Trong bài “Làm sao GDP Nigeria tăng thêm 89% chỉ trong 1 đêm”, tờ Economist phân tích, mặc dù sau khi tính lại GDP và trở thành nền kinh tế lớn thứ 16 thế giới, vẫn không thể thay đổi một điều là trên 190 triệu dân Nigeria vẫn có mức thu nhập dưới 1 USD/ngày. GDP chỉ tăng trên giấy.
Biến động GDP vốn chịu sự tác động của các nhân tố dài hạn cùng các yếu tố ngắn hạn mang tính chu kỳ, giờ cần phải thêm vào nhân tố chính phủ nào đang lãnh đạo nó. Như ở Ấn Độ, thế giới đang nhìn vào GDP của họ với những hoài nghi.
Nguyên cố vấn kinh tế trưởng chính phủ Ấn Độ, người đã từng trong ban bệ tính GDP giai đoạn 2011-2017 của chính phủ nhiệm kỳ trước, nay bỗng nhiên tiết lộ số liệu GDP giai đoạn này đã bị thổi phồng: tăng trưởng 7%/năm, trong khi thực tế chỉ 4,5%.
Nhưng có lẽ không đâu có thể sánh bằng các con số thống kê Trung Quốc. Chỉ có thể dùng từ "nhảm nhí" để nói về chất lượng con số thống kê của họ, như nhận xét mới đây của giám đốc điều hành China Beige Book, công ty chuyên phân tích các dữ liệu của hàng ngàn doanh nghiệp thuộc 34 ngành công nghiệp của Trung Quốc.
Tờ Financial Times chỉ ra trong bài “Dữ liệu đã tâng bốc GDP Mỹ thêm 3%”, rằng các khoản chi phí nghiên cứu phát triển trước 2013 được xem là “chi phí”, thì từ sau 2013 được định nghĩa lại thành “vốn hóa”. Nó phình lên theo sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán và cộng vào GDP, lớn tương đương với việc cộng thêm cả nước Bỉ vào Mỹ.
Với trách nhiệm phải cho công chúng nhận biết sự thật, Steve Landefeld, Giám đốc Ủy ban phân tích kinh tế Mỹ (nơi chịu trách nhiệm công bố GDP) tuyên bố: “Việc tính lại này vẫn không làm thay bất kỳ điều gì về bức tranh thực của nước Mỹ”.
Dự báo tương lai rất khó, nhưng tính lại GDP quá khứ lại là một điều đầy bất trắc và thách thức. Có những công việc cách nay 1 thập niên như đào than đem xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong GDP, giờ đây khi tính lại phải loại ra. Cũng ngần ấy thời gian, nhiều ngành nghề mới ra đời do sự phát triển của kỹ thuật số và công nghệ 4.0, tất cả chưa được tính hoặc tính chưa đầy đủ, thì nay phải tính lại tầm quan trọng của chúng vào GDP. Hiệu ứng ròng đến nền kinh tế sẽ như thế nào?
Đối với các quốc gia có hệ thống thống kê yếu kém, điều này càng khuếch đại thêm nhiều sự hoài nghi. Tô vẽ nên một bức tranh không có thực không dễ, nhìn vào các chi tiết, sự thật sớm sẽ bị phơi bày.
Tính lại GDP, hay đưa tương lai vào quá khứ, năm cơ sở mới được dời về với thời hiện đại. Một hệ thống khái niệm mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế số cũng phải được định nghĩa và tính thêm vào GDP. Tính lại GDP cũng chính là cách thức viết lại lịch sử của quốc gia.
Nigeria mặc dù bị nghi ngờ thổi phồng tăng trưởng, nhưng ít ra họ cũng cho thế giới thấy mình đã làm điều này sau nhiều năm tốn công sức thăm dò, khảo sát đến 850.000 doanh nghiệp. Theo nghĩa này, cho dù nhận được nhiều hoài nghi, việc tính lại GDP là rất cần thiết. Điều này giúp cho chính phủ thấy được cấu trúc nền kinh tế đã thay đổi như thế nào để có được các chiến lược phát triển thích hợp.
Đối với Việt Nam, tính lại GDP, hay nói chính xác là viết lại lịch sử kinh tế vào lúc này rơi vào thời điểm nhạy cảm. Tổng cục Thống kê cho biết sau khi tính lại, GDP giai đoạn 2010-2017 tăng thêm 25,4% với việc cộng thêm vào 76.000 doanh nghiệp. Tính lại GDP trong quá khứ giống như lái xe mà chỉ nhìn vào gương chiếu hậu.
Tuy khó, nhưng chiếc xe vẫn có thể đi đúng hướng nếu đừng lấy gương chiếu hậu xe 2 bánh thay cho gương chiếu hậu xe ô tô. Các nhà đầu tư, nhất là giới đầu tư và định chế quốc tế, luôn nhìn vào chất lượng thống kê của các nước để có những quyết định đầu tư hoặc cho quốc gia đó vay nợ.
Theo World Economics, tổ chức xếp hạng chất lượng thống kê các nước, Việt Nam đứng thứ 86 toàn cầu và 16 khu vực châu Á. Một thứ hạng rất còn nhiều việc để làm, để hy vọng thuyết phục các nhà đầu tư về độ trung thực của con số GDP. Nếu vì “tương lai của tương lai” mà buộc phải thay đổi “tương lai của quá khứ”, e rằng có thể lợi bất cập hại.