Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 10 trị giá xuất khẩu nhóm hàng rau quả đạt 310 triệu USD, tăng 23% so với tháng 9 và tăng 28% so với tháng 10-2021. Có được kết quả phấn khởi này nhờ trị giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (thị trường lớn nhất của rau quả xuất khẩu Việt Nam) tăng mạnh, đạt 152 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính từ đầu năm đến nay, đây là tháng duy nhất xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng dương.
Sức bật từ sầu riêng, chuối và thanh long
Sức bật từ sầu riêng, chuối và thanh long
Chia sẻ với ĐTTC về kết quả khả quan này, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết do Việt Nam có thêm một số mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, trong đó đáng chú ý nhất là trái sầu riêng.
Cụ thể, sau 4 năm đàm phán, ngày 11-7-2022, Bộ NN-PTNT đã ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Giữa tháng 9 khoảng 100 tấn sầu riêng đầu tiên đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Từ đây con đường cho sầu riêng Việt Nam đang dần rộng mở.
Ông Nguyên cho biết, sầu riêng Việt Nam hiện đang có rất nhiều lợi thế so với đối thủ chính Thái Lan ở thị trường tiêu thụ khổng lồ Trung Quốc. Thứ nhất, nhờ vị trí địa lý gần nên doanh nghiệp Việt chỉ mất khoảng 1,5 ngày vận chuyển sầu riêng theo đường bộ, trong khi Thái Lan cần khoảng 10 ngày. Điều này giúp chi phí logistics giảm rất nhiều.
Thứ hai, sầu riêng Việt Nam khi cắt độ chín cao hơn nên chất lượng ngon hơn, phù hợp với thị hiếu thích dùng hàng chín cây của người tiêu dùng Trung Quốc, vì thế giá bán cũng tốt hơn hàng Thái Lan. Lúc này các nhà nhập khẩu của Trung Quốc được hưởng lợi nhiều hơn nên họ cũng thích hàng Việt hơn.
Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam mới có 51 mã vùng trồng và 25 mã cơ sở đóng gói sầu riêng được cấp phép, con số còn rất khiêm tốn so với Thái Lan, nên dù thị trường có nhu cầu nhưng chúng ta cũng chưa có đủ hàng cung cấp.
“Kỳ vọng sang năm 2023 Việt Nam sẽ có thêm nhiều vùng được cấp mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói. Được như vậy sầu riêng hứa hẹn là mặt hàng xuất khẩu tỷ USD vượt qua thanh long” - ông Nguyên nhận định.
Được biết, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng 900.000 tấn sầu riêng và tương lai có thể lên 1 triệu tấn, trong khi Việt Nam mới xuất được khoảng 20.000-30.000 tấn, có nghĩa dư địa cho trái sầu riêng xuất khẩu còn rất lớn.
Ngoài sầu riêng, chuối vốn là một trong 11 mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Và khi Nghị định thư kiểm dịch quả chuối tươi với Trung Quốc được ký kết, không chỉ giúp các nhà vườn, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nắm bắt quy định rõ ràng minh bạch hơn, còn giúp thời gian thông quan được rút ngắn đáng kể khi tỷ lệ lấy mẫu kiểm tra giảm mạnh, sẽ thúc đẩy chuối Việt sang Trung Quốc thuận lợi hơn.
Chưa hết, thời gian qua Trung Quốc phải đối mặt với hạn hán và giá nhân công tăng cao, nên đang tăng nhập khẩu các mặt hàng rau quả, trong đó có chuối, thanh long. Với vị trí địa lý gần, chuối Việt Nam đang dần chiếm ưu thế hơn các đối thủ lớn như Philippines tại thị trường Trung Quốc.
Kỳ vọng 2023
Kỳ vọng 2023
Với những kết quả tích cực của tháng 10, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết 2 tháng cuối năm tình hình sẽ tiếp tục khả quan, toàn ngành kỳ vọng có thể mang về 3,4 tỷ USD cho năm 2022. Đặc biệt xuất khẩu rau quả đặt mục tiêu năm 2023 tăng trưởng ít nhất 20%.
Ngoài thị trường Trung Quốc, việc xuất khẩu sang các thị trường khác cũng ghi nhận những kết quả tích cực. Theo đó, 10 tháng năm 2022, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 219 triệu USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ 2021; Thái Lan đạt 153,4 triệu USD, tăng 26,4%; Nhật Bản đạt 141,3 triệu USD, tăng 6%... Đáng chú ý hầu hết thị trường này đều còn rất nhiều tiềm năng, dư địa tăng trưởng với trái cây Việt Nam.
Riêng thị trường Mỹ đến nay đã có 7 loại trái cây Việt Nam được xuất khẩu là bưởi, xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Mỗi năm Mỹ nhập khẩu khoảng 3,6 triệu tấn trái cây. Mỹ là một trong những thị trường có yêu cầu khắt khe về nông sản nhập khẩu, nhưng khi đã làm tốt cho thị trường Mỹ, hàng Việt có thể đi nhiều thị trường khác.
Tương tự, thị trường Nhật Bản mỗi năm có nhu cầu nhập khẩu khoảng 20 tỷ USD rau quả, nhưng rau quả Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3%, một con số quá thấp và còn nhiều dư địa để khai thác cho hàng Việt. Hay thị trường châu Âu, dù chúng ta có EVFTA nhưng thị phần rau quả Việt mới chiếm khoảng 1-2% tổng nhu cầu nhập khẩu của khu vực này. Tính chung, rau quả Việt Nam mới chiếm khoảng 1,4% tổng nhập khẩu rau quả của toàn thế giới.
Ông Đặng Phúc Nguyên cho biết thêm, việc Trung Quốc siết chặt kiểm soát theo chính sách zero Covid khiến rau quả Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Trung Quốc còn chiếm khoảng gần 55% tổng xuất khẩu rau quả của Việt Nam (trong khi những năm trước thị trường này luôn chiếm tới gần 70%). Cũng theo ông Nguyên, thời gian qua một số đối tác đến từ các khu vực như châu Âu đánh giá cao chất lượng hàng Việt, cho rằng 5-10 năm tới rau quả Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng, thậm chí vượt qua đối thủ lớn Thái Lan về chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh những nỗ lực đảm bảo quy trình trồng, thu hoạch, đóng gói đúng tiêu chuẩn của các quốc gia nhập khẩu, với diện tích trồng cây ăn quả 1,2 triệu ha và tổng sản lượng sau thu hoạch lên 12 triệu tấn, Việt Nam được dự báo có tiềm năng trở thành một trong những nước xuất khẩu trái cây lớn của thế giới.
Với kết quả khả quan năm 2022 và kỳ vọng 2023, Việt Nam được dự báo có tiềm năng trở thành một trong những nước xuất khẩu trái cây lớn của thế giới. |