Mỹ - thị trường lớn, dễ bị kiện
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2020 Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 76,4 tỷ USD (tăng 24,5% so với 2019). Tiếp đến là Trung Quốc đạt 48,5 tỷ USD (tăng 17,1%); thị trường EU 34,8 tỷ USD (giảm 2,7%); ASEAN 23,1 tỷ USD (giảm 8,7%); Nhật Bản 19,2 tỷ USD (giảm 5,7%); Hàn Quốc 18,7 tỷ USD (giảm 5,1%).
Với nhiều ngành hàng, Mỹ hiện là thị trường số một. Thủy sản là thí dụ điển hình. Cụ thể trong top thị trường chủ lực của thủy sản trong năm 2020, Mỹ và Trung Quốc duy trì tăng trưởng dương so với 2019 lần lượt 13% và 5%. Trong đó tôm vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt nhất vào thị trường Mỹ bất chấp dịch covid-19.
Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), dù Mỹ là tâm dịch nhưng xuất khẩu tôm sang thị trường này vẫn tăng trưởng dương, đây là thị trường ổn định nhất của con tôm Việt Nam.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Sao Ta, nhận định giá bán vào thị trường Mỹ không bằng EU nhưng dễ bán hơn, do có sức tiêu thụ lớn và các yêu cầu không quá khắt khe như EU. Thêm vào đó, năm 2020 Ấn Độ đứt gãy chuỗi cung ứng trong ngành tôm đã tạo lợi thế cho con tôm Việt Nam khi vào Mỹ.
Tuy nhiên, thị trường lớn cũng kèm theo những thách thức không nhỏ, khi tôm và cá tra Việt Nam liên tục phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá ở Mỹ suốt nhiều năm qua, và dự báo năm 2021 các vụ kiện này chưa dừng lại.
Bên cạnh thủy sản, Mỹ cũng là thị trường lớn của ngành gỗ Việt Nam. Năm 2020 gỗ là một trong những ngành về đích với tổng kim ngạch hơn 12 tỷ USD. Trong các thị trường xuất khẩu chính của ngành gỗ, Mỹ vẫn là thị trường có mức tăng trưởng tốt.
Hiện Mỹ chiếm khoảng 50% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt. Song ngành gỗ trong năm 2020 liên tục phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá từ Mỹ và Hàn Quốc, như với các mặt hàng gỗ dán có liên quan đến các hành vi gian lận thương mại và lẩn tránh thuế.
Cơ quan đại diện thương mại của Mỹ cũng cáo buộc ngành gỗ Việt Nam sử dụng gỗ bất hợp pháp tại thị trường nội địa và trong sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ. Nguy cơ chính phủ Mỹ áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại các mặt hàng gỗ Việt Nam vào Mỹ rất lớn.
Tận dụng FTA đẩy nhanh qua EU
Tận dụng FTA đẩy nhanh qua EU
EVFTA trở thành một trong những FTA được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2020 và tiếp tục trở thành kỳ vọng cho xuất khẩu năm 2021. Song các doanh nghiệp có tận dụng EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu vào EU lại là việc không đơn giản khi cơ hội và thách thức đang đan xen.
Theo ông Hồ Quốc Lực, EVFTA và UKVFTA đang tạo ra thị trường lớn cho mảng tiêu thụ tôm chế biến của Việt Nam, nhưng các tiêu chuẩn của Anh và EU quá khắt khe, trong khi chúng ta chưa có tâm thế chuẩn bị tốt để đẩy mạnh vào các thị trường này.
Cụ thể, việc cấp mã số vùng nuôi tôm hiện rất chậm, nguyên nhân do các quy định, thủ tục đăng ký chúng ta đã không lường hết tình hình thực tế khi xây dựng.
“Châu Âu đòi hỏi tôm phải được nuôi theo chuẩn ASC. Điều này không dễ vì để đạt chuẩn này trại nuôi phải có diện tích lớn, trong khi đặc thù ngành nuôi tôm Việt Nam là nhỏ lẻ, manh mún. Để có thể đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào EU không chỉ có nỗ lực của doanh nghiệp, còn cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Ngành tôm đang đứng trước thời cơ tăng tốc nhưng phải có sự chuẩn bị đồng bộ, trong đó quan trọng nhất là truy xuất nguồn gốc, việc gắn liền với công tác cấp mã số cơ sở nuôi” - ông Lực nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Trọng Phi, Chủ tịch Giovanni Group, cho rằng với dệt may, da giày - những ngành xuất khẩu nhiều vào Mỹ - có thể tận dụng tốt EVFTA để chuyển hướng qua EU nhiều hơn. Đây là cơ hội để dệt may và da giày bứt phá, với điều kiện doanh nghiệp phải chuyển đổi từ gia công sang xây dựng thương hiệu. Bởi khi EVFTA có hiệu lực sẽ cho phép ngành dệt may, da giày được hưởng ưu đãi với nguồn nguyên phụ liệu chất lượng cao để tạo ra những sản phẩm thời trang cao cấp.
Tuy nhiên, do các doanh nghiệp vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu chính từ Trung Quốc nên không dễ dàng được hưởng ưu đãi từ EVFTA hay UKVFTA. Thêm nữa, để chuyển từ gia công sang xây dựng thương hiệu cần thời gian và tiềm lực. Vì thế khả năng bứt phá cho dệt may, da giày thông qua EVFTA chưa nhiều.
Bên cạnh EU, các thị trường ít khó tính như ASEAN đang có thêm lợi thế về thuế cũng được khuyến khích đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2021. Trong khi nhiều năm qua doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác tốt thị trường này, một phần vì tính tương đồng trong các sản phẩm xuất khẩu giữa các nước khá cao.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong quan hệ thương mại với ASEAN, Việt Nam luôn nhập siêu với kim ngạch nhập khẩu chiếm 55% tổng kim ngạch thương mại. Có thể thấy thách thức cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021 vẫn còn nhiều, dù đến nay chúng ta đã có tới 16 FTA với nhiều quốc gia và khu vực.
Làm sao để tối ưu hóa lợi ích từ các FTA vẫn là bài toán cần sự chung tay của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng trong việc tìm ra lời giải.