Vẫn là điểm sáng đầu tư
Tại Bàn tròn Doanh nghiệp Việt - Đức diễn ra ở Hà Nội ngày 13-11-2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư quan trọng đối với các công ty Đức và châu Âu. Theo ông, thế mạnh của Việt Nam hiện nay chính là nguồn nguyên liệu dồi dào và lực lượng lao động được đào tạo bài bản. Thủ tướng Scholz cho biết nhiều doanh nghiệp Đức đang tìm kiếm đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực như thương mại, cơ sở hạ tầng và năng lượng. Hiện Đức có 437 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 2,34 tỷ USD, là nhà đầu tư lớn thứ 18/141 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Đức ở Đông Nam Á.
Tương tự, các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng lạc quan về kinh tế Việt Nam. Shon Young Il, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Hàn Quốc tại TPHCM, cho biết các nhà đầu tư xứ kim chi đánh giá cao Việt Nam vẫn giữ được tốc độ phát triển kinh tế cao, tiềm năng thị trường lớn và sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đồng tiền Việt Nam cho đến nay vẫn tương đối ổn định so với USD.
Trong khi đó, tại Hội nghị bàn tròn về môi trường kinh doanh tại TPHCM diễn ra ngày 30-11-2022, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM, Watanabe Nobuhiro, cho biết các nhà đầu tư xứ Phù Tang đánh giá TPHCM là điểm đến hấp dẫn về tiềm năng phát triển và các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư. Nhật Bản hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại TP, với 5,5 tỷ USD trong 1.568 dự án chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, bán buôn và bán lẻ, sửa chữa phương tiện, khoa học công nghệ và xây dựng. Theo Tổng Lãnh sự Nobuhiro, Việt Nam được đánh giá cao bởi nền kinh tế đang phát triển nhanh và phù hợp với chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Tờ Thai Publica của Thái Lan mới đây có bài viết mô tả Việt Nam là điểm sáng tăng trưởng ở châu Á - Thái Bình Dương, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Thái. Bài báo trích dẫn dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt 7% trong năm 2022. Theo Thai Publica, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn khá hiệu quả, khi lạm phát ở Việt Nam duy trì ở mức thấp hơn so với nhiều nước, giúp Việt Nam duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp. Thái Lan hiện là nhà đầu tư lớn thứ 9/140 quốc gia và vùng lãnh thổ rót vốn vào Việt Nam với tổng số vốn hơn 13 tỷ USD.
FDI thực tế cao nhất 5 năm
Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực tế vào Việt Nam trong 10 tháng năm 2022 đã tăng lên mức cao nhất trong 5 năm là 17,45 tỷ USD, cho thấy cam kết mạnh mẽ của các công ty FDI đối với Việt Nam. Ngày 3-11-2022, Tập đoàn LEGO đã khởi công xây dựng nhà máy trị giá 1 tỷ USD tại tỉnh Bình Dương.
Trước đó, trong tháng 2 nhà máy Thái Nguyên của Samsung Electro-Mechanics đã nhận thêm 920 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư vào nhà máy lên hơn 2,27 tỷ USD. Vào tháng 6, tập đoàn Hàn Quốc đã rót thêm 841 triệu USD vào khu phức hợp Samsung Electronics HCMC CE tại TPHCM, trong khi các nhà đầu tư khác cũng cam kết vốn đầu tư 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD vào các nhà máy sản xuất điện tử ở Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng. Tương tự, Intel đã rót thêm 475 triệu USD vào nhà máy tại Việt Nam, nâng tổng vốn đầu tư sau 16 năm hoạt động lên gần 1,5 tỷ USD.
Để thực sự trở thành con hổ như kỳ vọng, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn, như cải thiện mạnh mẽ về hạ tầng giao thông và môi trường đầu tư kinh doanh.
Ông MATTHEW POWELL,
chuyên gia tư vấn quốc tế
Chủ tịch EuroCham Alain Cany nhấn mạnh sức hấp dẫn của Việt Nam như điểm đến đầu tư, bất chấp môi trường kinh tế toàn cầu đầy thách thức. Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) mới nhất từ EuroCham cho thấy 42% công ty châu Âu mong muốn mở rộng đầu tư vào Việt Nam vào cuối năm 2022. Tương tự, Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann cũng coi Việt Nam là lựa chọn hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài để đa dạng hóa chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Ông Cormann ghi nhận Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm nhờ cơ sở hạ tầng đầy đủ, môi trường kinh doanh thân thiện và thành công trong việc kiểm soát Covid-19.
Trong một khảo sát của Công ty Nghiên cứu Cushman & Wakefield, hơn 200 đại diện cấp cao từ các công ty đầu tư hàng đầu đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư ưa thích nhất của họ. Còn theo Financial Times, Việt Nam đang trở thành điểm sáng trong thu hút dòng vốn FDI và lần đầu tiên lọt vào Top 20 nền kinh tế thu hút vốn FDI lớn nhất thế giới. Với nhiều lợi thế, các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin lớn vào mắt xích của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nếu kỳ vọng hổ châu Á…
Kể từ năm 1986, Việt Nam luôn nằm trong nhóm nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Giai đoạn 1986-2019, tốc độ tăng trưởng bình quân của Việt Nam đạt 6,55%/năm. Năm 2020-2021, bất chấp đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn tăng trưởng dương. Cụ thể, năm 2020 và 2021, tăng trưởng của Việt Nam lần lượt đạt 2,9% và 2,58%. Trong năm 2022, nhiều khả năng Việt Nam sẽ tăng trưởng 7-8%. Việt Nam còn thành công trong việc cải thiện GDP bình quân đầu người. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), từ năm 2002-2021 GDP bình quân đầu người Việt Nam xếp thứ 160/195, tăng 3,7 lần lên gần 3.743 USD. Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ hơn 32% năm 2011 xuống còn dưới 2,23% vào năm 2021.
Cho đến nay các thương hiệu lớn trên toàn cầu đều xây dựng nhà máy sản xuất và định hướng lâu dài tại Việt Nam. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Dựa trên những nỗ lực phục hồi kinh tế hậu dịch của Việt Nam, tạp chí Business Times từng khẳng định, nhờ tốc độ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 và khả năng tăng tốc vào năm 2022, Việt Nam sẽ hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu “con hổ mới của châu Á”. Hiện nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có chỉ số công nghiệp cạnh tranh toàn cầu (CIP) ở mức khá cao, thuộc nhóm nước có năng lực cạnh tranh công nghiệp trung bình cao. Đặc biệt, ngành công nghiệp còn góp phần đưa Việt Nam lên vị trí thứ 22 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới năm 2018. Một số ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn được định hướng chiến lược với sự dẫn dắt của một số doanh nghiệp công nghiệp lớn như điện tử, dệt may, da giày...
Tuy nhiên, một yêu cầu cấp bách là Việt Nam phải khơi thông được những ách tắc trong thủ tục hành chính. Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, cho biết: “Nếu Việt Nam chậm cải cách hành chính sẽ đánh mất nhiều cơ hội thu hút thêm vốn FDI đang phục hồi sau suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn gặp khó khăn trong việc phê duyệt dự án ở nhiều địa phương, mặc dù EuroCham đã nhiều lần kêu gọi Chính phủ cải thiện thủ tục hành chính”.
Nhiều doanh nghiệp vẫn phàn nàn thủ tục đầu tư tương đối phức tạp, dù nhiều địa phương đã có chính sách “một cửa” riêng để hỗ trợ nhà đầu tư. Thông thường, một dự án nước ngoài phải mất 1 năm để được cấp phép, trong khi quy trình này chỉ cần 1-2 tháng ở các nước khác trong khu vực. Thomas Peter, Giám đốc một công ty Đan Mạch, cho rằng có khoảng cách rất lớn giữa các chính sách của chính phủ và cách các chính sách này được thực hiện tại các địa phương.
Một yêu cầu cách bách khác là phải cải thiện được cơ sở hạ tầng. Trong báo cáo “Vietnam at a Glance” hồi tháng 8, Ngân hàng HSBC khuyến nghị Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phục vụ tốt hơn cho quá trình phát triển kinh tế sau này. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam xếp thứ hạng thấp ở hầu hết lĩnh vực giao thông, đặc biệt là về chất lượng vận tải đường bộ và đường hàng không. Mặc dù Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khu vực về thu hút vốn FDI ổn định, nhưng cơ sở hạ tầng lạc hậu và quá tải liên tục, được cho là trở ngại đối với năng lực sản xuất trong tương lai.