Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới

(ĐTTCO)-Thống kê sơ bộ của VPA, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, Việt Nam xuất khẩu được 211.507 tấn hồ tiêu các loại, đạt giá trị xuất khẩu 911,1 triệu USD, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm trước.
Nông dân thu hoạch hồ tiêu sớm. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)
Nông dân thu hoạch hồ tiêu sớm. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Sản lượng xuất khẩu hồ tiêu sang các thị trường quan trọng đều sụt giảm trong năm 2022, nhưng Việt Nam vẫn đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu.

Thời gian tới, ngành hồ tiêu cần tập trung nâng cao chất lượng, tỷ lệ chế biến để tạo giá trị gia tăng và khai thác hiệu quả các thị trường phân khúc cao thông qua các Hiệp định Thương mại tự do, nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Đây là thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo thúc đẩy xuất khẩu hồ tiêu và gia vị Việt Nam theo hiệp định EVFTA, do Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 21/12.

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPA cho biết năm 2022, hồ tiêu cũng như các ngành hàng xuất khẩu khác của Việt Nam đều gặp bất lợi do tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế ở nhiều thị trường và chính sách “Không COVID” của Trung Quốc khiến sản lượng xuất khẩu giảm.

Thống kê sơ bộ của VPA, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, Việt Nam xuất khẩu được 211.507 tấn hồ tiêu các loại, đạt giá trị xuất khẩu 911,1 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, lượng xuất khẩu giảm 14,9%, tương đương 37.015 tấn. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng 34 triệu USD, tương đương 3,9%. Ước tính cả năm, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam sẽ đạt khoảng gần 230.000 tấn, giảm 13 % về sản lượng, đạt giá trị 970 triệu USD, tăng hơn 2% so với năm 2021. Nếu tính chung tất cả các loại gia vị, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt 1,5 tỷ USD.

Ngoài xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam còn nhập khẩu hồ tiêu từ các quốc gia khác như Brazil, Indonesia... về gia công, chế biến và xuất khẩu với giá trị cao hơn. Từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, Việt Nam đã nhập khẩu 34.273 tấn, tăng 48,9% so với cùng kỳ.

Theo bà Hoàng Thị Liên, trong bối cảnh khó khăn chung, những kết quả đạt được là thành công rất đáng ghi nhận của ngành hồ tiêu, cho thấy ngành gia vị Việt Nam đang dần tạo được chỗ đứng trong chuỗi giá trị thế giới, nhất là vẫn đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu.

Việt Nam có lợi thế hơn so với một số nước sản xuất hồ tiêu khác như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Sri Lanka, Campuchia... nhờ lợi thế từ EVFTA. Cụ thể, thuế nhập khẩu hồ tiêu xay hoặc nghiền xuất khẩu sang EU giảm từ 4% xuống còn 0%. Bên cạnh đó, ngành hồ tiêu Việt Nam cũng được đánh giá cao về năng lực chế biến với tỷ lệ hàng qua chế biến hiện chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, bà Liên cũng cho rằng ngành hồ tiêu vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của các thị trường, đặc biệt là thị trường EU. Nhu cầu sử dụng hồ tiêu tại châu Âu rất lớn, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ mới tập trung vào một số thị trường chính như Đức, Anh, Hà Lan..., còn nhiều nước khác vẫn đang bỏ ngỏ, nhất là khu vực Đông Âu.

Đắk Nông là một trong những địa phương có sản lượng hồ tiêu cao nhất Việt Nam. (Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN)

Ông Lương Phước Vinh, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á Tentamus Group GbmH cho rằng để khai thác hiệu quả lợi thế về sản xuất, chế biến nâng cao giá trị xuất khẩu thời gian tới, các doanh nghiệp phải thay đổi, thích ứng để phù hợp với các yêu cầu về tiêu chuẩn, kỹ thuật, chất lượng, con người… của các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường phân khúc cao cấp.

Lưu ý với thị trường EU là nơi thường xuyên điều chỉnh và thay đổi các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, các nhà sản xuất và công ty xuất khẩu sản phẩm sang EU phải kiểm tra, cập nhật văn bản pháp luật liên quan, thường xuyên rà soát các thông báo về thay đổi quy định của EU. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất với các hợp tác xã và người nông dân để tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định, bền vững; nâng cao tỷ lệ tiêu xuất khẩu đã qua chế biến.

Về phía người nông dân cũng cần thay đổi tư duy sản xuất theo hướng phát triển bền vững, không chạy theo sản lượng mà phải nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. Tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết sản xuất với các doanh nghiệp tạo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định.

Chia sẻ về kinh nghiệm tìm kiếm khách hàng quốc tế, bà Nguyễn Nhật Minh, đại diện Công ty Vietnam Insight cho rằng các chương trình chứng nhận hữu cơ ngày càng phổ biến ở châu Âu. Mặc dù gần đây sản xuất hữu cơ vẫn được dành riêng cho các thị trường ngách, nhưng các sản phẩm hữu cơ đang trở thành xu hướng chủ đạo.

Các công ty có những yêu cầu khác nhau đối với trách nhiệm xã hội của đối tác, một số công ty yêu cầu tuân thủ quy tắc ứng xử của họ hoặc một hay nhiều tiêu chuẩn chung như trao đổi dữ liệu về đạo đức của nhà cung cấp (SEDEX), sáng kiến kinh doanh có đạo đức (ETI), quy tắc ứng xử của sáng kiến tuân thủ xã hội doanh nghiệp (BSCI).

Vì vậy, doanh nghiệp cần xác định thế mạnh sản phẩm, chiến lược giá và ưu đãi trước khi tìm kiếm người mua, tiến hành nghiên cứu thị trường, quyết định phân khúc người mua nào phù hợp nhất với sản phẩm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tích cực tham gia các hội chợ thương mại và các sự kiện trong ngành để gặp mặt trực tiếp người mua, trao đổi và xúc tiến hợp tác.

Các tin khác