25.400 đồng/USD trong quý II-2023, 25.600 đồng/USD trong quý III-2023 và 25.800 đồng/USD trong quý IV-2023.

Nếu triển vọng xuất khẩu năm 2023 kém, Chính phủ sẽ có động lực chấp nhận VNĐ mất giá thêm hoặc tăng cường tích trữ ngoại hối trở lại. Như vậy dự báo tỷ giá USD/VNĐ sẽ dao động trong biên độ hẹp +/-3%/năm trong năm 2023.

Các tin khác