Những bước đi đầu tiên
Năm 1995, Việt Nam tham gia Cộng đồng các nước Đông Nam Á (ASEAN) khi đất nước mới bước ra khỏi thời kỳ cấm vận và bắt đầu thực hiện đổi mới một cách toàn diện và mạnh mẽ.
Tiếp theo năm 1996, Việt Nam tham gia khu vực thương mại tự do của ASEAN (AFTA). Đây là những bước đi đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII, theo hướng thực hiện chiến lược đối ngoại trên cơ sở đa phương hóa, đa dạng hóa mối quan hệ với đối tác, trong đó lấy hợp tác kinh tế làm nền tảng quan trọng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
Có thể nói, từ những bước đi đầu tiên này, Việt Nam đã phát triển và trưởng thành mạnh mẽ, là nền tảng cho chiến lược về hội nhập của chúng ta cho giai đoạn sau này, kể cả về lĩnh vực đối ngoại và khía cạnh kinh tế. Những cam kết của chúng ta với tư cách là thành viên của một nhóm nước, Việt Nam nhận thức rằng ASEAN sẽ là trung tâm kinh tế, thương mại năng động không chỉ trong châu Á mà cả châu Á-Thái Bình Dương, cũng như thế giới.
Hơn nữa, với vị trí chính trị quan trọng của khu vực Đông Nam Á và các nước thành viên trong ASEAN, có thể nói Việt Nam sẽ phát huy được sức mạnh và tiếng nói, nếu chúng ta tạo nên những cơ sở đồng thuận và sự đoàn kết thống nhất, để không những có vị thế vững mạnh chung, khẳng định vị trí địa chính trị các nước Đông Nam Á và ASEAN, còn tiếp tục có vai trò, đóng góp cũng như thụ hưởng những ưu đãi thuận lợi nhất của khối mậu dịch tự do AFTA, cũng như quan hệ của khối AFTA với các đối tác bên ngoài.
Trong suốt 24 năm tham gia ASEAN và AFTA, Việt Nam đã thực sự trưởng thành lên rất nhiều trong quan điểm về hội nhập và trong khía cạnh thực thi các cam kết hội nhập. Đây có thể nói như tấm bằng tốt nghiệp, tạo nên nền tảng quan trọng giúp Việt Nam phát triển lên tầm cao mới. Điểm đầu tiên trong quan hệ thương mại nội khối, ASEAN đã trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, trong tất cả khía cạnh cả về kinh tế, thương mại và đầu tư…
Thí dụ năm 1996, khi Việt Nam mới tham gia AFTA, tổng thương mại 2 chiều của Việt Nam với các nước trong khối chỉ khoảng 5,9 tỷ USD, nhưng tới năm 2018 con số này tăng hơn 9,5 lần, đạt khoảng 56,3 tỷ USD. Dù Việt Nam còn có lượng nhập siêu nhất định với thị trường ASEAN, nhưng đây là hiện tượng chúng ta có thể chấp nhận, bởi 2 bên có sự chênh lệch trong trình độ phát triển và mức độ hội nhập của các nước.
Vị thế quan trọng, vai trò dẫn dắt
Vị thế quan trọng, vai trò dẫn dắt
Trong khuôn khổ nội khối, không chỉ với tư cách là thành viên ngày càng trưởng thành, Việt Nam còn có vai trò dẫn dắt trong ASEAN, ở nhiều lĩnh vực cả kinh tế chính trị, thương mại, đầu tư đối ngoại… Việt Nam còn khẳng định vị thế là thành viên rất tích cực, chủ động với chiến lược hội nhập ngày càng hoàn thiện và quan điểm mở cửa ngày càng mạnh mẽ, chủ động.
Từ một nước hội nhập năm 1996, đến nay Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới với các nền kinh tế lớn của thế giới (15/20 nước trong khối G20 đã có quan hệ FTA với Việt Nam). Điều này chứng tỏ năng lực, vị thế ảnh hưởng của Việt Nam đã được tăng lên rất nhiều.
Chưa kể, bằng những khuôn khổ tham gia trong ASEAN, với những đóng góp của chúng ta với ASEAN, sự kết dính, kết nối chặt chẽ giữa các nước trong khối ASEAN để trở thành trung tâm của khu vực Đông Nam Á, khu vực Đông Á, cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã tiếp tục ngày càng được khẳng định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) nhận chiếc búa Chủ tịch ASEAN 2020 từ Thủ tướng Thái Lan. Ảnh: Reuters
Chính vì vậy, hàng loạt cơ chế hợp tác của ASEAN + như giữa ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zeland, Hàn Quốc... đã được khẳng định. Đây không chỉ là cơ chế hợp tác về đối ngoại, về an ninh, còn trong cả những khuôn khổ hợp tác về kinh tế. Chúng ta biết rằng, khối ASEAN đã có hàng loạt FTA với tất cả nước này.
Từ đó, dư địa cho nền kinh tế Việt Nam tiếp cận kinh tế khu vực và các khu vực khác trên thế giới, thông qua vai trò ASEAN, đã được khẳng định rất mạnh mẽ. Có thể nói không ngoa ngôn rằng, chính sự hợp tác của Việt Nam với ASEAN trong tất cả lĩnh vực, trong đó lấy kinh tế làm trụ cột quan trọng, đã đưa lại vị thế quan trọng cho Việt Nam như hiện nay, cả về chính trị, đối ngoại cũng như kinh tế.
Với năng lực cạnh tranh ngày càng được khẳng định của kinh tế Việt Nam, với quy mô GDP, quy mô xuất nhập khẩu lớn hơn 2 lần so với GDP, cho thấy rõ năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế của các sản phẩm, cũng như nền kinh tế Việt Nam có sự cải thiện đột biến và rất vững mạnh.
Có thể nói, hợp tác của Việt Nam với ASEAN là những bước đi đầu tiên giúp chúng ta rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm và có ý nghĩa cho việc tái cơ cấu nền nền kinh tế, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng nhà nước pháp quyền gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Những mục tiêu đa dạng này, chính là thực hiện mục tiêu xây dựng chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, theo quan điểm phát triển bền vững mà Đảng đưa ra các chủ trương, đường lối và Nhà nước đã thực thi trong những năm qua.
Dấu mốc 2020
Dấu mốc 2020
2020 là năm có nhiều ý nghĩa quan trọng khi Việt Nam đảm đương chức vụ thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, là năm kết thúc nhiệm kỳ 5 năm Đại hội Đảng toàn quốc, đồng thời là năm bắt đầu cho chiến lược 10 năm về kinh tế-xã hội 2020-2030.
2020 cũng là năm kỷ niệm 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Đây là động lực, thể hiện trách nhiệm của nước thành viên cũng như yêu cầu của ASEAN.
2020 cũng là năm kỷ niệm 5 năm thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Thời gian qua dù AEC đã có những bước tiến quan trọng song cần phải đánh giá, có biện pháp củng cố, tổ chức để có sự phát triển mới.
Năm ASEAN 2020 được xây dựng với chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Chủ đề bao gồm 2 thành tố chính với những hàm ý sâu sắc, ý nghĩa. “Gắn kết” thể hiện ý tưởng củng cố khối đoàn kết, thống nhất và sức mạnh nội tại của ASEAN, gắn bó với người dân, lấy người dân làm trung tâm.
Khái niệm “chủ động thích ứng” lại là một trong những nội hàm của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, lần đầu tiên được đưa vào chủ đề của năm ASEAN, phản ánh nhu cầu của thời cơ và thách thức do những chuyển biến lớn trong cục diện khu vực và thế giới. Trong bối cảnh như vậy, thực hiện trọng trách Chủ tịch ASEAN, đòi hỏi chúng ta phải có quan điểm nhất quán cả về đối ngoại cũng như mục tiêu, chiến lược phát triển trong 5 năm, 10 năm tới và xa hơn nữa.
Với sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Chính phủ và trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về ASEAN do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm trưởng ban, đã làm việc sâu sát, cụ thể. Thông qua những nội dung, công việc do ủy ban này chủ trì tổ chức, đã nhận được sự hưởng ứng, đóng góp rất tích cực của tất cả cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Đặc biệt, thông qua những tham vấn trong quá trình làm việc với các đối tác của chủ tịch khóa trước, cũng như các thành viên của ASEAN, Việt Nam đã nhận được sự thống nhất rất cao cho chủ đề của năm ASEAN 2020 là năm hướng tới sự kết nối, cũng như khả năng thích ứng. 2 nội hàm này của chủ đề năm 2020 đã phản ánh đúng nhu cầu của Việt Nam cũng như các nước thành viên trong ASEAN, trong bối cảnh cục diện khu vực và thế giới thay đổi rất nhanh chóng.
Trải qua 24 năm trong hợp tác phát triển, bản thân ASEAN cũng đã bộc lộ những tồn tại, bất cập trong cơ chế hợp tác, cần phải điều chỉnh, thích ứng mới đảm bảo cho ASEAN vẫn duy trì được là khu vực kinh tế năng động trong khu vực và thế giới, tạo động lực thúc đẩy cho sự phát triển theo hướng tiến bộ, gắn kết, chặt chẽ. Vì thế, với chủ đề đặt ra cho năm 2020, Việt Nam sẽ định hướng các mục tiêu ưu tiên, vừa có tính kế thừa các giai đoạn phát triển trước của ASEAN, mà vẫn phản ánh được đầy đủ xu thế phát triển chung của thế giới và khu vực, đồng thời phản ánh được nhu cầu của ASEAN với đối tác.
Cũng phải kể đến 6 FTA mà ASEAN đã có với các đối tác lớn trên thế giới tác động rất mạnh mẽ vào cấu trúc thương mại toàn cầu. Đặc biệt với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand, Việt Nam và các nước ASEAN sẽ cùng các đối tác của mình dự kiến ký kết vào năm 2020, chắc chắn sẽ mang lại cục diện mới và kết cấu mới của khu vực và thế giới. Bởi, một nền thương mại tự do chiếm đến gần 40% tổng GDP của thế giới, chắc chắn sẽ có tác động rất mạnh đến toàn cầu hóa, thương mại tự do; đồng thời tiếp tục ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch một cách có hiệu quả.
Từ những nền tảng đó, với những mục tiêu và trong cục diện như trên, việc Việt Nam chọn ưu tiên như thế nào để đảm bảo được vừa thực hiện cho mục tiêu chung của ASEAN, đóng góp vào xu thế chung của thế giới, nhưng đồng thời không xa rời những tôn chỉ mục đích của ASEAN và của khối FTA này.
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ đưa ra khoảng 12-16 sáng kiến để có sự thống nhất với các thành viên trong ASEAN, để thực hiện trong 2020, sẽ trải rộng, bao trùm lên các lĩnh vực. Theo đó, các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghệ, kể cả tiếp tục hoàn thiện về mặt thể chế, hệ thống hạ tầng - trong đó có cả phần cứng và phần mềm, cũng như sự liên kết nội khối trong ASEAN, sẽ là những nội dung ưu tiên của Việt Nam và các nước ASEAN cùng thực hiện trong năm 2020.
Khi tham gia ASEAN và AFTA và sau đó là hàng loạt cam kết trong nội khối về mở cửa thị trường, có thể nói lần đầu tiên chúng ta đã tập bơi và bơi ngay tại cái hồ lớn. |