Theo đánh giá của Deloitte Việt Nam, dự thảo Luật Thuế TTĐB được soạn thảo với sự đầu tư công phu và kỹ lưỡng bao gồm những thay đổi được đề xuất đã qua đánh giá toàn diện và chi tiết. Tuy nhiên, ngành đồ uống có cồn là một lĩnh vực nhạy cảm, có mối liên hệ mật thất với nhiều khía cạnh cuộc sống.
Do đó, với mong muốn góp phần hoàn thiện chính sách thuế, đặc biệt với ngành đồ uống có cồn, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam đã đưa ra một số kiến nghị và góp ý trên góc độ về quản lý thuế và ngân sách Nhà nước.
Ông Tuấn nêu ra những khó khăn mà các DN đang gặp phải. Theo đó, các DN trong ngành rượu, bia và thuốc lá đã phản ánh rằng việc tăng thuế suất TTĐB liên tục trong những năm gần đây đã gây ra áp lực lớn, vượt quá khả năng thích nghi của họ. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình kinh tế còn bất ổn do tác động kéo dài của đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, ngành kinh doanh đồ uống có cồn đã chịu ảnh hưởng nặng nề.
Ông Tuấn dẫn chứng sản lượng tiêu thụ giảm, chi phí vận hành tăng cao, và chuỗi cung ứng bị gián đoạn đã khiến cho quá trình phục hồi của các DN gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, việc tăng thuế suất TTĐB trong giai đoạn này có thể làm trầm trọng thêm tình hình, khiến DN không kịp thích nghi, dẫn tới nguy cơ phá sản hoặc thu hẹp quy mô sản xuất.
Thực tế quan sát cho thấy, khi giá rượu bia chính ngạch tăng do tăng thuế TTĐB, người tiêu dùng lại có xu hướng chuyển sang dùng các loại rượu bia nhập lậu, làm giả, sản xuất trái phép. Từ đó dẫn đến tình trạng thất thu nghiêm trọng hơn cho ngân sách Nhà nước mà sức khỏe của người dân có thể bị ảnh hưởng tiêu cực hơn do sử dụng sản phẩm giả hoặc kém chất lượng.
Theo báo cáo của WHO, tỷ lệ tiêu thụ rượu bia không chính ngạch tại Việt Nam những năm qua là khoảng trên dưới 60% trên tổng lượng tiêu thụ. Nói cách khác, khoảng gần 2/3 lượng rượu bia được tiêu thụ tại Việt Nam có thể xuất phát từ nguồn nhập lậu hoặc sản xuất cá thể.
Cũng theo ông Tuấn, mặc dù việc tăng thuế TTĐB có thể giúp tăng nguồn thu ngân sách nhưng mức tăng quá nhanh và cao đột ngột có thể dẫn đến những hệ lụy không mong muốn. Cụ thể, việc tăng thuế có thể làm thu hẹp quy mô sản xuất của các DN, dẫn đến lãng phí dây chuyền sản xuất và thiết bị đã đầu tư, cũng như tăng tỷ lệ thất nghiệp do cắt giảm lao động.
Bên cạnh đó, thu nhập của người nông dân trồng thuốc lá và các nguyên liệu khác để sản xuất bia, rượu cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, kéo theo sự suy giảm trong các ngành liên quan. Thời gian qua, ngành bia rượu cũng đã chứng kiến những sụt giảm trong tiêu thụ rượu bia từ việc thực thi quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Ngoài ra, báo cáo đánh giá tác động của dự thảo luật đã ghi nhận một số tác động tiêu cực có thể ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các lĩnh vực trong ngành. Tuy nhiên, báo cáo chưa cung cấp được các số liệu cụ thể và đáng tin cậy để đánh giá toàn diện mức độ ảnh hưởng này, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực từ việc gia tăng nguồn cung rượu bia phi chính thức từ nhập lậu, sản xuất không phép. Điều này gây khó khăn cho các DN và các cơ quan quản lý trong việc đưa ra các quyết định chiến lược và điều chỉnh cần thiết.
Ông Tuấn nêu ra một loạt khuyến nghị. Theo đó, Ban soạn thảo nên phối hợp chặt chẽ với các DN, Hiệp hội trong việc thực hiện những khảo sát và đánh giá định lượng với số liệu cụ thể về tác động của dự thảo đối với kinh tế - xã hội Việt Nam. Việc này không chỉ giúp đưa ra các quyết định chính sách hợp lý hơn mà còn đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong quá trình triển khai chính sách thuế TTĐB trong thời gian tới.
Trên cơ sở các thông tin đánh giá tác động đầy đủ, Ban soạn thảo nên cân nhắc đề xuất áp dụng mức thuế suất TTĐB thấp hơn so với dự thảo hiện tại, nhằm giảm bớt áp lực tài chính đối với các DN trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế hiện nay còn nhiều thách thức.
Lộ trình tăng thuế cần được giãn cách hợp lý với lộ trình dài hơn đối với các mặt hàng rượu, bia và thuốc lá và tiến tới chỉ dừng ở mức thuế suất tối đa là 80% để DN có đủ thời gian thích nghi và điều chỉnh mô hình kinh doanh phù hợp.