Lưu ý, vẫn có nhóm DN được hưởng lợi từ giá xăng dầu tăng, nhất là DN thuộc ngành dầu khí cũng như những ngành sản xuất mặt hàng có giá sản phẩm đồng hành với giá dầu khí (sản xuất cao su nguyên liệu thô). Ngành than cũng được hưởng lợi gián tiếp từ khủng hoảng năng lượng và tác động Covid-19.
Do vậy một trong những giải pháp cứu nguy DN lúc này là Chính phủ nên thực hiện giảm thuế/phí xăng dầu để giảm tải gánh nặng chi phí đầu vào. Tuy nhiên, đây là bài toán cần có lời giải phù hợp, hữu hiệu.
Trước hết, việc hỗ trợ DN đợt này cần đặt trong tổng thể các gói hỗ trợ phục hồi và kích thích tăng trưởng thời gian tới, tính đến triển vọng trung và dài hạn của bệnh dịch, hồi phục kinh tế và khủng hoảng năng lượng. Nguyên tắc tối thượng trong hỗ trợ DN là “đúng đối tượng”, “đúng liều” và “đúng thời điểm”.
Thí dụ, DN du lịch, vận tải bị tác động nặng cần sự hỗ trợ khác so với DN khác, nhất là những nhóm DN được hưởng lợi từ đại dịch và khủng hoảng năng lượng thế giới.
Điều cần lưu ý, trong các loại thuế, phí không phải tất cả đều có thể giảm, loại bỏ nhanh chóng mà đòi hỏi nghị quyết của Quốc hội, nghĩa là đòi hỏi thời gian kéo dài, thậm chí rất lâu.
Mức độ “hy sinh” về hụt thu là chấp nhận, song cần tính trong bối cảnh chung, để xác định mức độ phù hợp. Như vậy chúng ta mới hỗ trợ hữu hiệu DN, người dân và nền kinh tế trong bối cảnh còn nhiều yếu tố bất định, đan xen hiện nay.
Biến động giá xăng, dầu có tác động đa chiều, sâu rộng vào giá thành sản xuất cũng như tiêu dùng của người dân, tổ chức và DN. Nó tạo ra hiệu ứng “phí đẩy” và “cầu kéo” trong nền kinh tế.
Mức tác động phụ thuộc vào độ co giãn về giá của DN, hiệu quả của hệ thống phân phối, kỳ vọng về lạm phát cũng như tính hiệu quả, thu nhập khả dụng, hiệu lực của các chính sách kiểm soát dịch bệnh, hồi phục kinh tế và giảm tổn thương cho người dân, DN.
Hiệu ứng tác động dài nhất, có thể nhiều vòng là tác động lên chỉ số giá sản xuất (PPI), sau đó là chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Về khía cạnh kỹ thuật tính toán, việc tăng giá xăng dầu tác động lên PPI thông qua chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng công nghiệp và hàng nông lâm thủy sản, chỉ số giá cước vận tải - những đầu vào sản xuất, kinh doanh.
Theo lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng cụ thể, biến động giá xăng dầu tác động lên các lĩnh vực sử dụng xăng dầu và liên quan (tùy mức độ, hàm lượng sử dụng), thí dụ giá điện, giá gas, du lịch, giao thông vận tải, chất đốt; quặng sắt, phôi thép, xi măng… Và khi thu nhập khả dụng của người dân, DN giảm có thể là nhân tố giúp giảm lạm phát.
Như vậy, áp lực lạm phát do chi phí đẩy trong các quý tiếp theo khá cao, nhất là quý IV này. Ngoài ra, cùng với việc nới lỏng tài khóa, tiền tệ và đẩy mạnh chi tiêu công (cầu do phía Nhà nước tạo ra), cũng như mức cầu được giải phóng sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài, có thể đẩy mức lạm phát lên cao hơn nhiều. Tuy nhiên, lạm phát tăng sẽ khiến việc hạ lãi suất tín dụng trở nên khó khăn.
Bài toán đặt ra đối với kiểm soát lạm phát là phối hợp tốt chính sách tài khóa (cả chi tiêu công lẫn thuế nhập khẩu), tiền tệ (lãi suất, cung tiền) và tự do hóa giá cả một số dịch vụ, đặt trong bối cảnh chung chính sách ứng phó với Covid-19, phục hồi và kích thích kinh tế, ổn định vĩ mô trong ngắn, trung và dài hạn.
Các giải pháp ban đầu có thể sớm ứng dụng để giảm áp lực lạm phát, kích thích tăng trưởng, trước hết thực hiện tốt chính sách phòng chống Covid-19, mở cửa an toàn nền kinh tế.
Dư địa giảm lạm phát do yếu tố quốc tế có thể làm là nghiên cứu cơ chế giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng, dầu và nhiên liệu liên quan, kể cả hàng liên quan đến đầu tư công (chấp nhận hụt thu thuế một phần).
Đồng thời, cần tính đến việc tạm hoãn thị trường hóa dịch vụ cơ bản trong năm, thúc đẩy thanh toán điện tử, thương mại điện tử để giảm áp lực tăng giá; thúc đẩy thanh tra, giám sát thị trường, hoàn thiện hệ thống phân phối hàng hóa, xử lý nghiêm các hành vi găm giá, lũng đoạn thị trường; tăng cường công khai thông tin về thị trường, giá cả trong nước và quốc tế…
Biến động giá xăng, dầu tác động đa chiều, sâu rộng vào giá thành sản xuất cũng như tiêu dùng của người dân, tổ chức và DN. Nó tạo ra hiệu ứng “phí đẩy” và “cầu kéo” trong nền kinh tế. Từ đó tạo ra áp lực lạm phát. |