Tín dụng giảm, nợ xấu tăng
Những lập luận trên phù hợp với sự tăng trưởng chậm của tín dụng so với các năm trước. Theo các số liệu được đăng rộng rãi trên báo chí, tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống NH khoảng 8,3 triệu tỷ đồng tính đến hết 31-3-2020 và tốc độ tăng trưởng tín dụng quý I-2020 chỉ tăng 1,3% so với cuối năm, thấp hơn cùng kỷ 2019 tăng 3,19%.
Cùng với tín dụng tăng trưởng chậm, hoạt động NH cũng trở nên rủi ro hơn với khoảng 23% tổng dư nợ tín dụng (gần 2 triệu tỷ đồng) được cho là có khả năng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Hệ quả là nợ xấu NH sẽ tăng lên, với việc NHNN đưa ra hai kịch bản, hoặc là tỷ lệ nợ xấu trong khoảng 2,9-3,2% trong quý II và 2,6-3% vào cuối năm nếu dịch được kiểm soát trong quý I, hoặc là tương ứng 4% và 3,7% nếu dịch được kiểm soát trong quý II. Với tình hình hiện tại và giả sử các tính toán đó là đúng, thì kịch bản tệ hơn về nợ xấu sẽ xảy ra.
Nếu biết rằng các năm trước, chẳng hạn 2019 và 2018, tỷ lệ nợ xấu của từng NH nằm rải rác trong khoảng thấp nhất 0,54% và 0,73% tới cao nhất 3,42% và 3,5%, còn trung bình nằm ở mức trên dưới 2%, thì có thể hình dung rằng nợ xấu NH năm nay được kỳ vọng tăng gấp đôi so với bình thường.
Những tính toán đó có thể sẽ thay đổi rất nhiều, bởi nó chưa tính đến những hệ quả của việc thực hiện gói cứu trợ tín dụng mà hệ thống NH đã cam kết với Chính phủ từ đầu tháng 3. Chắc chắn hệ thống NH không muốn các con số nợ xấu xấu thêm. Nhưng dường như có điều gì đó không đúng đang xảy ra với cách tiếp cận của họ.Tín dụng cứu trợ
Hệ thống NH ban đầu đăng ký quy mô gói cứu trợ DN khoảng 250.000 tỷ đồng, sau đó tăng lên 285.000 tỷ đồng, tập trung vào cơ cấu nợ, giảm hoặc miễn lãi suất, và cho vay mới với lãi suất thấp. Nhưng theo những thông tin gần nhất quy mô cứu trợ đã lên tới gần 600.000 tỷ đồng, trong đó phần lớn là cho vay mới với hơn 500.000 tỷ đồng dư nợ.
Điều đáng chú ý là phần lớn gói tín dụng này được giải ngân cho các lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và cần vốn để tăng trưởng mạnh sau khi dịch kết thúc như sản xuất. NHNN cũng nhấn mạnh quan điểm là tạo điều kiện về thủ tục nhưng không hạ chuẩn cho vay để đảm bảo an toàn hệ thống.
Như vậy việc lựa chọn các DN và lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng và có kế hoạch trả nợ tốt cho thấy chủ đích một lựa chọn an toàn của hệ thống NH. Lựa chọn này có thể giúp hệ thống NH lành mạnh về tài chính trong ngắn hạn, nhưng rất có thể khắc nghiệt về mặt đạo đức.
Những DN gặp khó khăn sẽ bị bỏ lại và những DN không gặp khó khăn lại tiếp tục được hỗ trợ bằng lãi suất thấp. Sự sàng lọc DN kiểu này là hiệu quả trong điều kiện bình thường. Nhưng trong điều kiện dịch bệnh, khi mà dòng tiền DN bị nghẽn, tín dụng hỗ trợ cần đặt sự tồn tại trước sự tăng trưởng.
Nói như vậy để thấy rằng, nếu chỉ tính thuần túy tín dụng mới thì đó không hẳn là một sự cứu trợ dịch bệnh. Nhưng cũng không thể trách NH, bởi chính họ cũng là nhóm ngành nghề kinh doanh chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Khi gói tín dụng cứu trợ được thông báo, hệ thống NH thực tế đã chỉ cam kết tham gia dựa trên tình hình thực tế của từng NH với tinh thần chia sẻ khó khăn. Hệ thống NH cũng cần sống và an toàn hệ thống cần phải được đảm bảo.
Lựa chọn sai và rủi ro
Lựa chọn sai và rủi ro
Song tôi có một niềm tin rằng, hệ thống NH có thể đã đang sai lầm. Ngay cả bỏ qua yếu tố đạo đức mà tôi đề cập ở trên, cách tiếp cận an toàn của hệ thống NH có thể lại đang tạo ra một rủi ro tiềm ẩn lớn hơn nhiều cho nền kinh tế và cho họ, không phải ở hiện tại mà trong tương lai 2-3 năm tới.
Việc lựa chọn khách hàng ít bị ảnh hưởng và có khả năng tăng trưởng nhanh để cho vay với lãi suất thấp, cũng đồng nghĩa với việc hệ thống NH đang tạo ra một nhóm khách hàng có lợi thế tiền rẻ tương đối so với các khác hàng còn lại.
Lợi thế tiền rẻ thường dẫn tới các quyết định đầu tư sai lầm, và do vậy rủi ro lựa chọn sai khách hàng sẽ tiếp tục dẫn tới rủi ro do khách hàng làm không đúng điều NH muốn. Nợ xấu khi đó sẽ tăng hoặc ít nhất hệ thống NH cần phải mất một chi phí rất lớn cho việc giám sát các khách hàng sử dụng tiền vay như thế nào.
Bởi vậy, lựa chọn tốt nhất với hệ thống NH trong việc thực hiện gói cứu trợ xét ở khía cạnh tín dụng mới nên nhấn mạnh vào yếu tố cho vay duy trì tồn tại, thay vì định hướng đạt chuẩn và tăng trưởng.
Điều này không những tránh được rủi ro do tiền rẻ được đặt sai chỗ, mà còn tạo ra giá trị xã hội đến từ các cân nhắc yếu tố đạo đức như đã nêu trên. Các vấn đề khác liên quan tới thủ tục hay quy trình quản lý rủi ro, sẽ tạo sự khác biệt quá nhiều giữa thời điểm dịch bệnh và bình thường.
Việc lựa chọn khách hàng ít bị ảnh hưởng và có khả năng tăng trưởng nhanh để cho vay với lãi suất thấp, đồng nghĩa với việc hệ thống NH cần an toàn. Song cách tiếp cận an toàn này có thể đang tạo ra một rủi ro tiềm ẩn lớn hơn nhiều cho nền kinh tế và cho NH, không phải ở hiện tại mà trong tương lai 2-3 năm tới. |