Ngay đầu năm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành liên tiếp Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; Nghị quyết 11/NQ-CP năm 2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình; Chỉ thị 01/CT-TTg về đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần ngày 8/2/2022.
Trao đổi với PV, TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá các nghị quyết và chỉ thị ra đời đã thể hiện một nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong thúc đẩy nhanh phục hồi kinh tế vĩ mô và vi mô, giúp ổn định vi mô, thu nhập việc làm và cuộc sống cho người dân sau gần 2 năm đại dịch COVID-19 và nhiều đợt giãn cách xã hội.
Điều này cũng nhằm tới các mục tiêu, như giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch vốn còn phức tạp, khó lường; chủ động ngăn ngừa các tác động tiêu cực từ nền kinh tế thế giới vẫn chứa đựng nhiều bất ổn từ COVID-19; khủng hoảng năng lượng, đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng và logistics và căng thẳng địa kinh tế, địa chính trị tại một số điểm nóng. Hơn nữa, những nỗ lực này cũng giúp kinh tế Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, sức chống chịu và phục hồi nhanh từ cuộc khủng hoảng hiện tại và có thể trong tương lai.
Đồng thời đây cũng là đợt tháo gỡ, sửa đổi "cả gói" nút thắt, bất cập lớn trong các quy định trong đầu tư công, xây dựng, môi trường đầu tư-kinh doanh và liên quan tới thị trường bất động sản, thị trường tài chính.
Đúng liều, đúng đối tượng, đúng thời điểm và đúng bệnh
Ông đánh giá những giải pháp mà các nghị quyết và chỉ thị nêu trên đưa ra đã đúng, đủ chưa? Có những điểm nào nổi bật, mới và khác so với trước đây, thưa ông?
TS. Lê Xuân Sang: Có thể nói, Chính phủ, Quốc hội đã có nỗ lực lớn trong xây dựng, hoàn thiện và thực thi chính sách, pháp luật để phục hồi, kích thích tăng trưởng kinh tế, nhất là kích cầu một cách rõ ràng hơn theo phương châm "4 đúng": Đúng liều lượng, đúng đối tượng, đúng thời điểm và đúng bệnh/căn nguyên gây khó khăn kinh tế. Sau đây tôi chỉ nói ngắn gọn một số khía cạnh.
Những nội dung trong các nghị quyết và chỉ thị đã quan tâm, chú ý tới tính đặc hữu của khủng hoảng kinh tế toàn cầu (do COVID-19 gây ra) cũng như "thể trạng" và những đặc thù kinh tế nước ta - vốn đang khá lành mạnh, tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2017-2019 - đã bị cú sốc nặng do đại dịch, nhất là trong quý III/2021.
Tính "đúng" chỉ mang tính tương đối, song thể hiện trên một số phương diện sau. Trước hết, trong khủng hoảng kinh tế do COVID-19 gây ra, không phải mọi ngành đều bị thiệt hại, cũng có những ngành được hưởng lợi, nhất là những ngành kinh tế phi tiếp xúc. Những ngành bị thiệt hại có thể hồi phục nhanh, thậm chí một số ngành ít bị thiệt hại không cần hỗ trợ nhiều của Chính phủ.
Kinh nghiệm quốc tế, nhất là Trung Quốc, Mỹ cho thấy điều này. Tính "đúng liều" thể hiện một phần ở việc Chính phủ ban đầu kích thích kinh tế với quy mô nhỏ khi đại dịch trong nước về cơ bản được kiểm soát và nền kinh tế chưa thiệt hại nhiều (từ quý II/2020 đến quý II/2021), trong điều kiện tình hình quốc tế lúc đó còn rất bất định nên phải đề phòng. Khi nền kinh tế Việt Nam bị thiệt hại lớn, đại dịch bùng phát trên diện rộng thì gói kích thích cũng lớn và bao quát hơn.
Tính ưu tiên trong Chương trình Phục hồi kinh tế cũng thể hiện rõ hơn các nguyên tắc trên và tình hình dịch bệnh, kinh tế quý cuối năm 2021. Ưu tiên mới so với trước là tăng đầu tư đáng kể cho năng lực y tế, phòng chống, chữa bệnh COVID-19. Ưu tiên khác là đẩy mạnh mạnh mẽ đầu tư công để thúc đẩy nhanh tăng trưởng, công ăn việc làm.
Lĩnh vực này được xem là có tính lan tỏa nhanh nhất, bao gồm rất nhiều tiểu ngành, phân ngành. Đây cũng là lĩnh vực vốn "ỳ" nhất, vài ba năm gần đây không hoàn thành kế hoạch giải ngân do nhiều nguyên nhân.
Đặc biệt, lần này Chính phủ đã mạnh dạn ưu tiên chủ động phân cấp, phân quyền trong thực hiện các dự án đầu tư công, nhất là các dự án kết cấu hạ tầng cho các địa phương, ngành, dự án lớn, tạo điều kiện chủ động trong đấu thầu, nhất là nguồn nguyên vật liệu…
Chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ lao động cũng được ưu tiên, chi mạnh hơn so với mức hỗ trợ nhỏ và nhiều thủ tục phức tạp như trước. Trong đợt kích thích này, Chính phủ cũng đã có những cách làm mới như hỗ trợ người lao động trở lại doanh nghiệp làm việc, thu hút lao động, giảm thuế VAT (vừa hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng)...
Chính phủ cũng ưu tiên hơn cho phát triển kinh tế số, hạ tầng số và Chính phủ điện tử, vừa giúp chỉ đạo điều hành, nâng cao hiệu quả sản xuất, tránh tiếp xúc trực tiếp và tăng tiếp xúc từ xa trong bối cảnh COVID-19 hiện nay và giúp tăng hiệu quả quản trị, đa dạng hóa thị trường, nâng cao quy mô sản xuất nhờ áp dụng lợi thế của Công nghệ 4.0. Đây cũng là việc tận dụng tác động tích cực của COVID-19 để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Cuối cùng, các nghị quyết và chỉ thị trên cũng là đợt sửa đổi "cả gói" những nút thắt, bất cập lớn trong các quy định trong đầu tư công, xây dựng, môi trường đầu tư-inh doanh và liên quan tới thị trường bất động sản, thị trường tài chính. Nỗ lực này giúp trước mắt triển khai hữu hiệu Chương trình phục hồi tăng trưởng và tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế lành mạnh, bền vững của nước ta trong bối cảnh bình thường mới.
Đòi hỏi sự kiên định, quyết tâm, năng lực kiến tạo phát triển
Vậy theo ông, để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết và chỉ thị trên, cũng như phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, chúng ta cần quan tâm thêm đến những vấn đề gì?
TS. Lê Xuân Sang: Những nội dung trong các nghị quyết và chỉ thị trên nhìn chung là khá đầy đủ cho phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, vẫn cần làm rõ, bổ sung các quy định và hướng dẫn chi tiết hơn.
Đơn cử như tôi thấy chưa có quy định về đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) một cách bài bản và bền vững cho vaccine "Make in Viet Nam". Kinh nghiệm thành công của Nga, Mỹ, Anh và của Việt Nam (nhất là trong nghiên cứu, sản xuất vaccine lúc bùng phát dịch SARS năm 2003) cho thấy tầm quan trọng sống còn của việc đầu tư bài bản, bền vững thì mới chủ động sản xuất được vaccine có chất lượng, kịp thời, qua đó giảm thiểu thiệt hại về kinh tế và người, thậm chí hưởng lợi về thu hút FDI từ việc kiểm soát tốt dịch bệnh như trước khi bùng nổ đợt dịch thứ tư.
Chúng ta cũng cần làm rõ thứ tự ưu tiên giữa các giải pháp trực tiếp phục hồi từ đại dịch với các giải pháp khác, ví dụ, thúc đẩy tăng trưởng xanh. Thúc đẩy tăng trưởng xanh có nên và có thể làm hữu hiệu nhất để phục hồi, kích thích tăng trưởng, việc làm và an sinh xã hội với một quốc gia có thu nhập trung bình thấp, đang chịu tác động nặng nề từ COVID-19 như Việt Nam 1-2 năm tới hay không?
Những thất bại từ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng, tiêu dùng xanh tại một số nước phát triển (nhất là EU) trong giai đoạn đại dịch COVID-19 do nguồn lực hữu hạn, bị phân mảnh và hệ lụy từ chính biến đổi khí hậu (làm giảm các nguồn năng lượng điện phi carbon, quay trở lại dùng than đá); khủng hoảng năng lượng, bất ổn địa chính trị… cho thấy cần cân nhắc tính ưu tiên của lĩnh vực kinh tế xanh.
Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh, làm rõ việc cần lồng ghép, tích hợp với các chương trình/cải cách kinh tế có liên quan đã và đang thực hiện. Một vấn đề khác nữa cần làm rõ, đó là chi tiết hóa định hướng hoàn thiện thể chế trong gắn kết với các chương trình hồi phục và chuyển đổi số (đơn cử như hỗ trợ những đối tượng trong những ngành phi chính thức và/hoặc ứng dụng công nghệ số như Grab như thế nào?).
Với những giải pháp trên, ông có kỳ vọng gì về việc phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của nước ta trong năm 2022 và những năm tiếp theo?
TS. Lê Xuân Sang: Tôi rất kỳ vọng, cuối năm nay chủng Omicron được kiểm soát, các chủng mới (nếu có) sẽ không còn nguy hại như trước và hầu hết dân số Việt Nam được tiêm chủng mũi 3.
Thêm vào đó, chúng ta hy vọng rằng cuộc khủng hoảng năng lượng và nguy cơ xung đột địa chính trị tiềm tàng trên thế giới sẽ không gây hậu quả quá tiêu cực. Trong bối cảnh đó, hầu hết các nước, nhất là Việt Nam sẽ có điều kiện phục hồi kinh tế nếu việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật có hiệu quả và hiệu lực.
Các vấn đề đòi hỏi tính kiến tạo phát triển bao gồm: Kiềm chế lạm phát ở mức chấp nhận được khi các biến số bên ngoài vẫn còn bất ổn; tận dụng, đón đầu các tác động tích cực từ các FTA mới như RCEP, UKVFTA, EVFTA, CPTPP và các xu hướng chuyển dịch FDI vào ASEAN/Việt; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; chủ động phát hiện, ngăn ngừa các tác động tiêu cực (thương mại, đầu tư, tài chính) từ bên ngoài đối với nền kinh tế đất nước; và giám sát hữu hiệu việc phòng chống đại dịch, đầu tư, kích thích kinh tế tránh lạm dụng, tham nhũng hay đầu tư sai lệch với mục tiêu ban đầu.
Tất nhiên, tôi cũng phải nhấn mạnh rằng, việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và chính sách để thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng là rất quan trọng và đòi hỏi nhiều sự kiên định, nhất quán, quyết tâm cao từ các cấp cũng như tính chuyên nghiệp, năng lực kiến tạo phát triển và cầu thị của giới hoạch định chính sách vì sự nghiệp phục hồi và phát triển thịnh vượng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới.
Trân trọng cảm ơn ông!