Bối cảnh mới
Đại dịch Covid-19 đã đẩy kinh tế thế giới vào cuộc khủng hoảng mới, với mức độ nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008, đồng thời làm thay đổi toàn cầu hóa vốn đã giúp hàng triệu người tăng thu nhập, thoát khỏi đói nghèo, nhưng cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Neil Irwin, nhà báo kinh tế cấp cao của chuyên trang “The Upshot”, viết trên tờ The New York Times về dịch Covid-19: “Nền kinh tế thế giới là mạng lưới cực kỳ phức tạp. Những năm tới chúng ta sẽ biết điều gì xảy ra khi mạng lưới đó bị xé toạc, hàng triệu kết nối bị phá hủy cùng lúc. Và nó mở ra viễn cảnh kinh tế toàn cầu khác hoàn toàn so với những gì đã tồn tại nhiều chục năm qua”.
Còn Adam Tooze, nhà sử học của Đại học Columbia, bình luận: “Đây là thời kỳ của bất trắc cực độ, nó lớn hơn so với bất kỳ thứ gì chúng ta từng trải qua”.
Tác động tiêu cực của dịch Covid-19 diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung còn tiếp diễn, xung đột lợi ích giữa các nước nhóm G7 ngày càng lớn, chủ nghĩa bảo bộ mậu dịch có xu hướng gia tăng càng làm những nhược điểm vốn có của toàn cầu hóa, như khoảng cách về thu nhập giữa các quốc gia, giữa các nhóm dân cư, giữa các địa phương trong một nước trở nên rõ rệt hơn, lỗ hổng của internet trước các cuộc tấn công mạng có rủi ro rất lớn.
Việt Nam cũng không ngoại lệ. Dịch Covid-19 khiến GDP quý I-2020 chỉ tăng 3,82%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP cả năm 2020 của Việt Nam chỉ tăng 2,7%, đi kèm với đó là hàng chục ngàn doanh nghiệp (DN) tạm ngừng hoạt động, hàng triệu lao động mất việc.
Song, thực tế thời gian qua cho thấy, DN và nền kinh tế nước ta đã chứng tỏ năng lực chống chịu rất cao, không lâm vào trạng thái suy thoái và vẫn duy trì mức tăng trưởng dương. Do đó, cùng với lợi thế trước đây về an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an toàn cho nhà đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, thành công phòng chống dịch làm Việt Nam có thêm lợi thế đối với thu hút FDI.
Nhiều nhà đầu tư châu Á, châu Mỹ, châu Âu coi Việt Nam là điểm đến an toàn cho FDI mới, trong đó sẽ dịch chuyển nhà máy từ nước khác sang Việt Nam.
Lợi thế mới
Lợi thế mới
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Mỹ và Nhật Bản đã khuyến khích, hỗ trợ tài chính để DN các nước này chuyển từ Trung Quốc về nước. Đây là lý do chúng ta không nên đặt kỳ vọng nhiều vào việc DN lớn nước ngoài sẽ dịch chuyển sang Việt Nam.
Thế nhưng, Trung Quốc với thị trường 1,4 tỷ dân, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, có ưu thế nổi trội về công nghệ, quy mô DN, nên dù Mỹ, Nhật Bản gây sức ép nhưng chỉ một số nhà máy chuyển từ Trung Quốc về nước, đại bộ phận tìm cách ở lại đó, số ít khác chuyển sang nước thứ 3, trong đó có Việt Nam.
Theo những thông tin gần đây, đã có nhiều tập đoàn xuyên quốc gia đạt được thỏa thuận với Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) và một số địa phương về việc di dời từ Trung Quốc và các nước khác sang Việt Nam, trong đó có hàng chục DN FDI có quy mô vốn đầu tư hàng chục tỷ USD.
Điển hình như Apple (Mỹ), chuyển xí nghiệp sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, sản xuất 30% tai nghe không dây để xuất khẩu. Tập đoàn Panasonic (Nhật Bản) chuyển toàn bộ nhà máy sản xuất điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt từ Thái Lan sang Việt Nam.
Một tập đoàn kinh tế Đài Loan đã tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang để đầu tư dự án công nghệ cao với vốn đầu tư 4 tỷ USD. UBND tỉnh Bắc Giang đã kiến nghị với Chính phủ cho xây dựng khu công nghiệp (KCN) 500ha để đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, thời điểm hiện nay Việt Nam không phải là thị trường hấp dẫn duy nhất, mà đã xuất hiện một số đối thủ cạnh tranh về sự dịch chuyển này. Ấn Độ - quốc gia có thế mạnh về thị trường 1,3 tỷ người, hàng năm số kỹ sư tốt nghiệp đại học nhiều nhất thế giới, công nghệ thông tin phát triển - mới đây tuyên bố đã có sẵn đất sạch với các ưu đãi cao để thu hút 1.000 DN FDI lớn chuyển sang nước này.
Tương tự, Indonesia, nước có dân số gần gấp 3 lần Việt Nam, GDP trên 1.000 tỷ USD, cũng vừa bắt tay xây dựng KCN 400ha với nhiều ưu đãi để đón nhận DN.
Do đó, với sự thận trọng cần thiết trong quan hệ đối ngoại, nhưng cần nhận thức đây là cơ hội lớn cho Việt Nam (từ cả bối cảnh mới của thế giới và trong nước) để đề ra chủ trương, giải pháp thích hợp, kịp thời, không bỏ lỡ thời cơ nhằm thu hút FDI có chất lượng.
Cũng cần khẳng định hoạt động của khu vực FDI đã, đang và vẫn là động cơ tăng trưởng mạnh mẽ, cùng với DN tư nhân và DNNN, đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế, với mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 5%, tạo đà cho năm 2021 trên 7%.
Phải chọn lọc
Phải chọn lọc
Dù Mỹ, Nhật Bản gây sức ép nhưng chỉ một số nhà máy chuyển từ Trung Quốc về nước, đại bộ phận tìm cách ở lại đó, số ít khác chuyển sang nước thứ 3, trong đó có Việt Nam. |
Nhưng ngoài những chính sách ưu đãi đang áp dụng đối với dự án công nghệ cao, công nghệ số, dịch vụ hiện đại, cần công bố công khai các giải pháp đồng bộ kèm theo. Hiện nay, Việt Nam đã sẵn có đất sạch tại các KCN, khu kinh tế (KKT) đang hoạt động. Song thời gian tới vẫn cần xây dựng thêm các KCN mới ở các địa phương có nhu cầu với giá cả ổn định (bằng khoảng 40% giá thuê đất tại Bắc Kinh, Thượng Hải).
Nhiều KKT, KCN Việt Nam đã có đường giao thông, internet, 3G, 4G, cung ứng điện nước, xử lý chất thải đáp ứng đòi hỏi của nhà đầu tư, đây chính là lợi thế. Bên cạnh đó, Việt Nam cần sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao, với chi phí nhân công thấp hơn nhiều nước (bằng 40% của Hàn Quốc).
Khi các nhà máy đang sản xuất ở nước khác chuyển sang Việt Nam, Chính phủ nên quy định không nhập khẩu “máy móc, thiết bị đã qua sử dụng”. Đồng thời, chủ DN cần được thông báo các quy định về tiêu chuẩn, định mức về bảo vệ môi trường, khí phát thải, tiếng ồn, phòng cháy nổ, an toàn lao động… để thực hiện nghiêm chỉnh.
Trong trường hợp nhà máy đưa vào hoạt động vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn, định mức trên, cơ quan chức năng kiểm tra, hướng dẫn nhà đầu tư khắc phục kịp thời. Một vướng mắc hiện nay cần được tháo gỡ, là nhiều DN FDI khi chuyển vào Việt Nam sẽ xuất khẩu 100% sản phẩm, do đó cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến “DN chế xuất” để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.