Xăng dầu tiếp tục “bào mòn” túi tiền người dân

(ĐTTCO) - Chiều 1-3, liên bộ Công thương - Tài chính đã cho phép doanh nghiệp tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Theo đó, xăng E5 RON92 tăng thêm 547 đồng/lít, tối đa với xăng E5 RON92 là 26.077 đồng/lít; giá xăng RON95 tăng thêm 554 đồng/lít, tối đa 26.834 đồng/lít. 

Đây là lần tăng thứ 6 liên tiếp và là đợt tăng thứ 5 trong năm 2022. Cùng với giá gas tăng, việc giá xăng dầu tiếp tục điều chỉnh đã tạo sức ép tăng giá lên các mặt hàng thực phẩm, dịch vụ tiêu dùng, vận tải...

Người dân đổ xăng vào thời điểm sau khi xăng tăng giá. Ảnh: QUANG PHÚC

Người dân đổ xăng vào thời điểm sau khi xăng tăng giá. Ảnh: QUANG PHÚC

Kiểm soát giá hàng hóa 

Theo liên bộ Công thương - Tài chính, trong 10 ngày qua, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là do xung đột giữa Nga và Ukraine, nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng, trong khi nhu cầu xăng dầu tăng cao. Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong tuần qua đã lên tới 111-114 USD/thùng. Do giá xăng dầu liên tục tăng nên từ đầu năm đến nay, liên bộ cho phép doanh nghiệp chi mạnh Quỹ Bình ổn giá để kiềm chế mức tăng giá xăng dầu trong nước. Trong khi theo báo cáo cập nhật của Bộ Tài chính, hiện Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã sụt giảm mạnh so với thời điểm cuối năm 2020. Tính đến ngày 31-12-2021, tổng số dư của quỹ này chỉ còn 898,582 tỷ đồng.

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), giá xăng dầu tăng cao trong 6 lần gần đây đã tác động trực tiếp tới các loại hàng hóa, dịch vụ có chi phí đầu vào sử dụng xăng dầu (vận tải đường bộ, hàng không, khai thác hải sản, sản xuất nông nghiệp, du lịch…), ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sinh hoạt, nhu cầu đi lại của người dân, giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm… Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, trong các yếu tố khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 tháng đầu năm nay tăng 1,68% thì giá xăng dầu tăng là một trong những nguyên nhân chính.

Để giá xăng dầu không ảnh hưởng quá mạnh tới giá cả thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong nước, ngày 1-3, Bộ Công thương đã ban hành Công điện số 960 gửi Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường. Công điện do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ký đã yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT chỉ đạo toàn lực lượng tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, phối hợp các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung - cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh, hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính. 

Dịch vụ vận tải rục rịch điều chỉnh giá

Theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, giá xăng dầu tăng trong khi việc điều chỉnh giá cước chưa thể thực hiện được ngay khiến không ít lái xe muốn tạm dừng chạy vì thu nhập bị giảm mạnh. Các doanh nghiệp taxi đang xem xét điều chỉnh giá cước phù hợp, bởi giá xăng đã tăng nhiều lần mà giá cước chưa điều chỉnh. Tương tự, thông tin từ đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách vẫn chưa phục hồi hoạt động sau dịch, do hành khách ít.

Hiện số lượng phương tiện hoạt động chỉ chiếm khoảng dưới 50% tổng số phương tiện, nhất là các doanh nghiệp có tuyến chạy tới các tỉnh miền núi. Trong điều kiện doanh thu chưa đủ bù chi phí, cộng thêm giá xăng tăng, các doanh nghiệp vận tải hành khách đều phàn nàn “càng chạy càng lỗ”, nhưng nếu dừng chạy thì không có dòng tiền. Sắp tới, các doanh nghiệp vận tải hành khách sẽ phải xem xét tăng giá cước. 

Xăng dầu tiếp tục 'bào mòn' túi tiền người dân ảnh 1Khách chọn mua rau tại một chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM

Tuy nhiên, nếu tiếp tục vắng khách như hiện nay thì việc tăng giá cước cũng không cứu được doanh nghiệp vận tải. Với các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, theo tính toán sơ bộ, việc tăng giá xăng lần này, các doanh nghiệp cần phải điều chỉnh giá cước tăng lên 10%, dẫn đến chi phí vận tải đường bộ bị đội lên đến 5%. Vì vậy, các doanh nghiệp vận tải kiến nghị Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan cần sớm xem xét cơ cấu về thuế, phí và các công cụ linh hoạt hơn để điều hành giá xăng dầu, giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp vận tải.

Áp lực lớn tới người tiêu dùng

Ghi nhanh trong ngày 1-3, giá thực phẩm chế biến sẵn, ẩm thực chay… tiếp tục nhích. Chị Lê Phương, ngụ tại Nguyễn Ảnh Thủ (huyện Hóc Môn, TPHCM) cho hay, từ ngày 1-3, giá gas tăng vọt lên 42.000 đồng/bình 12kg, giá xăng điều chỉnh lên mức gần 27.000 đồng/lít đã khiến những người kinh doanh mặt hàng ăn uống, chế biến sẵn rất áp lực. “Tăng giá bán 1 tô bún từ 25.000 đồng lên 28.000 đồng là người ta chê mắc. Nhưng, nếu không tăng giá thì phải bù lỗ, vì giá nhiên liệu tăng mạnh”, chị Lê Phương nói. 

Anh Nguyễn Văn Quyết (ngụ tại Nguyễn Thị Đặng, quận 12, TPHCM) cho biết, vài ngày nay đi mua hàng “cứ như bị mất trộm tiền”. Thực phẩm tươi sống, rau củ quả, dầu ăn… mỗi thứ nhích lên mỗi chút khiến người tiêu dùng mệt mỏi. Anh Quyết nói thêm: “Cách đây vài tuần, đổ đầy bình xăng chỉ khoảng 80.000 đồng, nhưng nay phải mất 110.000-120.000 đồng. Thùng sữa tươi (loại hộp giấy) cho trẻ em chỉ khoảng 680.000 đồng, nhưng nay tăng thêm 30.000 đồng. Tô bún bò ngày thường 35.000 đồng nay 40.000 đồng nhưng ít bún, ít thịt hơn”. 

Không chỉ các mặt hàng ăn uống, giá dịch vụ cắt nhuộm tóc, gội đầu, chăm sóc sắc đẹp… cũng dùng đủ chiêu “phụ thu” của khách. Tại một tiệm cắt nhuộm tóc nằm trong hẻm thuộc đường Lê Văn Khương (quận 12, TPHCM), giá gội đầu bình dân được điều chỉnh tăng 10.000 đồng, lên mức 35.000 đồng/người; giá cắt và nhuộm màu (trừ màu đen) tăng 50.000 đồng/người, lên mức 350.000 đồng/người… Dịch vụ làm móng cũng tăng khoảng 10.000 đồng/người với lý do phụ thu vì… trượt giá. Theo chị Phương Thị Lan Anh, chủ tiệm làm đẹp trên đường Dương Thị Mười (quận 12, TPHCM), tình trạng “ăn theo” giá xăng dầu đã xảy ra sau Tết Nguyên đán và “nhích” thêm khoảng 1 tuần trở lại đây. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chi tiêu thắt chặt như hiện nay, việc tăng giá thực phẩm, dịch vụ các loại… càng khiến cho đời sống người dân khó khăn hơn. 

Thông tin từ một số siêu thị trên địa bàn TPHCM cho biết, đã nhận được đề nghị tăng giá bán lẻ từ nhà cung ứng, nhưng các bên vẫn đang trong quá trình đàm phán để giữ giá tốt cho người mua. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail (sở hữu hệ thống siêu thị Big C) tại Việt Nam, khẳng định, vẫn chưa đưa ra bất kỳ thay đổi nào về giá bán các sản phẩm tại các siêu thị.


Bắc miền Trung: Giá dầu tăng, tàu cá nằm bờ 


Từ sau Tết Nhâm Dần đến nay, do dầu tăng giá nên nhiều tàu cá tại khu vực Bắc miền Trung vẫn nằm bờ, chưa ra khơi đánh bắt. Ông Phan Văn Hải, Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) cho biết, cả xã có khoảng 160 tàu chuyên đánh bắt xa bờ, nhưng hiện chỉ có khoảng 70-80 tàu ra khơi. Nguyên nhân chính tàu nằm bờ là do dầu tăng giá, lo ngại thua lỗ… Tại các xã Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Hải (huyện Quảng Xương), Quảng Đại, Quảng Hùng (TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) hiện cũng rất ít bè mảng ra khơi, mặc dù đang vào mùa đánh bắt cá trích. Tại cảng cá Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) hiện có hơn 200 tàu đánh bắt xa bờ nhưng nằm bờ vì giá dầu tăng, ngư trường chưa dồi dào hải sản và thời tiết xấu. Tại cảng cá Lạch Hới (TP Sầm Sơn) cũng có hơn 200 tàu nằm bờ với lý do tương tự.

 Ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, cục đang cùng lực lượng liên ngành ra quân kiểm tra các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, trang thiết bị y tế… có dấu hiệu vi phạm. Mục tiêu nhằm ổn định thị trường tiêu dùng, tránh hiện tượng đầu cơ tăng giá bán, kinh doanh “nhỏ giọt”…

Các tin khác