Suy yếu khả năng trả nợ
Thống kê của NHNN cho thấy, những năm qua tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trong nước tăng trưởng trung bình 20%/năm. Quy mô thị trường ước tính 1,1 triệu tỷ đồng (khoảng 48 tỷ USD), dự kiến sẽ mở rộng khi ngoài 16 CTTC cùng hàng chục NH có dịch vụ cho vay tiêu dùng, nhiều tập đoàn nước ngoài dòm ngó miếng bánh này. Tuy nhiên, như những ngành nghề khác, cho vay tiêu dùng cũng xuất hiện rủi ro khi dịch Covid-19 bùng phát.
Điều này thể hiện qua việc Moody’s thông báo đang xem xét hạ xếp hạng tín nhiệm đối với 3 CTTC Việt Nam, trong đó có Home Credit, một trong những công ty dẫn đầu trong lĩnh vực vay tiêu dùng trả góp tại Việt Nam. Cơ sở để Moody’s đưa ra thông báo trên do sự lan rộng, bùng phát nhanh chóng của Covid-19 đã làm suy giảm triển vọng kinh tế toàn cầu.
Giá dầu, giá tài sản giảm đang tạo ra cú sốc tín dụng nghiêm trọng và rộng khắp trên nhiều lĩnh vực, khu vực và thị trường, trong đó ngành tài chính tiêu dùng dễ bị tổn thương nhất. Việc xem xét hạ tín nhiệm của Moody’s phản ánh mức độ nghiêm trọng của Covid-19 tới các CTTC tiêu dùng, đặc biệt sự suy giảm chất lượng tín dụng do dịch bệnh gây ra.
Theo Moody’s, Chính phủ đã đưa ra biện pháp cách ly xã hội, cấm người nước ngoài vào Việt Nam, hạ lãi suất điều hành, khuyến khích các TCTD hỗ trợ người vay, thực hiện các giải pháp an sinh xã hội. Nhưng thành công của các biện pháp này phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và thời gian bùng phát của dịch bệnh kéo dài đến đâu.
Trong khi đó, dịch bệnh có thể tác động tiêu cực đến chất lượng tài sản, lợi nhuận và thanh khoản của các CTTC do hồ sơ của người vay đa phần rất rủi ro. Nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng tín chấp, nhắm vào phân khúc khách hàng thu nhập thấp - những người dễ bị tổn thương trước những cú sốc kinh tế. Hơn nữa, thất nghiệp có nguy cơ gia tăng sẽ làm suy yếu khả năng trả nợ của nhóm khách hàng phân khúc này, do nguồn thu nhập bị hạn chế, thiếu ổn định…
Xem xét giãn nợ cho khách hàng
Xem xét giãn nợ cho khách hàng
Với tình hình hiện nay, các CTTC càng đẩy vốn cho vay tiêu dùng càng gây ra rủi ro vỡ nợ, vì nhiều khoản vay cũ vẫn còn là gánh nặng cho cả bên vay và và bên cho vay. |
Trên tổng thể, dịch bệnh chưa thể chấm dứt cho đến khi có đầy đủ 2 công cụ là thuốc phòng ngừa (vaccine) và thuốc chữa bệnh. Vì thế dịch bệnh vẫn còn tác động tiêu cực đến nền kinh tế, doanh nghiệp và người lao động.
Do đó, các CTTC gặp khó khăn là điều không tránh khỏi, thậm chí các CTTC còn có khả năng vỡ nợ cho vay tiêu dùng. Bởi những người đi vay, nhất là những người mất công ăn việc làm, thu nhập giảm sẽ gặp khó khăn trong việc trả nợ. Nếu số đông người vay bị thất nghiệp sẽ có nguy cơ kéo đổ các CTTC.
Cụ thể trong tháng 2, số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp 47.164 người, tăng 59,2% so với tháng 1 (29.839 người), tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cũng cho biết, trong quý I gần 34.000 hồ sơ của người lao động trên địa bàn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp gửi về, tăng 6,9% so với cùng kỳ 2019. Theo đại diện của trung tâm này, khả năng số lượng người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp quý II sẽ tăng gấp đôi so với quý I.
Lượng người thất nghiệp gia tăng không chỉ là bài toán cho vấn đề an sinh xã hội, còn là nguy cơ đe dọa lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Bởi lẽ, các CTTC thường hỗ trợ cho nhóm khách hàng dưới chuẩn vay NH, người nghèo, người thu nhập thấp, kích cầu tiêu dùng để giảm nguy cơ về tín dụng đen.
Chính vì vậy, nguy cơ khó hoàn trả các khoản vay của nhóm này cao hơn so với các khoản vay tại NHTM. Điều này cũng trở thành áp lực lớn cho người vay. Song hiện nay, các CTTC vẫn chưa có động thái nào quan tâm đến nguy cơ này, thay vào đó vẫn tìm kiếm khách hàng cho vay. Một số khách hàng cho biết mỗi ngày nhận 2-3 cuộc gọi mời chào vay vốn với hạn mức vay 30-100 triệu đồng từ các CTTC.
Trong hơn 4 tháng qua, các NHTM đã khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho các khoản vay doanh nghiệp lẫn cá nhân, trong khi các CTTC vẫn chưa có bất kỳ động thái nào. Nhưng có thể đến lúc nào đó, nhóm này cũng sẽ phải cho khách hàng của họ hoãn nợ, không chuyển nhóm nợ để cứu vãn tình hình, đợi nền kinh tế trở lại bình thường, người vay phục hồi khả năng trả nợ.
Trong trường hợp xấu nhất, các CTTC có thời gian ân xá từ 6 tháng đến 1 năm. Dự báo tình trạng mất việc làm của hàng chục ngàn lao động có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Vì thế, đây là thời điểm các CTTC và NHTM có tỷ trọng cho vay cá nhân lớn rà soát các khoản vay bị ảnh hưởng, để xem xét giãn nợ 3-6 tháng cho khách hàng.