Đạo luật có phần ép các nước
Cho đến thời điểm này vẫn chưa có hành động cụ thể từ phía 2 bộ Tài chính và Thương mại của Mỹ. Vì vậy, rất khó đoán định kết quả ra sao.
Trong trường hợp xấu, Bộ Tài chính Mỹ có thể gắn nhãn “thao túng tiền tệ” cho Việt Nam, điều chúng ta chỉ thoát qua khung cửa hẹp năm ngoái. Nếu Việt Nam bị gắn nhãn này, Bộ Tài chính Mỹ và Chính phủ Việt Nam sẽ phải làm việc để có những biện pháp điều chỉnh mà 2 bên cảm thấy hợp lý.
Trong khi đó, quyết định có tăng thuế đánh vào mặt hàng lốp xe của Việt Nam sản xuất nhập khẩu vào Mỹ, lại là chuyện khác và do Bộ Thương mại Mỹ quyết định. Kết luận Việt Nam hạ giá đồng tiền có chủ đích, chỉ là một trong nhiều nhân tố Bộ Thương mại Mỹ sử dụng để cân nhắc có tăng thuế đánh vào các mặt hàng bánh xe này. Như vậy, chúng ta vẫn phải chờ đợi kết luận của phía Mỹ.
Vậy Bộ Tài chính Mỹ dựa vào đâu để đánh giá Việt Nam là thao túng tiền tệ. Từ năm 2015, Đạo luật Thực thi Thương mại đã xác định vai trò của Bộ Tài chính, là cần đưa ra một bộ chỉ số để đánh giá một đối tác thương mại của Mỹ có tiến hành thao túng tiền tệ hay không.
Bộ chỉ số hiện tại của Bộ Tài chính bao gồm: Thặng dư thương mại với Mỹ hơn 20 tỷ USD; thặng dư tài khoản vãng lai hơn 2% GDP; chính phủ can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách mua USD hơn 2% GDP, và trong vòng thời gian 12 tháng chính phủ tiến hành mua vào ngoại hối trong 6 tháng.
Thật ra đây là những tiêu chí có tính chủ quan và có phần “ép” các nước thiên về xuất khẩu như Việt Nam. Chẳng hạn, hầu hết nước và lãnh thổ có hoạt động xuất khẩu mạnh như Đức, Thái Lan, Đài Loan và Việt Nam, chắc chắn sẽ vi phạm 2 tiêu chí đầu tiên. Chỉ có tiêu chí thứ 3 có thể tránh khỏi nếu can thiệp một cách giới hạn và không thường xuyên vào thị trường ngoại hối.
Nguồn: Tracking Currency Manipulation, https://www.cfr.org/article/tracking-currency-manipulation
Theo bộ công cụ Tracking Currency Manipulation, Việt Nam chẳng những đã mua vào số ngoại tệ hơn 2% GDP, mà lên tới 7% GDP. Còn thông tin từ Bộ Tài chính Mỹ, con số tuyệt đối họ cho rằng Việt Nam đã mua vào trong năm 2019 là 22 tỷ USD.
Nếu dùng con số GDP năm 2019 của World Bank ghi nhận cho Việt Nam 261,9 tỷ USD, quả thật 22 tỷ USD là khoảng 8% GDP, gần với con số 7% GDP của bộ công cụ Tracking Currency Manipulation. Con số này cao nhất trong số các nước vi phạm từ 2 tiêu chí thao túng tiền tệ trở lên của Bộ Tài chính Mỹ.
Do đó mấu chốt của việc đánh giá Việt Nam có bị gắn nhãn thao túng tiền tệ, là tranh luận với phía Mỹ về việc con số ngoại tệ đã mua vào có vượt 2% GDP và có mua trong 6/12 tháng gần nhất không. Họ chấp nhận hay không lại là vấn đề của họ. Với số lượng ngoại tệ họ cho rằng chúng ta đã mua lên tới 22 tỷ USD, e rằng dù có “trả giá” xuống cách mấy cũng khó xuống dưới 2% GDP.
Vì vậy, NHNN sẽ phải rất khôn khéo để thuyết phục phía Mỹ là chúng ta không có mua vào ngoại tệ trong 6/12 tháng gần nhất, đồng thời cố gắng giải thích mục đích mua vào ngoại tệ không phải để thao túng tiền tệ nhằm hỗ trợ xuất khẩu. Đây là vấn đề ngoại giao, không chỉ là vấn đề kỹ thuật.
Ứng xử với nước gây chiến thương mại khắp nơi
Ứng xử với nước gây chiến thương mại khắp nơi
Bất kể những cáo buộc đó có lý hay không, Mỹ với tư cách là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, là siêu cường và là một kẻ mạnh trong cuộc chơi này. Vì thế, thận trọng không để kẻ mạnh đó bắt được điểm yếu của mình rất quan trọng. |
Có người nói Mỹ dưới thời Donald Trump mới “diều hâu” như vậy. Không đúng. Rõ ràng Đạo luật Thực thi Thương mại đã có từ thời Tổng thống Obama, nhằm bảo vệ lợi ích nước Mỹ.
Những tiêu chí như thặng dư thương mại với Mỹ hơn 20 tỷ USD và thặng dư tài khoản vãng lai hơn 2% GDP có phần “ép uổng” những nước có lợi thế cạnh tranh trong thương mại, hướng về xuất khẩu, bất chấp họ có phải cạnh tranh công bằng hay là sử dụng công cụ tiền tệ để tạo sức cạnh tranh. Nhưng đây là luật chơi do Mỹ áp đặt, chúng ta muốn làm ăn với họ phải chấp nhận.
Điều đó cho chúng ta bài học là những lời kêu gọi phá giá tiền tệ, để tiền VNĐ trượt mạnh hơn so với USD, là thiếu thận trọng trong việc cân nhắc sự đáp trả của các quốc gia khác.
Nếu Việt Nam biết phá giá, người ta cũng biết gắn nhãn chúng ta thao túng tiền tệ và tăng thuế nhập khẩu hàng hóa chúng ta, thậm chí có thể có những hành động làm khó về đầu tư và thương mại khác. Đánh giá thấp khả năng phản ứng của đối tác thương mại (vừa là đối thủ cạnh tranh) là sai lầm.
Một vấn đề khác, là chúng ta không được xem nhẹ những giám sát thao túng tiền tệ, môi trường, nhân quyền... của Mỹ. Nó có thể trở thành con bài trừng phạt kinh tế bất kỳ lúc nào.
Bất kể những cáo buộc đó có lý hay không, Mỹ với tư cách là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, là siêu cường và là một kẻ mạnh trong cuộc chơi này. Vì thế, thận trọng không để kẻ mạnh đó bắt được điểm yếu của mình rất quan trọng.