Khó khăn trong xử lý TSĐB
Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu ra đời được kỳ vọng tạo hành lang thông thoáng, xử lý dứt điểm “cục máu đông” nợ xấu, khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế. Thế nhưng, tiến độ xử lý chưa thật sự tương xứng với kỳ vọng.
Một nội dung vẫn thường được nhắc đến trong các báo cáo của các NHTM cũng như NHNN, là xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã đạt được kết quả tích cực nhưng thực tế vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc nên cần tiếp tục có sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan để xử lý, trong đó gồm vướng mắc trong việc thu giữ tài sản đảm bảo (TSĐB) hay giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn tại tòa.
Đó là việc TSĐB dù thu hồi được nhưng bán nó để thu hồi nợ là câu chuyện chưa thấy hồi kết. BIDV mới đây thông báo bán đấu giá khoản nợ của 2 doanh nghiệp (DN) xây dựng theo hợp đồng tín dụng, là Công ty TNHH Xây dựng - Kinh doanh nhà Bách Giang và Công ty TNHH Xây dựng thương mại Cao Nguyên. Đây là lần thứ 8 khoản nợ này được rao bán.
Hay Vietcombank thông báo bán đấu giá tài sản thế chấp của Công ty Tư vấn thiết kế dầu khí với giá khởi điểm 270,6 tỷ đồng để thu hồi nợ vay. Khoản nợ này được rao bán nhiều lần nhưng chưa thành công. Trong lần chào bán gần nhất, giá bán ở mức 340 tỷ đồng. Đó chỉ là số ít trong rất nhiều TSĐB có giá trị lớn của các nhà băng đang bị ế, dù nhiều khoản đã được đại hạ giá.
Việc xử lý TSĐB gặp khó ở thời điểm hiện tại cũng là điều được dự đoán từ nhiều năm trước. Nguyên nhân một phần do giá trị TSĐB được rao bán chưa sát với giá trị thực, do được định giá quá cao trong quá khứ. Nay, các nhà băng tính đến cả số tiền gốc lẫn lãi trong giá bán, trong khi các TSĐB đó sau thời gian dài đã không còn giá trị như ban đầu. Phần khác đến từ việc đa số tài sản thế chấp tại NH ở nhiều dạng khác nhau, nhưng phần lớn là bất động sản (BĐS). Trong đó có những tài sản về pháp lý có thể mua bán được nhưng cũng có tài sản vướng pháp lý chưa thể mua bán được.
Cũng có những loại BĐS bán thành phẩm mới đền bù một phần hay đang xây dựng dang dở, nên người mua cũng lo ngại những thủ tục tiếp theo, hoặc đó là các nhà máy, xí nghiệp không có triển vọng phát triển được. Những sản phẩm như vậy khó kích được nhu cầu của thị trường. Hơn nữa, nguồn cung quá nhiều nhưng người mua lại không nhiều.
Nợ xấu mới nguy cơ phát sinh ở mức cao
Nợ xấu mới nguy cơ phát sinh ở mức cao
Những khó khăn trong xử lý TSĐB, nguy cơ phát sinh nợ xấu mới ở mức cao, cũng như các khoản nợ của DN BĐS thông qua TPDN, đang khiến việc xử lý nợ xấu của các NH càng nan giải. |
Tìm lối thoát cho nợ xấu vẫn là câu chuyện xuyên suốt trong nhiều năm qua, nhưng các thống kê ở trên cho thấy ngành NH vẫn chưa thể thoát được gánh nặng nợ xấu. Trong khi đó, nợ xấu mới có nguy cơ phát sinh ở mức cao. Theo số liệu của NHNN, đến 31-12-2021 tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức 6,31%.
Hiện tại, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ, theo đó kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 đến hết ngày 31-12-2023, đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15. Song các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần phải có cam kết cụ thể, bởi nếu không sẽ không xử lý được các khoản nợ xấu hiện hữu và còn có nguy cơ tiếp tục phát sinh thêm.
Điều đáng lo, trong thời gian tới nợ xấu không chỉ từ các khoản nợ được cơ cấu do tác động của dịch bệnh, còn từ các khoản nợ của DN BĐS đối với NH thông qua trái phiếu DN (TPDN). Theo số liệu của SSI Research, năm 2021 các DN BĐS phát hành 318.200 tỷ đồng TPDN, chiếm 44% tổng lượng TPDN phát hành, tăng 66,3% so với năm 2020. Trong đó, số TPDN không có TSĐB hoặc đảm bảo (một phần/toàn bộ) bằng cổ phiếu 172.500 tỷ đồng, chiếm 54,2% lượng phát hành 2021.
Nhiều ý kiến cho rằng, các DN BĐS sẽ khó tiếp tục huy động vốn mạnh từ thị trường TPDN sau sự cố nói trên. Cùng lúc đó NHTM đã siết tín dụng đối với lĩnh vực này theo lộ trình, khi NHNN nâng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay BĐS và đề ra lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Như vậy, DN BĐS dự kiến sẽ “kẹt vốn” trong tương lai. Theo PGS.TS Trương Quang Thông, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, lượng lớn TPDN trong đó có TP BĐS là do các NHTM nắm giữ và con số đó chắc chắn không nhỏ.
Nếu như vậy, trường hợp các DN này không thể hoàn trả tiền cho trái chủ do khó khăn huy động vốn, dẫn đến tắc nghẽn dự án, tắc nghẽn thanh khoản, các NH cũng bị tác động mạnh. Đặt trong toàn cảnh như vậy, có thể nói ngành NH đang tìm lối thoát đối với nợ xấu nhưng hiện tại vẫn bị bao vây bởi vòng nợ xấu và sẽ còn tiếp tục chịu đựng gánh nặng này.