Ai vay, ai làm nợ xấu càng thêm xấu?

(ĐTTCO) - Số liệu công bố trong các tháng đầu năm cho thấy nợ xấu đang rất xấu khi có chung xu hướng tăng trên toàn hệ thống.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đáng chú ý, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, đã và đang có nhiều khoản có nguy cơ chuyển nợ xấu tiềm ẩn trong nền kinh tế chưa được thể hiện, thậm chí có nhiều khoản được ẩn giấu chưa được đánh giá rủi ro đúng mức.

Nợ xấu bủa vây khắp nơi

Theo các thống kê, vào cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu trung bình của 27 NH niêm yết được thống kê tăng 0,23 điểm % so với năm trước lên 1,6%. Trong đó, các khoản nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) đã tăng hơn 30.000 tỷ đồng, tăng 70% so với cuối năm 2021. Đà tăng nợ xấu tiếp diễn trong những tháng đầu năm 2023.

Đến cuối quý I, tổng số dư nợ xấu nội bảng của các nhà băng đã tăng 23% so với cuối năm 2022, lên hơn 170.000 tỷ đồng. Đồng thời, nợ cần chú ý (nhóm 2) của các nhà băng đã tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 6/27 NH niêm yết có tỷ lệ nợ xấu trên 3%, 4/27 NH có tỷ lệ nợ xấu xấp xỉ 3%, đặc biệt có 1 NH ghi nhận tỷ lệ nợ xấu lên đến 23%.

Số liệu thống kê từ báo cáo tài chính của các NHTM đã bày ra một diễn biến kém lạc quan, nhưng nhận định của NHNN còn thấy nhiều áp lực hơn ở phía trước. Cụ thể tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành NH như sau: Nếu như vào cuối năm 2021 nợ xấu ở mức 1,49%, thì cuối năm 2022 lên mức 2% và tăng lên 2,91% vào cuối tháng 2-2023.

Nhưng theo NHNN, đó là báo cáo của các TCTD, còn qua rà soát, đánh giá, NHNN nhận thấy có một số khoản chưa phải là nợ xấu theo quy định của pháp luật hiện hành nhưng có nguy cơ chuyển nợ xấu (như các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...).

Trên nguyên tắc đó, NHNN xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các TCTD đến cuối tháng 2-2023 ước chiếm tỷ lệ 5% so với tổng dư nợ.

Tại báo cáo kết quả kiểm toán Chuyên đề thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 của Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội mới đây có nêu, nhiều TCTD xác định tỷ lệ nợ xấu không đúng hướng dẫn của NH; không tính toán đầy đủ các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu.

Thậm chí, nếu tính toán và xác định lại một số TCTD không đạt được mục tiêu về kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Cơ quan Kiểm toán nhấn mạnh, có những NH nợ xấu ở mức 8,6%, 8,41%, 8,5%, cá biệt có NH nợ xấu lên tới 13,4%. Toàn cảnh như vậy cho thấy, bức tranh nợ xấu của các NH Việt Nam đang rất xấu, bởi đi song hành còn có rất nhiều khoản nợ tiềm ẩn, nợ bị che giấu trong các năm trước chưa được thể hiện công khai.

Ai bùng nợ xấu?

Các năm qua, câu chuyện xử lý nợ xấu được hỗ trợ mạnh về mặt chính sách để khai thông khó khăn. Các NH cũng dần xử lý được các nợ xấu tồn đọng trước đây thông qua việc bán nợ cho VAMC. Thời điểm này, đa số các NH đã trích lập đầy đủ, mua lại nợ từ VAMC và bán tài sản để thu hồi vốn.

Điểm đáng nói là qua các cuộc bán đấu giá tài sản, đã lộ ra việc các NH mạnh tay cho vay hàng trăm đến hàng ngàn tỷ đồng đối với một DN hoặc nhóm DN và rồi không thu hồi được. Vậy các DN này là ai? Có phải là “sân sau” của các ông chủ nhà băng mới được ưu đãi?

Cụ thể tháng 2-2023, Sacombank đã mang 18 khoản nợ được đảm bảo bằng quyền tài sản tại Dự án Khu công nghiệp Phong Phú, huyện Bình Chánh (TPHCM) ra bán đấu giá. Khoản nợ này đã được bán cho VAMC, sau đó VAMC đã ủy quyền cho Sacombank bán các khoản nợ này theo quy định. Giá khởi điểm của khoản nợ là 7.934 tỷ đồng.

Tương tự, BIDV, VietinBank và nhiều nhà băng khác cũng nằm trong danh sách nhà băng có nhiều khoản nợ trị giá hàng trăm tỷ đến hàng ngàn tỷ đồng và đang có xu hướng hạ giá hàng trăm tỷ đồng đối với nhiều khoản nợ của các DN lớn, vì tài sản đảm bảo bán mãi không ai mua do giá cao và gặp các vướng mắc về pháp lý. Điều này cũng đặt ra câu hỏi lớn về vấn đề thẩm định tài sản của NH và sự dễ dãi trong cho vay đối với các khách hàng lớn ở quá khứ.

Ở một góc độ khác, khi nghe NHNN báo cáo trước Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, và đề nghị kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết này vào giữa năm 2022, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã lưu ý về một số lĩnh vực có số nợ xấu chiếm tỷ trọng cao là bất động sản. Cuối năm 2022, theo số liệu thống kê từ FiinGroup, nợ xấu liên quan đến bất động sản chiếm xấp xỉ 20% tổng quy mô nợ xấu trên bảng cân đối kế toán của các TCTD.

Rõ ràng chất lượng tín dụng đang ngày càng xấu đi là một vấn đề “đau đầu” không chỉ riêng ngành NH mà còn cho cả nền kinh tế. Có thể thấy, mặt bằng lãi suất NH đã hạ nhiệt sau quyết định hạ lãi suất điều hành của NHNN, nhưng mức lãi suất huy động và cho vay ở một số NH hiện vẫn ở mức cao.

Điều này vừa do tốc độ huy động vốn vẫn tăng trưởng thấp hơn tín dụng, vừa do các NH phải tăng huy động để bù đắp phần vốn đã bị chôn vào nợ xấu, trái phiếu. Tình hình sẽ càng xấu hơn nếu nợ xấu vẫn bị giấu đi như nhận định của Kiểm toán Nhà nước.

Thông thường, khi nhìn vào báo cáo tài chính của NH, nợ xấu sẽ được thể hiện trong phần thuyết minh của mục cho vay khách hàng. Tuy nhiên, nhà băng có thể làm giảm bớt các khoản nợ quá hạn và nợ xấu bằng cách đưa các khoản này vào mục các tài sản có khác, các khoản phải thu, chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế phát hành hay ủy thác đầu tư…

Những khoản được ẩn đi chủ yếu là các khoản vay của các DN lớn hoặc có thể là các khoản nợ được cơ cấu lại qua hoạt động mua bán trái phiếu mà các nhà băng có thể chủ động xử lý được.

Che giấu nợ xấu có thể giảm trích lập dự phòng rủi ro, mang lại lợi nhuận cao cho chính các NH, tạo sự yên tâm cho cổ đông, cho các nhà đầu tư và cả NHNN. Nhưng đằng sau tấm bình phong này là cả một rủi ro hệ thống NH và cả nền kinh tế.

Bức tranh nợ xấu của các NH Việt Nam đang rất xấu, bởi đi song hành còn có rất nhiều khoản nợ tiềm ẩn, nợ bị che giấu trong các năm trước chưa được thể hiện công khai. Nếu các khoản ẩn giấu bùng lên, tình hình sẽ càng tiêu cực hơn.

Các tin khác